Triển lãm nhóm 'Lacameo'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Lacameo không phải là nhóm họa sỹ đặc biệt, nó mang ý nghĩa bè bạn, nhiều hơn là một khuynh hướng nghệ thuật, cùng học, cùng chơi, cùng có những cách từng trải và trách nhiệm của người mẹ mà bình tĩnh sáng tác. Có lẽ những nhóm này không hiếm ở các thành phố, theo những cách khác nhau, nghề nghiệp khác nhau. Nhưng là họa sỹ họ vẽ một cách trực tiếp về số phận của họ, cách nhìn của họ trong cái thế giới mênh mông mà chật hẹp này.

Trong một phỏng vấn gần đây, tôi đã nêu ra ý nghĩ phụ nữ là những người mang bản năng nguyên thủy và ít tính chính trị nhất, họ gắn với những vấn đề bất biến của nhân loại, như nhân duyên, thân phận trong nhân tình thế thái, cái mà nghệ thuật theo đuổi. Nhưng lại thật sự mơ hồ, khi phụ nữ làm nghệ thuật thì họ có đưa ra những vấn đề như vậy không?

Năm cô gái, mà thực ra đã là những bà mẹ trung niên rồi, tôi biết họ từ thủa thiếu thời, khi cha anh họ đều là đồng nghiệp, cùng xuất phát từ cái nôi Yết Kiêu. Họ sinh vài năm sau 1975, thuộc lứa hậu chiến, trong người vẫn còn đang mang những đặc điểm truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, lại lớn lên trong thời Bao cấp và sau đó nhanh chóng là thời Đổi mới và Mở cửa – Những thanh niên của buổi giao thời này, vừa có cuộc sống tương tự như cha anh, vừa rất khác, bởi chính họ và sự lựa chọn theo ý mình, hơn là theo ý gia đình. Kết quả, không chỉ họ, mà là một lứa chung, rất nhiều cô gái/ bà mẹ chọn một lối sống – bà mẹ đơn thân – có một, hai con và ở một mình, vậy là đủ.

Vài người của nhóm Lacameo này như vậy, thời gian còn lại là nghệ thuật, cụ thể là vẽ tranh. Trước tiên vì yêu thích, sau đó bán được thì càng tốt. Single mom cần nhiều tiền, thuê/ mua nhà, chăm con đi học, mua nguyên liệu vẽ/ shoping và la cà, buôn dưa lê, bàn chuyện Frida Kahlo. Năm số phận tưởng chừng rất khác nhau, nhưng rồi vẫn chung bởi tính đàn bà, và thân phận đàn bà theo cách thức bản nguyên nhất.

Triển lãm nhóm 'Lacameo' ảnh 1

Chân dung tự họa Họa sĩ Đặng Tú Thư

Đặng Tú Thư (1978 – 2020) từng học nhạc, rồi học họa, chuyên khoa đồ họa. Người nhẹ nhàng mà sâu sắc, và không biết nếu không sớm bị mắc ung thư thì cô sẽ thế nào. Căn bệnh đã thay đổi cả cuộc sống lẫn hội họa, mà những năm tháng trên giường bệnh cô vẽ rất nhiều chân dung, với mục đích cụ thể, kiếm tiền chữa bệnh, nhưng chúng – những bức chân dung ấy ngày càng cho Thư nghiền ngẫm số phận con người. Cô lần mò trong từng nét mặt, cố gắng diễn đạt cái mình hiểu và cái chưa hiểu về cuộc đời. Những điều này có lẽ đã báo hiệu ngay từ những bức đồ họa đầu tiên đầy khắc khoải, lo âu và lãng đãng.

Triển lãm nhóm 'Lacameo' ảnh 2

Trăng Thoát Khỏi Mây. Họa sĩ Bình Nhi

Bình Nhi (1981) cô gái Tày thật sự có nhậy cảm tuyệt vời với tự nhiên, cây cỏ, rồi sau này cũng tự nhiên đi đến với Phật giáo. Người Tày có cái nhìn bình ổn trước cuộc sống, rất ít băn khoăn với chính trị hay biến động, nhưng sự gia nhập vào một gia đình họa sỹ ở Hải Phòng, cũng thay đổi đáng kể với cô, nhất là phong cách vẽ - người cha chồng là họa sỹ Quốc Thái, một người nhiệt thành với nghệ thuật và rất trực tính, luôn muốn cả nhà có con mắt hội họa thuần túy, biểu cảm, chứ không phải thay đổi. Họ đã chuyển đến làng Cự Đà sinh sống, bên cạnh đời sống Phật giáo có xu hướng Tây Tạng ở Việt Nam gần đây. Nhãn quan này đã hướng hội họa của Nhi đến tự nhiên nhiều hơn, hoa cỏ lại chính là thân phận và số phận con người.

