Bệnh nhân bong da toàn thân vì loại vi khuẩn nguy hiểm kháng thuốc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nam bệnh nhân nhập viện trong tình trạng da toàn thân khô, bong tróc, tay chân nổi nhiều mụn mủ vàng đục, trợt loét rỉ dịch máu mủ và sốt. Qua xét nghiệm, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhiễm loại vi khuẩn nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến tính mạng.

Sáng 26/10 BS Nguyễn Vũ Hoàng, Trưởng khoa Lâm sàng 2, BV Da Liễu TPHCM cho biết tại đây vừa tiếp nhận một trường hợp viêm da cơ địa bội nhiễm nặng.

Bệnh nhân bong da toàn thân vì loại vi khuẩn nguy hiểm kháng thuốc ảnh 1

Nam bệnh nhân nhập viện với cơ thể bị bong tróc da gây nhiễm trùng nặng

Đó là trường hợp bệnh nhân nam 52 tuổi, ngụ tại Tiền Giang. Thời điểm nhập viện, toàn thân bệnh nhân bị bong tróc da, đặc biệt lòng bàn tay, lòng bàn chân nổi nhiều mụn mủ vàng đục, trợt loét rỉ dịch máu mủ và sốt. Bệnh nhân than đau, ngứa nhiều, ăn uống, đi lại sinh hoạt rất khó khăn. Khai thác bệnh sử của các bác sĩ từ phía người bệnh nhân ghi nhận, ông có tiền căn bị viêm da cơ địa khoảng 2 năm qua.

Thời gian gần đây lòng bàn tay, bàn chân nổi nhiều mụn nước, cảm giác ngứa nhiều, rất khó chịu, mất ngủ. Người bệnh đã tự chích vỡ các nốt mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân và chà xát mạnh cho đỡ ngứa. Tuy nhiên, ngay sau đó tay chân người bệnh bắt đầu sưng lớn, nhiều vị trí tạo ổ mủ. Bệnh nhân rơi vào sốt cao, điều trị không thuyên giảm nên phải đến bệnh viện.

BS Vũ Hoàng cho biết, đây là trường hợp viêm da cơ địa bội nhiễm, nguyên nhân có thể do bệnh nhân chích vỡ các mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân cộng với việc cào gãi, chà xát mạnh làm da bị tổn thương khiến cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào da và gây ra nhiễm trùng.

Bệnh nhân bong da toàn thân vì loại vi khuẩn nguy hiểm kháng thuốc ảnh 2

Sau khi được chăm sóc, điều trị tích cực, sức khỏe của người bệnh đang dần bình phục

“Đặc biệt, sau khi cấy dịch mủ ở lòng bàn tay, kết quả cho thấy có nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng đa kháng thuốc, loại vi khuẩn này đề kháng với hầu hết các kháng sinh hiện nay nên rất khó khăn trong việc điều trị, nguy hiểm đến tính mạng người bệnh” - BS Vũ Hoàng nói.

Bệnh nhân sau đó được điều trị bằng kháng sinh thế hệ mới, kháng viêm, thuốc thoa và chăm sóc vết thương tại chỗ. Sau 7 ngày điều trị các mụn mủ khô dần và bong tróc. Tình trạng bệnh cải thiện khoảng 80-90% so với lúc nhập viện.

Từ trường hợp trên, bác sĩ cảnh báo, vi khuẩn đa kháng với kháng sinh đang trở thành mối nguy hiểm đối với sức khỏe của cộng đồng. Khi người bệnh có những biểu hiện viêm nhiễm bất thường, tuyệt đối không tự ý điều trị mà cần đến cơ sở y tế để được hỗ trợ chuyên môn.

MỚI - NÓNG