Triều Tiên gạt phắt đề xuất của Hàn Quốc

Hình ảnh văn phòng liên lạc chung bị Triều Tiên phá hủy ngày 16/6. (Ảnh: KCNA)
Hình ảnh văn phòng liên lạc chung bị Triều Tiên phá hủy ngày 16/6. (Ảnh: KCNA)
TPO - Triều Tiên hôm nay gạt phắt đề nghị của Hàn Quốc về việc cử đặc phái viên gặp nhau để giảm căng thẳng vì vấn đề rải truyền đơn của người đào tẩu và nỗ lực hoài giải đóng băng, tuyên bố sẽ tái triển khai quân đến các đơn vị ở khu phi quân sự.

Thông báo được hãng thông tấn KCNA đăng tải 1 ngày sau khi Triều Tiên phá hủy tòa nhà dùng làm văn phòng liên lạc chung ở thị trấn biên giới. 

Bất kỳ bước đi nào nhằm phá các thỏa thuận hòa bình liên Triều cũng sẽ là bước lùi lớn đối với nỗ lực của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhằm thúc đẩy hòa giải với miền bắc. 

Những bước đi đó cũng sẽ làm phức tạp các nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi ông đang phải xử lý hàng loạt thách thức trong nước do đại dịch COVID-19 gây ra cũng như làn sóng biểu tình phản đối kỳ thị chủng tộc.

Ngày 15/6, ông Moon đề xuất cử cố vấn an ninh quốc gia Chung Eui-yong và tướng tình báo Suh Hoon làm đặc phái viên, KCNA cho biết. Nhưng cô Kim Yo Jong, em gái Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un, đã “thẳng thừng từ chối lời đề nghị nham hiểm và thiếu khôn ngoan đó”, KNCA cho biết. 

“Giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay giữa Triều Tiên và Hàn Quốc gây ra bởi sự bất lực và vô trách nhiệm của chính quyền Hàn Quốc là không thể và sẽ chỉ kết thúc nếu cái giá xứng đáng được trả”, KCNA viết. 

Văn phòng tổng thống Hàn Quốc chưa đưa ra bình luận nào. 

Báo Rodong Sinmun thuộc đảng Lao động Triều Tiên đăng 6 bức ảnh rõ nét về văn phòng liên lạc trước và sau khi bị phá hủy, kèm theo hàng loạt bài viết của KCNA và bài bình luận chỉ trích Hàn Quốc. 

“Khởi đầu cho thảm họa tổng thể của quan hệ Bắc – Nam” là tiêu đề của bài viết về việc phá hủy văn phòng. 

Cô Kim Yo Jong chỉ trích gay gắt ông Moon trong một bản tin khác của KCNA, trong đó nói rằng nhà lãnh đạo Hàn Quốc không triển khai được bất kỳ thỏa thuận nào đạt được năm 2018 và “kề cổ vào mũi những kẻ bệnh hoạn thân Mỹ”. 

Ông Moon tích cực đóng vai trò trung gian kết nối ông Trump và ông Kim sau khi tình hình bán đảo tiến đến bờ vực chiến tranh năm 2017. Kết quả sau đó là hàng loạt cuộc gặp vào năm 2018 và 2019, tạo nên ý nghĩa biểu tượng lớn nhưng không dẫn đến bất kỳ đột phá nào về phi hạt nhân. 

Trong bài phát biểu đầu tuần này, nhân kỷ niệm 20 năm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều đầu tiên, ông Moon nói rằng ông tiếc khi quan hệ liên Triều và Mỹ - Triều không đạt được đột phá nào, nhưng đề nghị Bình Nhưỡng duy trì các thỏa thuận hòa bình và trở lại đối thoại. 

“Trong mắt anh em ông Kim, chính quyền Moon đã mang lại quá nhiều hy vọng sai lầm rằng họ có thể giảm bớt sức ép từ Mỹ để đưa quan hệ tiến triển”, Chun Yung-woo, một cực đặc phái viên Hàn Quốc, nói với Reuters. 

“Nhưng sau 2 năm, điều còn lại đối với Triều Tiên là một cuộc gặp thượng đỉnh không có kết quả với ông Trump và không có bất kỳ tiến triển nào trong hợp tác kinh tế liên Triều”, ông Chun nói. 

MỚI - NÓNG