Tri ân, chuyện tháng Bảy: Những trái tim mang sức mạnh mặt trời

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chiến tranh đã trở thành quá vãng vài chục năm nhưng còn đó những dấu tích hằn trên cơ thể biết bao người lính năm xưa. Nó hiển hiện nơi đôi mắt không bao giờ còn thấy ánh sáng, nơi đôi chân đã bị mảnh bom cắt cụt. Những cơn đau tê dại đôi khi khiến họ như chết đi sống lại, nhưng một điều dường như bất biến, là kí ức về tình đồng đội, là tinh thần thép đã dìu họ đi qua chặng đường dài của kiếp người. Và trên hành trình đó, tình yêu như liều thuốc nhiệm màu, hóa giải những cơn đau…

Cảm ơn Trời đã cho tôi một người, cảm ơn người đã cho tôi một đời

“Anh ơi, nhà có khách”, giọng phụ nữ cất lên sau lời chào của tôi. Người đàn ông bước ra từ căn phòng nhỏ một cách chậm rãi và cẩn thận. Tôi không nhìn thấy đôi mắt ông bởi nó ẩn sau cặp kính đen, nhưng nụ cười đôn hậu và giọng nói trầm ấm của người chiến sĩ năm xưa giờ vẫn hào sảng dù đôi lúc xen lẫn từng cơn ho cho người đối diện cảm nhận được chất người lính vẫn thấm đẫm trong ông.

Tri ân, chuyện tháng Bảy: Những trái tim mang sức mạnh mặt trời ảnh 1

Ở tuổi 72 bà Mai vẫn hằng ngày chăm sóc khu vườn nhỏ dù đi lại khó khăn. Ảnh: Hà Minh

Tròn 19 tuổi (năm 1973), chàng thanh niên Nguyễn Văn Nghi tạm biệt gia đình, bước vào đợt huấn luyện và trở thành chiến sĩ trên chiến trường đất bạn Lào. Cuộc đời binh nghiệp bỗng chốc bị cắt đứt khi không may Nghi bị mù cả 2 mắt, trở thành thương binh với thương tật 91%. Bóng tối sập xuống, bao trùm lấy cuộc đời cậu lính trẻ từ hôm đó. Đã 49 năm nay, từ chàng trai mang biết bao hoài bão, giờ đã ở tuổi thất thập cổ lai hi, hình ảnh sinh động của cuộc sống trong ông mãi mãi dừng ở tuổi 19. Những tưởng bóng tối sẽ chôn vùi tất cả mộng ước và khát khao. Nhưng cuộc đời luôn bù đắp cho những phận người không may mắn. Ở tuổi 30 ông gặp cô gái trẻ Đào Thị Thiết, một nhân viên hành chính làm tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên (tỉnh Hà Nam), nơi ông gắn bó từ năm 1976. Người đàn ông bước ra từ chiến tranh, mang nỗi đau thể xác và tinh thần, chưa một lần yêu ai bỗng thổn thức con tim mỗi lần trò chuyện với Thiết.

“Hồi đó có biết tán tỉnh là gì đâu cô, cứ cảm mến qua những lần gặp gỡ rồi hai đứa nên duyên”, ông Nghi vừa nói vừa nở nụ cười hóm hỉnh. Nhắc về mối tình gần 40 năm với bà, tôi thấy gương mặt người đàn ông 70 tuổi ửng hồng, ông lại cười, nụ cười chất chứa yêu thương, có cảm giác như đằng sau cặp kính đen kia là ánh nhìn trìu mến, là nghĩa nặng tình thâm với người đàn bà đã gạt bỏ bao khó khăn để cùng ông vững bước đến tận hôm nay. “40 năm rồi, tôi chưa từng một lần biết mặt vợ, rồi đến con, cháu tôi cũng không có cơ hội được nhìn thấy chúng nó cười. Nhưng đến giờ này cũng chỉ biết cảm ơn Trời đã cho tôi một người, cảm ơn người đã cho tôi một đời vì bà ấy đã chịu gắn bó, chăm sóc tôi tận tình suốt gần 40 năm qua”. Tôi quay sang nhìn bà Thiết, người phụ nữ đã sang bên kia dốc cuộc đời nhưng vẫn ngượng ngùng khi nghe chồng bày tỏ chân tình.

