Trình phương án “giải cứu” 12 dự án nghìn tỷ trong 2 tuần tới

Dự án nhà máy đạm Hà Bắc đã quay trở lại hoạt động và bắt đầu sản xuất có hiệu quả
Dự án nhà máy đạm Hà Bắc đã quay trở lại hoạt động và bắt đầu sản xuất có hiệu quả
TPO - Bộ Công Thương sẽ hoàn tất phương án “giải cứu” 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ vào cuối tháng 7. Dự kiến, đến hết năm 2018 sẽ xử lý xong căn bản các dự án yếu kém. Tới năm 2020, hoàn thành xử lý xong 12 dự án.

Ngày 14/7, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ Công Thương, ông Dương Duy Hưng cho biết, cuối tháng 7 này, Bộ Công Thương sẽ trình Ban Chỉ đạo của Chính phủ phương án chính thức “giải cứu” 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ cũng như việc xử lý những tồn tại, yếu kém tại các dự án này trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự kiến, trong năm nay, sẽ hoàn thành phê duyệt và tổ chức xong việc triển khai các phương án khắc phục đối với 12 dự án thua lỗ ngành công thương. Đến hết năm 2018 xử lý căn bản các yếu kém và tới năm 2020, hoàn thành xử lý xong 12 dự án này.

Theo ông Hưng, thời gian qua, Ban chỉ đạo của Chính phủ cùng các bộ ngành, địa phương liên quan đã làm việc rất quyết liệt. Cụ thể, chỉ trong 1 tháng, từ 17/12/2016 đến ngày 16/1/2017, Ban chỉ đạo đã làm việc trực tiếp tại 9/12 dự án để đánh giá, làm việc trực tiếp với  từng nhà máy, từ Giám đốc đến các quản đốc phân xưởng, để nắm lại tình hình để chỉ đạo xử lý. Chỉ trong gần 6 tháng qua, đã có gần 200 văn bản chỉ đạo rất sát sao liên quan đến 12 dự án thua lỗ. Nhờ những tháo gỡ như vậy, trong số 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ, đến nay có sáu dự án đã có chuyển biến tích cực.

Đặc biệt là 4 dự án sản xuất phân bón đều đã quay trở lại hoạt động và bắt đầu sản xuất có hiệu quả. Đó là các dự án của ngành hóa chất như: Dự án nhà máy đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, DAP số 1 (Hải Phòng) và DAP số 2 (Lào Cai). Hai dự án sản xuất thép gồm Nhà máy thép Việt- Trung và dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên cũng có chuyển biến tích cực. Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam cũng đã lên phương án để tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho. Tuy nhiên, bên cạnh những việc làm được, vẫn còn nhiều việc cần tiếp tục triển khai.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, quan điểm của Bộ Công Thương là không chờ đợi, làm sao để các dự án đang sản xuất thì phải đạt hiệu quả hơn. Với những dự án đang ngừng sản xuất thì bằng mọi cách phải khởi động lại xử lý triệt để các tồn tại, vướng mắc rồi mới thực hiện thoái vốn, chuyển vốn hay thực hiện giải pháp khác.

“Từng Tập đoàn, Tổng công ty, chủ đầu tư, nhà máy… phải nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa hoạt động sản xuất. Như với 4 dự án sản xuất phân đạm, phải lên từng phương án để tiết giảm trong năm 2017 là bao nhiêu phần trăm chi phí. Năm 2018 là bao nhiêu. Làm sao để dự án cạnh tranh được”, ông Hưng cho biết.

Cũng theo ông Hưng, dù phương án có đưa ra thế nào thì hàng ngày các đơn vị vẫn phải tập trung giải quyết các vấn đề còn tồn tại sao cho các dự án mỗi ngày tốt lên.

Các số liệu của Bộ Công Thương cũng cho thấy, sau khi nhà máy Đạm Ninh Bình hoạt động trở lại vào tháng 1/2017, đến nay đã đạt 85% công suất, sau 6 tháng dừng hoạt động. Nhà máy thép Việt – Trung cũng đã bắt đầu chuyển từ lỗ sang lãi. Tính đến tháng 3/2017, nhà máy đã có lãi 28,4 tỷ, giúp giảm lỗ của quý I/2017 xuống còn 39,9 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc với PVN mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã yêu cầu lãnh đạo PVN và các đơn vị thành viên phải quyết liệt hơn nữa trong việc xử lý 5 dự án thua lỗ của ngành dầu khí.

