Chiều 14/1, nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Nguyễn Đắc Xuân vừa phối hợp cùng trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế tổ chức triển lãm về vua Hàm Nghi nhân kỷ niểm 70 năm ngày mất của ông.
Lúc đầu vua Hàm Nghi không học tiếng Pháp vì tiếng Pháp là thứ tiếng của thực dân đã cướp nước Việt Nam. Sau khi gặp những người Pháp tử tế, nhiều người quý trọng nhân cách của nhà vua.
Ông quyết định học tiếng Pháp, học đi xe đạp, học chụp ảnh vẽ tranh, nặn tượng. Nhà vua giao thiệp rộng với nhiều người trong giới quý tộc các nước nhưng ông luôn vận quốc phục. Trong ảnh là chân dung nhà vua những năm đầu ở Algerie (Tư liệu của Amandine cung cấp cho Nguyễn Đắc Xuân).
Ngày 02/8/1884, Nguyễn Phúc Ưng Lịch khi ấy mới 13 tuổi lên ngôi, lấy niên hiệu là Hàm Nghi. Lên ngôi khi chủ quyền đất nước đã bị đặt dưới ách thực dân, lại là người có tư tưởng chống Pháp, nhà vua đã trở thành người đứng đầu phong trào Cần Vương. Đáng tiếc khi phong trào chỉ mới được 3 năm, thì đêm 26/8/1888, nhà vua bị Pháp bắt.
Chỉ ít lâu sau, ngày 13/01/1889, nhà vua bị đưa đến thủ đô Alger (Algérie) bắt đầu cuộc sống lưu đày. Năm 1904, ông kết hôn với Marcelle Laloe là con gái Chánh tòa Thưởng thẩm Alger.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân thì đám cưới của vua Hàm Nghi đã trở thành một sự kiện xã hội đặc biệt lúc bấy giờ. Sau đám cưới, họ sinh được ba người con là: hoàng nữ Như Mai (1905); hoàng nữ Như Lý (1908) và hoàng nam Minh Đức (1910).
Sau ba năm ẩn tránh trong rừng sâu, thực dân Pháp lùng bắt nhưng không được, Vua Hàm Nghi không may bị tên người hầu là Trương Quang Ngọc phản bội dẫn quân Pháp vào rừng bắt vua. Trong ảnh là minh họa về cuộc bắt giữ do người Pháp thực hiện.
Cũng tại triển lãm nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân giới thiệu tư liệu của công chúa Như Lý khẳng định ngày 14/01/1944 vua Hàm Nghi qua đời tại biệt thự Gia Long ở thủ đô Alger vì căn bệnh ung thư dạ dày mà hiện nay nhiều tài liệu vẫn còn chưa chính xác.\
Vua Hàm Nghi và bà Vương Phi Marcelle Laloe.
Tất cả các nội dung trên đã được nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân khái quát qua hơn 30 tư liệu tranh ảnh và 30 tài liệu sách báo, tạp chí. Đặc biệt, với 2 bản sao hai bức tranh Chiều tà và Bức tranh quê đã phác họa phần nào về vua Hàm Nghi với tư cách họa sĩ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết với 2 bức tranh ấy, vua Hàm Nghi đã cùng với họa sĩ Lê Văn Miến, là người mở đầu cho lịch sử Mỹ thuật hiện đại Việt Nam.
Chiều tà (bản sao), chất liệu sơn dầu, 35 x 46 cm của vua Hàm Nghi lần đầu được đưa ra bán đấu giá vào lúc 14h15 ngày 24/11/2010 tại Paris với giá 8.800 Euro. Cao gấp 9 lần so với giá ban đầu. Hiện nay bức tranh được đánh giá lên đến 100.000 Euros. Người mua bức tranh là ông Gerard Chapuis – một người Pháp gốc Việt.
Bức Tranh quê được nhà vua Hàm Nghi vẽ rất đẹp và nghệ thuật.
Riêng bức Tranh quê (bản sao, tranh sơn dầu của vua Hàm Nghi) lưu giữ tại lâu đài De la Nauche của công chúa Như Lý. Xem bức tranh này người ta bình luận: Họa sĩ Hàm Nghi đã chịu ảnh hưởng phong cách vẽ tranh của họa sĩ Pháp Gauguin (1848 - 1903). Nguyễn Đắc Xuân được công chúa Như Ly cho phép chụp lại năm 1999.
Ảnh: Anh Việt