Nội dung trên được TS.BS Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115 nêu lên tại buổi khảo sát về việc thực hiện Đề án Y tế thông minh giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 của Ban Văn hóa Xã hội Hội đồng Nhân Dân TPHCM diễn ra vào ngày 27/10.
BS Nguyễn Đức Khang thông tin về một trường hợp đột quỵ được cứu sống tại buổi khảo sát của Hội đồng Nhân dân TPHCM |
Theo bác sĩ Báu, trước đây, bệnh nhân đột quỵ tắc mạch máu não nhập viện trong 6 giờ đầu sẽ được can thiệp, kết quả khả quan và được xem là khung “giờ vàng”. Những bệnh nhân đột quỵ não sau 6 giờ, bác sĩ gần như không thể làm gì, người bệnh khi đó sẽ đối mặt với nguy cơ tàn phế hoặc tử vong.
Để giải quyết bài toán khó trong nới rộng khung giờ vàng cứu chữa bệnh nhân, từ năm 2019, Bệnh viện Nhân Dân 115 đã ứng dụng tiến bộ của khoa học, áp dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo Rapid tiên tiến nhất thế giới vào điều trị. Phần mềm giúp bác sĩ đánh giá được mức độ tổn thương của não sau đột quỵ và khả năng có thể can thiệp được hay không, từ đó bác sĩ sẽ quyết định phương án cứu chữa cho bệnh nhân. Từ thành quả của ứng dụng phần mềm, cửa sổ thời gian để cứu chữa người bệnh đột quỵ đã được nâng lên 24 giờ.
Kết quả phân tích của phần mềm trí tuệ nhân tạo về nguy cơ chết não của một ca bệnh đột quỵ |
BS Nguyễn Đức Khang, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Nhân Dân 115 cho biết: “Mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 14.000 ca đột quỵ não. Hiện nay, mỗi ngày có 2 bệnh nhân đột quỵ đến sau 6 giờ được áp dụng Rapid. Thay vì cả 2 đều đối mặt với nguy cơ tàn phế, tử vong như trước đây thì bây giờ bệnh viện đã giúp được 1 người trở về cuộc sống bình thường".
Từ năm 2019 đến nay, có 2.215 ca được chẩn đoán can thiệp bằng Rapid tại Bệnh viện Nhân Dân 115. Có những trường hợp bị đột quỵ từ Lâm Đồng, Cà Mau, đến viện đã quá “giờ vàng” nhưng vẫn can thiệp hiệu quả. Kết quả khảo sát ghi nhận 48% người bệnh được can thiệp thành công có thể vận động bình thường, giảm tỷ lệ di chứng hoặc tử vong.