Tri ân, chuyện tháng Bảy - Bài 3: Cổ tích thương binh nặng và cô cấp dưỡng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong một chuyến công tác tại Bắc Giang cách đây hai năm, tôi được nghe câu chuyện tình yêu của thương binh nặng Nguyễn Văn Quang và cô cấp dưỡng đầy hạnh phúc. Khi đó, hôn lễ của hai người được vị Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Bắc Giang đứng ra tổ chức. Nay, chúng tôi mới có dịp tìm về nghe câu chuyện tình đẹp như cổ tích này.

Những đau thương thời trai trẻ

Năm 1978, anh thanh niên Nguyễn Văn Quang (SN 1958) quê ở huyện Yên Thế (tỉnh Bắc Giang) theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. “Lúc xung phong ra trận tôi chỉ tâm niệm một điều: Sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, sớm hoàn thành nhiệm vụ rồi trở về quê hương”, ông Quang nhớ lại.

Ông Quang được biên chế vào Sư đoàn 322 thuộc QK1, tham gia bảo vệ biên giới tại Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng). Sau một năm chiến đấu, trong lúc làm nhiệm vụ, chuyến xe chở 8 người trong tiểu đội của anh đè vào mìn chống tăng. “Tôi bất tỉnh, được đưa về bệnh xá, 8 ngày sau mới tỉnh. Hai đồng đội hi sinh, tôi bị thương nặng nhất, may mắn sống sót. Khi tỉnh lại thương tích đầy người, xung quanh tôi một màu tối đen”, ông Quang kể lại.

Sau đó, ông được đưa đi khắp các bệnh viện chữa trị và vĩnh viễn mất đi đôi mắt. Sau khi vết thương ổn định, ông được đưa về Đoàn An dưỡng 157 ở Bắc Ninh hơn 3 năm, rồi về Trung tâm điều dưỡng Thương binh Thuận Thành. Đến năm 1991, với mức thương tật 94%, ông được đưa về Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Bắc Giang (Trung tâm) cho đến nay.

Tri ân, chuyện tháng Bảy - Bài 3: Cổ tích thương binh nặng và cô cấp dưỡng ảnh 1

Ảnh lễ cưới vợ chồng thương binh Nguyễn Văn Quang

Nhưng rồi, cuộc đời run rủi, năm 1987, qua người chú giới thiệu, ông yêu rồi xây dựng gia đình với cô thôn nữ cùng quê. Sau đó, ba người con trai của ông lần lượt ra đời, càng lớn càng khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Trong gian nhà nhỏ của hai vợ chồng, mình ông ở nhà chăm nuôi, rèn giũa con, dành thời gian cho vợ tần tảo ruộng nương, chợ búa kiếm tiền lo ăn học cho con. Cuộc sống đang suôn sẻ, hạnh phúc thì người vợ lại mắc bệnh trọng. Suốt bốn năm trời, ông vừa chạy chữa cho vợ, lại lo cho các con ăn học. Năm 2017, vợ ông qua đời.

“Vợ tôi mất, bốn bố con mồ côi. Con trai lớn vừa học xong, đứa bé còn đang học cấp 3, nhà không có phụ nữ, trống vắng lắm. Tôi ở nhà một mình hơn 1 năm trời. Rồi chị Liên (GĐ Trung tâm) trong một lần ghé thăm, chứng kiến cảnh ở một mình côi cút, điện đóm không an toàn nên mời tôi xuống Trung tâm ở, để có người chăm sóc”, ông Quang kể và cho biết cả ba con trai của anh đều học hành chăm chỉ, ngoan ngoãn, biết yêu thương, chăm sóc bố và tháo vát việc nhà. Đến nay, con trai lớn trúng tuyển biên chế làm ở Ban Quản lý Bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử; con thứ hai làm điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh; còn cậu út vừa học xong Đại học Nông - Lâm Bắc Giang.

Khát vọng hạnh phúc

Hôm nay, ông Quang đón tiếp chúng tôi trong trang phục khá trẻ trung với kính râm và chiếc áo phông thời trang. Ông có dáng người thanh thoát, khỏe khoắn, chân tay sạm đen, rắn chắc. Nhìn từ xa khi đeo cặp kinh râm, ông trẻ trung hơn nhiều so với tuổi 65. Khi chúng tôi đang dở câu chuyện thì chị Liên, vợ ông, là cán bộ cấp dưỡng ở Trung tâm đi chợ về. Chị Liên sinh năm 1979, dáng người nhỏ nhắn, dịu dàng, có khuôn mặt ưu nhìn.