Cụ thể, sau quá trình rà soát, xem xét, Bộ Công thương đồng ý để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) dừng và phá sản Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ. PetroVietnam được giao sớm có cuộc họp với cổ đông các dự án này để đưa ra lộ trình phá sản cụ thể. Riêng việc quyết toán con tàu 104.000 tấn thuộc Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Bộ Công Thương chỉ đạo Vụ Tài chính có văn bản gửi Thủ tướng, đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc để định giá con tàu.

Đối với 3 dự án là dự án xăng sinh học Ethanol Dung Quất, dự án nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước và dự án Xơ sợi Đình Vũ của Công ty Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex), Bộ Công Thương đưa ra quan điểm phải khởi động lại dự án để sản xuất sau đó hợp tác với đối tác để thoái vốn, chuyển nhượng vốn.

Cũng tại cuộc họp với Bộ Công Thương, ông Phạm Văn Chất, Chủ tịch HĐQT PVTex cho biết, nhà máy này đã ở “trạng thái tĩnh” 22 tháng qua. Nếu muốn khởi động, phải mất 1 năm, cả tuyển nhân sự, đào tạo… “Dự trù kinh phí trước đó là khoảng 250 tỷ đồng, trong đó trả nợ cũ 172 tỷ đồng, 40 tỷ  đồng bảo dưỡng, 17 tỷ đồng cho đào tạo…Tuy nhiên, con số khởi động bây giờ có thể cao hơn”- ông Chất nói.

Liên quan vấn đề tại PVTex, ông Phan Đình Đức, thành viên HĐTV, Tổ trưởng công tác xử lý vấn đề PVTex cho biết, các phương án đều khó khăn, trong đó quan trọng nhất là không được bỏ đồng vốn nhà nước nào vào các dự án này. Theo ông Đức, hiện tại PVTex đang có 140 người, chủ yếu để bảo vệ và PVN phải dùng tiền lương của cán bộ đang đi công tác nước ngoài để duy trì đội ngũ trên. Còn khi chạy nhà máy, nếu tinh giản hết mức, cũng cần hơn 800 người.

Bàn về việc xử lý các dự án nghìn tỷ thua lỗ của ngành Công thương, trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, phải quy trách nhiệm một cách sòng phẳng. Theo bà Lan, trong các dự án như thế, những người thực hiện phải gánh vác phần trách nhiệm về thua lỗ; phải cho xuống chức hoặc thôi việc, thậm chí xử lý hình sự nếu vi phạm đến mức nghiêm trọng. Kể cả những người đã nghỉ việc, nếu chứng minh được sai phạm, vẫn phải truy cứu trách nhiệm. Họ cũng phải bồi thường về mặt tài chính.

Chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng, không thể chỉ xử lý dự án mà không xử lý những người có trách nhiệm. Theo đó phải truy trách nhiệm từ những người đầu tiên đưa ra chủ trương, quyết định đầu tư. Việc này không phải do các tập đoàn, tổng công ty tự làm mà phải được cấp trên phê duyệt, cấp phép. Do hầu hết đó là những dự án của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nên người phê chuẩn cũng phải chịu trách nhiệm chứ không thể chữ ký của mình quyết định lấy tiền thuế của dân, tiền ngân sách nhà nước đầu tư cho dự án mà không phải chịu trách nhiệm gì.

“Tôi cho rằng, đây cũng là dịp để rà soát lại trách nhiệm của những người liên quan. Cũng như xem xét việc vì sao doanh nghiệp đứng ra đầu tư; mua sắm thiết bị như thế nào; nếu tổ chức đấu thầu thì có thực hiện đấu thầu không? Vì sao dẫn đến tình trạng nhập thiết bị tồi tệ, nhà máy không hoạt động được, tiêu tốn ngân sách lãng phí, thua lỗ nặng nề như thế? Trách nhiệm của những người vận hành sau này”, bà Lan đề xuất.

MỚI - NÓNG