Nước ngập khiến việc kinh doanh của người dân bị ảnh hưởng. Ảnh: Hữu Huy |
Đường trung tâm ngập úng do triều cường
Chiều 30/10, triều cường đạt đỉnh, tiếp tục gây ngập nhiều tuyến đường, khu dân cư thuộc vùng trũng, thấp, ven sông, kênh rạch ở TPHCM. Trong đó, đoạn đường Calmette ngay quận trung tâm bị ngập (đoạn từ đường Võ Văn Kiệt đến đường Nguyễn Công Trứ, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) khiến giao thông qua khu vực gặp nhiều khó khăn.
Chia sẻ với PV, ông Lâm Thanh Sang (người dân sinh sống ở đường Calmette, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) cho biết, khu vực này có nền đường thấp nên khi triều cường thường xuyên xảy ra tình trạng ngập nước ở đoạn hai bên cầu Calmette. “Nước triều từ cống tràn lên mặt đường gây ngập. Đôi lúc, nước triều dâng còn kết hợp mưa lớn thì cả tuyến đường từ điểm giao với đường Nguyễn Thái Bình, đường Nguyễn Công Trứ, Lê Thị Hồng Gấm bị ngập sâu khiến cuộc sống và việc kinh doanh của hộ dân hai bên đường bị ảnh hưởng”- ông Sang cho hay.
Trong khi đó, bà Ngô Thị Phương Mai (người dân tại hẻm 40 Calmette) cũng cho biết, khu vực đường Calmette (đoạn ở hai bên cầu Calmette) thường xuyên bị ngập do triều cường. “Nước ngập từ khoảng 5 giờ chiều đến khoảng 7 giờ tối thì rút dần. Hôm nay nước vẫn ngập chưa sâu, nhưng có những lúc mưa lớn khi triều cường thì sẽ ngập nặng hơn. Những lúc đó, người dân phải che chắn cửa nhà để tránh nước tạt vào nhà mỗi khi có xe lớn chạy qua”- bà Mai chia sẻ.
Dự án chống ngập 10 nghìn tỷ: Tiếp tục chờ!
Trả lời cử tri mới đây về dự án chống ngập được đầu tư 10 nghìn tỷ đồng trễ hẹn 5 năm nhưng chưa biết ngày nào về đích, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết cần hơn 6 tháng nữa để hoàn thành dự án.
Trao đổi về dự án chống ngập bất động nhiều năm, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thừa nhận dự án đã đi được hơn 90% đoạn đường, tuy nhiên 10% còn lại thì nhà đầu tư gặp khó về tài chính, tương đương cần khoảng 1.800 tỷ đồng để hoàn thành công việc. Tuy nhiên, nhà đầu tư không còn đủ khả năng tài chính, thời gian vay kéo dài nên ngân hàng không tiếp tục cấp vốn. Theo người đứng đầu chính quyền TPHCM cho biết trong năm 2023, ngân sách Trung ương và TPHCM dành cho đầu tư công là 68.000 tỷ đồng và ngân sách thành phố đã dành 5.700 tỷ đồng đề trả nợ cho dự án này nhưng chưa có điều kiện để trả vì dự án chưa hoàn thành, nghiệm thu. Do đó, thành phố đang xin Thủ tướng cơ chế về việc này.
Ngọc Lâm
Cống ngăn triều chưa hoàn thành
Ngày 30/10, thông tin với PV Tiền Phong, ông Lê Tiến Sĩ - Chánh Văn phòng UBND quận 1 (TPHCM) cho biết, khu vực đường Calmette có cao độ thấp nên thường bị ngập do triều cường, tuy nhiên không ngập nặng. Những lúc có mưa lớn kết hợp với triều cường, tuyến đường này mới xảy ra tình trạng ngập cục bộ.
Theo ông Sĩ, về giải pháp trước mắt, địa phương thường xuyên cho nạo vét cống thoát nước xung quanh khu vực để tăng cường thoát nước khi mưa lớn kết hợp triều cường. “Tuy nhiên, đây là giải pháp giảm ngập trước mắt. Về giải pháp lâu dài, hiện nay thành phố đang xây dựng hệ thống cống ngăn triều”- ông Sĩ cho biết.
Theo ghi nhận của PV, tuyến đường Calmette (quận 1) nằm cách khu vực cống kiểm soát triều Bến Nghé (kênh Bến Nghé) chỉ khoảng hơn 500 mét. Cống kiểm soát triều này là một trong sáu cống kiểm soát triều thuộc dự án giải quyết ngập do triều, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu TPHCM (giai đoạn 1) hay còn được gọi là “dự án chống ngập 10.000 tỷ”.
Chủ đầu tư cho biết, hiện nay tiến độ thi công cống Bến Nghé đã đạt 97% khối lượng, các hạng mục chính như cửa van đã được lắp đặt và thử nghiệm thành công, hiện chỉ còn một vài công đoạn để hoàn thiện. Tuy nhiên, dự án đã tạm dừng từ cuối năm 2020 đến nay, lý do là chưa được tái cấp vốn. Chính vì vậy, hiện tại cống ngăn triều Bến Nghé chưa thể hoàn thành và chưa thể phát huy hiệu quả của dự án.
Trước đó, thông tin với PV báo Tiền Phong tại cuộc họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM, ông Nguyễn Huy Bình- Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư- Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM cho biết, theo báo cáo của chủ đầu tư, đến nay dự án này đã hoàn thành 93% khối lượng. Hiện tại dự án đang gặp khó khăn vướng mắc về phương thức thanh toán. Theo quy định của cơ chế chính sách thì dự án vượt phạm vi xử lý của UBND TPHCM.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM, dự kiến khi các vấn đề vướng mắc về phương thức thanh toán được tháo gỡ thì việc thi công, hoàn thành phần việc còn lại của dự án sẽ được thực hiện trong thời gian từ 6 đến 8 tháng.