Tri ân, chuyện tháng Bảy - Bài 3: Cổ tích thương binh nặng và cô cấp dưỡng ảnh 2

Vợ chồng thương binh Nguyễn Văn Quang

Giới thiệu đôi chút về vợ, ông Quang kể tiếp: “Đầu năm 2020, con trai thứ hai cưới vợ. Một mình xoay xở, nhờ người thân lo công việc chu toàn nhưng không có vợ, các con không có mẹ nên thiệt thòi. Sau đó, một người bạn giới thiệu một người đồng trang lứa để có người chăm sóc nhưng các cháu không ưng nên tôi dừng lại”.

Có mặt cùng chúng tôi, Giám đốc Trung tâm Nguyễn Thị Kim Liên chia sẻ, bản thân chị được anh Quang coi như người thân trong gia đình nên thấy anh một mình côi cút ở nhà thì không yên tâm. Người bình thường đau yếu, trái gió trở trời nhưng mắt còn sáng, còn nhìn thấy, đỡ cực; đằng này anh Quang phải chịu đựng tất cả, mà vợ không có, con đi học, đi làm xa, cứ lủi thủi một mình, rất tội. Ở Trung tâm lại có cô cấp dưỡng cũng tên là Liên hoàn cảnh riêng khá éo le. Liên ly hôn khi con gái mới vài tháng tuổi, hơn 10 năm nay ở vậy chăm con. Liên tính cách hiền lành, nhẹ nhàng, ít nói, nấu ăn ngon và rất khéo chăm thương binh, ai cũng quý. Cô và anh Quang, cả hai đều thương mến nhau nhưng chỉ dừng ở tình cảm anh em, người một nhà ở Trung tâm.

“Ngoài trách nhiệm, hoàn cảnh, tình cảm gia đình tôi nảy ra ý định kết duyên cho hai người thành một gia đình gia đình. Mặc dù, ở Trung tâm anh Quang có người chăm sóc nhưng như thế cũng không bằng vợ chồng chăm nhau. Thế rồi tôi gặp riêng em Liên, gặp riêng anh Quang nói chuyện, chia sẻ. Sau đó hai người yêu nhau từ lúc nào không biết”, chị Liên kể và cho biết, chị cũng nói chuyện với các con của anh Quang. Sau đó, các cháu hoàn toàn ủng hộ.

Cả hai đã quen nhau hơn chục năm, đều hiểu rõ hoàn cảnh, tâm tính của nhau, đặc biệt được các con ủng hộ, lại cả Trung tâm vun vào, đám cưới của anh thương binh nặng và cô cấp dưỡng đã diễn ra sau đó, ngay tại Trung tâm Điều dưỡng. “Anh Quang được nuôi dưỡng tại Trung tâm, em Liên lại là cán bộ của Trung tâm nên tôi muốn đứng ra tổ chức ở đây với mong muốn Trung tâm như là một mãi nhà chung”, chị Liên nói rồi kể tiếp, hôn lễ được tổ chức ở hội trường, tất cả cán bộ Trung tâm, quan viên hai họ đều đến dự. Bạn bè, cán bộ lãnh đạo Trung tâm ai cũng xung phong lên hát. Thương binh người ngồi xe lăn, người chống nạng gỗ đến cổ vũ, chung vui cùng cô dâu chú rể.

Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Bắc Giang quản lý, nuôi dưỡng, điều trị Thương bệnh binh nặng, mất sức 81% trở lên của 4 tỉnh phía Bắc gồm Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương. Ngoài ra, Trung tâm còn điều dưỡng luân phiên tập trung cho 1.802 đối tượng là người có công với cách mạng của tỉnh.

Ngồi gần đó nghe chuyện, chị Liên, vợ anh Quang thỉnh thoảng má ửng đỏ vì mọi người nhắc đến mình. Khi mọi người ngừng chuyện, chị chia sẻ, đã để ý đến anh Quang từ mấy năm trước. “Ban đầu hơi ngại vì sợ khoảng cách về tuổi tác. Sau mọi người trong Trung tâm hùn vào nên tôi đồng ý. Giờ về ở với nhau mới biết một điều chưa được, đó là … lo cho vợ, cho con quá!”, chị Liên thổ lộ và cho biết, cuộc sống rất hạnh phúc. Các con anh chị đều ủng hộ cuộc hôn nhân nên cả hai dòng họ đều chấp nhận, yêu quý.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.