Trò chuyện với ông bà, tôi càng thấm thía một điều, duyên nợ ở đời, mấy ai cưỡng cầu mà có được. Và 40 năm qua, hai con người ấy đã bằng Tình yêu xuyên suốt cuộc đời để sống kiếp người trọn nghĩa, vẹn tình…

Mối tình câm

Tri ân, chuyện tháng Bảy: Những trái tim mang sức mạnh mặt trời ảnh 2

Vợ chồng ông Nghi trò chuyện với tác giả

Tôi tha thẩn cả ngày trong ngôi nhà chung của những người lính già, chuyện nọ nối tiếp chuyện kia không có điểm dừng. Lúc là những tiếng cười vang lên sảng khoái khi các bác trêu đùa nhau, lúc là phút thâm trầm khi nhớ về một người đồng đội mới mất vì vết thương từ hồi chiến tranh tái phát. Bóng chiều dần buông, câu chuyện với những người lính già đưa tôi - người sinh ra trong hòa bình trở lại với những tháng năm khói lửa chiến tranh, không phải để ủy mị, buồn đau mà để cảm nhận nơi những con người không còn lành lặn về thể xác kia sức mạnh tinh thần đáng khâm phục. Bất ngờ nối tiếp nhau trong câu chuyện với những người đàn ông cả đời gắn bó với xe lăn hoặc chiếc gậy dò đường. Để từ đó tôi được nghe kể về câu chuyện tình đặc biệt của hai con người quá đỗi đặc biệt…

“Cô vào đi, tôi đang dở tay nấu cơm chút”, tiếng người phụ nữ đon đả khi nghe khách chào. Trong căn bếp bé, bà Nguyễn Thị Mai (72 tuổi) đang nấu bữa tối. Mái tóc bạc trắng vấn gọn gàng, tôi chú ý đến đôi tay không còn lành lặn và dáng đứng lúc nào cũng phải choãi một chân về phía trước của bà. Dẫn tôi lên phòng khách, bà loay hoay một hồi mới ngồi kiểu nửa đứng nửa ngồi được. Đó là chứng tích của một thời bom đạn. Năm 1968 khi đang làm lính hậu cần ở Quảng Ninh, đạn địch bắn vào kho xăng khiến cô gái trẻ Nguyễn Thị Mai bị bỏng nửa người trái bao gồm cả vùng bụng, gương mặt và một phần tay phải cũng bị bỏng nhẹ, thương tật vĩnh viễn 81%. Trải qua nhiều năm chạy chữa tại các bệnh viện đến năm 1975, ở tuổi 27, cô gái trẻ chưa một lần yêu ai được chuyển về Trung tâm sống. Mai cứ ngỡ sẽ ở vậy đến già vì đôi lúc cô cũng mất tự tin với vẻ ngoài của mình, sức khỏe yếu không đảm nhận được việc gì. Hai tháng sau khi Mai về Trung tâm, cô có thêm đồng đội mới. Đó là chàng trai Chu Văn Liên hơn cô vài tuổi bị chấn thương sọ não, liệt nửa người, đi lại rất khó khăn, thương tật đến 96%. Mỗi lần vết thương tái phát, người thương binh trẻ lại đau đớn chịu đựng. Hằng ngày chứng kiến cuộc sống của đồng đội muôn vàn khó khăn, Mai thương cảm và đồng cảm bởi chính cô cũng chật vật trong sinh hoạt. “Tình trong như đã mặt ngoài còn e”, chứng kiến những chớm nở nơi đôi trẻ, các đồng đội vun vào cho hai con người mang những thương tật nặng nề nhưng tâm hồn luôn hướng đến những điều tốt đẹp.

Có một điều khi nhắc đến người chồng gắn bó với mình bao năm cho đến ngày ông vĩnh viễn ra đi vì vết thương tái phát năm 2018, bà Mai vẫn canh cánh trong lòng “hơn 43 năm bên nhau, tôi chưa một lần được nghe ông ấy nói”. Ánh mắt bà nhìn xa xăm ra khoảng vườn nhỏ trước nhà, kí ức về người chồng hiện về dữ dội rồi lắng lại trong giọt nước mắt khẽ lăn trên gò má người góa phụ. Chiến tranh đã lấy đi giọng nói của chàng trai trẻ Chu Văn Liên khi dây thanh quản bị chấn thương. Một đời bên nhau, ông chưa từng nói được một từ chứ đừng nói đến cả câu tỏ tình với người con gái mình yêu. Bà Mai sống từng ngày trong ánh nhìn yêu thương của chồng, trong cái nắm tay động viên và biết ơn của ông dành cho bà. Người phụ nữ thương tật đầy mình nhưng đã bằng sức mạnh của Tình yêu để sinh và nuôi dưỡng 3 người con khôn lớn, thành đạt. Ông bà đã cùng nhau đi qua muôn vàn khó khăn, có lúc tưởng không thể vượt qua, bằng chính Tình yêu bền bỉ nơi trái tim chưa bao giờ thôi nhiệt huyết…

Thế gian này có ngàn vạn thứ đạo mà con người trải qua và ràng buộc, trong đó, đạo nghĩa vợ chồng là thứ đạo sâu sắc nhất. Những cuộc đời như thế là dẫn chứng sinh động cho điều người ta hay nói, rằng Tình yêu mạnh hơn cái chết, nó vượt lên, xuyên phá bức tường của mặc cảm, khiếm khuyết, trái ngang, cản trở, biến điều không thể trở thành có thể. Mặt trời sau những vùng câm lặng ngôn ngữ lẫn ánh nhìn kia, chính là trái tim biết nói của người yêu dấu, là báu vật trời đất trao truyền…

MỚI - NÓNG