Căng thẳng liên Triều tăng vọt, vì sao?

TP - Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm qua thúc giục Triều Tiên quay lại đối thoại và tránh gia tăng căng thẳng, sau khi Bình Nhưỡng đe doạ cắt đứt quan hệ và có hành động quân sự. 
Căng thẳng liên Triều tăng vọt, vì sao? ảnh 1

Khói đen từ văn phòng liên lạc chung được nhìn thấy từ phía Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap

Triều Tiên hôm qua phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều ở thị trấn biên giới Kaesong, đẩy căng thẳng trên bán đảo gia tăng sau khi tung ra hàng loạt đe dọa trả đũa chiến dịch thả truyền đơn chống Bình Nhưỡng.

 Văn phòng liên lạc chung được mở từ tháng 9/2018 để xúc tiến các hoạt động hợp tác liên Triều và tạo không khí hoà giải sau những cuộc gặp giữa Tổng thống Moon Jae-in và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Đó từng được coi là một trong những biểu tượng hữu hình nhất cho sự ấm lên trong quan hệ liên Triều, là nơi trao đổi liên lạc thường xuyên giữa chính quyền hai nước. Sự việc được đánh giá là đòn giáng mạnh vào nỗ lực thúc đẩy hoà bình của ông Moon.

 Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA hôm qua xác nhận nước này đã phá huỷ hoàn toàn văn phòng liên lạc và cắt đứt tất cả đường dây liên lạc giữa hai miền. Cuối tuần qua, cô Kim Yo-jong, em gái Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un, cảnh báo sẽ đáp trả Hàn Quốc bằng hành động quân sự vì Seoul chưa xử lý được vấn đề người Triều Tiên đào tẩu thả truyền đơn qua biên giới bằng bóng bay.

Theo một số chuyên gia, việc Triều Tiên phá huỷ văn phòng có vẻ nhằm hướng dư luận trong nước khỏi những khó khăn kinh tế ngày càng nghiêm trọng, đồng thời cũng gửi tín hiệu về mong muốn duy trì ngoại giao với Mỹ.

Những tuyên bố dồn dập và hành động gần đây của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh khó khăn kinh tế của nước này trở nên trầm trọng hơn vì các biện pháp trừng phạt toàn cầu, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến thương mại với Trung Quốc, khiến ngành du lịch và các hoạt động kinh tế suy giảm, cùng với đó là nỗi lo về nguy cơ thiếu lương thực do không nhập được phân bón.

“Đối với ông Kim, mọi thứ có vẻ không như ý, từ những nỗ lực đối thoại với Mỹ đến động lực kinh tế và kiểm soát dịch bệnh”, Yonhap dẫn lời GS Nam Chang-hee, một nhà nghiên cứu về đối ngoại đang công tác tại ĐH Inha, Hàn Quốc. “Nói đơn giản, đó là một thất bại của lãnh đạo Triều Tiên, và ông ấy có thể muốn hướng dư luận xuống miền nam hoặc làm chệch hướng chỉ trích. Với Triều Tiên, Hàn Quốc là mục tiêu dễ dàng trong khi họ cảm thấy cần thận trọng với Mỹ”, GS Nam nói.

Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên có vẻ đã nắm lấy vấn đề rải truyền đơn để trừng phạt Hàn Quốc thất bại trong chuyện làm cầu nối để Bình Nhưỡng và Washington đạt được thỏa thuận hạt nhân, đồng thời cũng là lời kêu gọi gián tiếp rằng Mỹ cần linh hoạt.

Điều đáng chú ý là em gái ông Kim đóng vai trò đi đầu trong chiến dịch gia tăng sức ép lên Hàn Quốc lần này. Các nhà quan sát cho rằng ông Kim có vẻ đang để em gái trở thành người tiên phong trong những vấn đề đối ngoại căng thẳng và dễ bị chỉ trích. Ông Kim dường như vẫn muốn giữ quan hệ với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người với phong cách làm đối ngoại phi chính thống đã tạo ra những cơ hội ngoại giao mới cho Triều Tiên.

“Dù những chỉ trích cứng rắn gần đây của Triều Tiên với Hàn Quốc dường như cũng hướng đến Mỹ, Bình Nhưỡng vẫn chưa gây sức ép trực tiếp nào lên Washington vì họ có thể nghĩ chiến thuật đó giờ có thể không hiệu quả với Mỹ”, ông Park Won-gon, giáo sư ngành chính trị quốc tế tại ĐH Toàn cầu Handong, nói với Yonhap.

MỚI - NÓNG