Liên tục những ngày qua, triều cường làm tràn bờ các huyện ven biển tỉnh Cà Mau như Ngọc Hiển, Năm Căn, Phú Tân, Đầm Dơi…Tại trường tiểu học Đất Mũi, xã Đất Mũi (Ngọc Hiển, Cà Mau) nước tràn ngập tất cả các lớp học, ngập sâu, đảo lộn giờ giấc học tập.
Chi cục Thủy lợi Cà Mau ghi nhận đã có 159 km đường giao thông bị ngập, vỡ đê bao 250m, ảnh hưởng gần 5.000 ha nuôi trồng thủy sản, 2.360 nhà dân bị ngập cục bộ, ước thiệt hại hơn 2,3 tỷ đồng.
Trước đó hồi đầu tháng 11, triều cường đã dâng cao khiến toàn bộ tuyến ven biển Đông và Tây tỉnh Cà Mau dài 252km ngập sâu, có vùng ngập sâu tới 0,5m.
Được biết, triều cường là hiện tượng thiên nhiên bình thường của những nơi có biển, nước thường dâng cao theo chu kỳ là cuối năm.
Tuy nhiên, đối với tỉnh Cà Mau thông thường cao điểm của triều cường là tháng 12 cho tới đầu tháng Ba năm sau. Như vậy, năm nay triều cường lên sớm hơn gần một tháng, mực nước cũng cao hơn mọi năm là 0,3m.
Như vậy ngày càng thấy rõ về sự tác động mạnh của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, mà theo dự báo Cà Mau là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất so với tất cả các tỉnh có biển ở Việt Nam.
Thông tấn xã Việt Nam đưa tin, ông Lê Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau cho hay, năm chương trình thích ứng với biến đổi khi hậu và nước biển dâng của Cà Mau đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt với tổng mức kinh phí lên tới 5.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của Trung ương, hiện địa phương đang chờ vốn. Trước hết, Cà Mau ưu tiên Dự án xây dựng đê biển Đông, nâng cấp đê biển Tây với kinh phí ước tính 1.300 tỷ đồng. Nhưng trong hai năm 2013-2014, địa phương mới nhận được 100 tỷ đồng.