Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong |
Chiều 5/11, tranh luận tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, nguyên nhân căn bản khiến kết luận thanh tra chậm trễ thường liên quan đến phân công quyền lực trong hoạt động thanh tra. Đại biểu cho rằng, quyền lực càng tập trung càng có nguy cơ xảy ra tiêu cực.
“Vậy tại sao chúng ta lại trao cho Tổng Thanh tra Chính phủ ở cấp Trung ương, và Thủ trưởng cơ quan thanh tra ở địa phương được quyền quyết định Đoàn thanh tra và tự mình ký kết luận thanh tra?”, ông Vân nêu, đồng thời đề nghị, phải phân công lại theo hướng thủ trưởng cơ quan thanh tra chỉ sử dụng quyền thủ trưởng của mình để kiểm soát, đôn đốc làm đúng pháp luật. Còn Đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm và Trưởng Đoàn thanh tra phải ký kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề này.
Trả lời về vấn đề tập trung quyền lực trong hoạt động thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, hiện tại Thanh tra Chính phủ đang thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật hiện hành. Trong lần sửa đổi Luật Thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã có ý kiến về vấn đề này.
Liên quan đến vấn đề kiểm soát quyền lực, Tổng Thanh tra cũng cho biết, sắp tới Thanh tra Chính phủ và các cơ quan sẽ trình Bộ Chính trị ban hành quy định về kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra. “Đây là giải pháp căn cơ, lâu dài", ông Phong cho hay.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) |
"Không có tiêu cực"
Chất vấn, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, hiện nay còn nhiều cuộc thanh tra đã quá thời hạn, có những cuộc đã trên 5 năm, như vậy là gấp hơn 10 lần thời gian tối đa cho phép nhưng chưa ban hành được kết luận. Những cuộc thanh tra này do không kết luận được hay do lý do nào khác? Có hay không tiêu cực trong các cuộc thanh tra treo này?
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, nguyên nhân chậm kết luận thanh tra là do chủ quan, do nhiều cuộc thanh tra có quy mô lớn, tính chất phức tạp, liên quan đến sự phát triển ổn định của nền kinh tế, nên cần cân nhắc kỹ lưỡng, mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật có nhiều cách hiểu khác nhau, cần thời gian tham khảo ý kiến cơ quan chuyên môn, dẫn đến chậm thời hạn.
Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đánh giá có 15 cuộc thanh tra của Thanh tra Chính phủ chậm ra kết luận thanh tra. Thanh tra Chính phủ đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp cải thiện vấn đề này. Hiện dự thảo xong, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để báo cáo kết luận thanh tra của 13 cuộc. Thanh tra Chính phủ sẽ nỗ lực để có kết luận thanh tra 2 cuộc còn lại trong năm 2022.
Hiện nay, Thanh tra Chính phủ có những cuộc thanh tra chậm từ nhiều năm trước. Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, qua kiểm tra, không có tiêu cực trong các vụ việc này, các vụ việc chậm đang được tích cực khắc phục.
Về giải pháp cho vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết Thanh tra Chính phủ đang kiến nghị sửa đổi một số điều khoản trong Luật Thanh tra về nội dung thời hạn đưa ra kết luận thanh tra, đồng thời, nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, khắc phục tình trạng chậm ban hành, nghiêm cấm bỏ lọt, bỏ sót hành vi vi phạm, ban hành và quán triệt thực hiện quy chế về việc tổ chức hoạt động thanh tra.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) |
Lĩnh vực nào bị gây nhũng nhiễu, phiền hà nhất?
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt câu hỏi: Thời gian qua, có việc thanh tra thường xuyên hoặc thanh tra đột xuất nhưng không phát hiện được vi phạm. Sau khi có tố cáo, phải tái thanh tra, lại phát hiện có vi phạm. Dư luận nghi ngờ là có tiêu cực của Đoàn thanh tra trước. Nhiều vụ lực lượng công an phát hiện, truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng chưa có thanh tra kết luận hoặc kết luận không đến nơi đến chốn... Đại biểu đề nghị làm rõ nguyên nhân của tình trạng này?
Trong khi đó, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đánh giá, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những bước tiến mạnh mẽ, đặc biệt là việc phát hiện, xử lý nhiều vụ án tham nhũng lớn. Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.
"Đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ đánh giá về tình trạng này và những lĩnh vực nào người dân, doanh nghiệp bị gây nhũng nhiễu, phiền hà nhất? Giải pháp căn cơ để giải pháp để xử lý tình trạng này?", đại biểu Mai Thị Phương Hoa nêu.
Trả lời về vấn đề bảo đảm liêm chính trong đội ngũ thanh tra, Tổng Thanh tra khẳng định, đây là nhiệm vụ quan trọng, nhất là đạo đức công vụ thanh tra. Tổng Thanh tra cho rằng, hiện nay, hành lang pháp luật đang dần hoàn thiện để có cơ sở giám sát hoạt động đoàn thanh tra, hạn chế tình trạng vi phạm về đạo đức công vụ. Tới đây Luật Thanh tra sửa đổi sẽ quy định rõ hơn; rà soát và thực hiện quy chế ứng xử; phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm trong hoạt động thanh tra.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng thừa nhận, thời gian qua có một số kết luận thanh tra chưa đúng bản chất, kết luận còn “nhẹ”. Nguyên nhân do ý thức chấp hành kỷ luật của đoàn thanh tra chưa cao; năng lực trình độ một số cán bộ còn kém; cơ chế chính sách còn bất cập…