Triển lãm nhóm 'Lacameo' ảnh 3

Mộng Mị 1. Họa sĩ Nguyễn Thu Hương

Nguyễn Thu Hương (1979) con gái họa sỹ Nguyễn Sinh Kung, từ Thái Bình lên Hà Nội lập nghiệp, có vẻ Đương đại hơn những người bạn Lacameo của mình. Cô thể hiện trên lụa cái nhìn của thế hệ 9X, rất trực diện, không nhiều băn khoăn với tính truyền thống của tâm lý Việt và cả lối vẽ Modern Art. Con người là phần cấu thành của một xã hội công nghệ và kỹ thuật số cũng sâu sắc thân phận không kém con người của đồng áng và làng xã. Thu Hương mạnh mẽ và dịu dàng theo cách riêng, hướng đến cái mới nhất của thẩm mỹ và cách quan sát phi logic của không gian hội họa chỉ là cho hội họa và tâm trạng.

Triển lãm nhóm 'Lacameo' ảnh 4

Ẩn Hiện 4. Họa sĩ Phan Minh Bạch

Phan Minh Bạch (1979) cũng từ một gia đình toàn họa sỹ ở Thanh Hóa, có lẽ là người vất vả nhất trong nhóm Lacameo, bởi sự thẳng tính và không thỏa hiệp, và mải mê tìm một thứ hội họa cho riêng số phận mình. Cô ẩn giấu trong những sắc mầu không quá rõ ràng tương phản hình thể người phụ nữ trần trụi, cay đắng, đẹp nhưng buồn. Một cái đẹp cô độc đến mức tự cảm thấy trơ trụi trong trời mây, sông nước, trong những nét hoa văn cổ. Nhưng vẽ thế thì tạo ra mê say, không dứt nổi khi cầm bút, vì nó cũng rất thuần khiết trong từng thớ lụa.

Triển lãm nhóm 'Lacameo' ảnh 5

Mùa Hoa 1. Họa sĩ Nguyễn Mai Loan

Nguyễn Mai Loan (1979) lại là một thân phận khác, một người tự tạo ra cuộc sống của mình, đầy nghị lực, không bao giờ phàn nàn. Loan không được học vẽ liên tục như bốn lacameo trên, cô học phê bình, lịch sử nghệ thuật, rồi tự học vẽ với nhiều họa sỹ bè bạn, với sự cần mẫn, kiên trì, ngay cả với chút giấy mầu không quá dư dật. Tính cách đó, có vẻ không bộc lộ khi cô vẽ, cô giấu đi tất cả cái gì có thể biểu hiện về mình, mà lẩn trốn ngay trong bức họa họa lá, tĩnh vật thông thường. Người ta cần xúc cảm đơn giản và tinh tế hơn để cảm nhận được cô trong cách thức này.

Lacameo cũng không phải là nhóm họa sỹ đặc biệt, nó mang ý nghĩa bè bạn, nhiều hơn là một khuynh hướng nghệ thuật, cùng học, cùng chơi, cùng có những cách từng trải và trách nhiệm của người mẹ mà bình tĩnh sáng tác. Có lẽ những nhóm này không hiếm ở các thành phố, theo những cách khác nhau, nghề nghiệp khác nhau. Nhưng là họa sỹ họ vẽ một cách trực tiếp về số phận của họ, cách nhìn của họ trong cái thế giới mênh mông mà chật hẹp này.

Triển lãm nhóm LACAMEO

Giờ khai mạc: 9h30 thứ 7, ngày 23/4/2022

Thời gian mở cửa: 9h đến 17h, các ngày từ 23 đến ngày 29/4/2022

Địa điểm: ART SPACE 42 Yết Kiêu, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội

MỚI - NÓNG