Trên dưới đồng lòng, cả nước góp sức

Trên dưới đồng lòng cùng ngư dân bám biển chủ quyền Ảnh: TL
Trên dưới đồng lòng cùng ngư dân bám biển chủ quyền Ảnh: TL
TP - Các chuyên gia khách mời tại Tọa đàm “Tình hình biển Đông và hành động của chúng ta” cho rằng, điều cần làm hiện nay là lắng nghe tiếng nói của nhân dân, tạo sự đoàn kết, trên dưới đồng lòng để chống lại âm mưu của Trung Quốc.

Đoàn kết dân tộc kết hợp ngoại giao nhân dân

Góp ý tại tọa đàm, Giáo sư Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQG Hà Nội cho rằng, hiện lòng dân đang lên rất cao, khí thế đang hừng hực nhưng cần phải bình tĩnh. Ông Giang nói, chúng ta đang có hai thứ vũ khí là tinh thần đoàn kết của nhân dân trong nước và có được chính nghĩa, sự ủng hộ quốc tế.

“Hiện nay, tinh thần đoàn kết vẫn còn mang tính tự phát. Chúng ta phải tạo ra được sự đoàn kết trên dưới đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức”, ông Giang nói. Ông Giang phân tích, cần phải tuyên truyền cho nhân dân nhận thức được về việc tự lực cánh sinh. “Bây giờ không trông chờ và nhờ vả được ai, vì cuối cùng lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia phải được đặt lên hàng đầu. Từ khối đoàn kết trong nước, mình phải nương triều mà lên, tạo thành một sức mạnh tổng hợp”, ông Giang nói.

Vũ khí thứ hai, Việt Nam có trong tay là chính nghĩa và được dư luận quốc tế ủng hộ. “Chúng ta phải khôn khéo, bình tĩnh để làm cho thế giới hiểu, đồng cảm với Việt Nam. Trung Quốc đang rất e ngại điều đó”, ông Giang đánh giá, đồng thời mong muốn lãnh đạo Đảng, Nhà nước lắng nghe những người có ý thức dân tộc đóng góp ý kiến.

Theo ông Giang, chính Trung Quốc, dù đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cũng bất ngờ trước phản ứng nhanh, mạnh của Việt Nam và dư luận quốc tế. Theo ông, cần có một kênh riêng để lãnh đạo Đảng, Nhà nước hiểu được suy nghĩ của người dân, hiểu thêm về những chứng cứ, chủ quyền của ta, không để tình trạng lãnh đạo hiểu một đằng, nhân dân hiểu một nẻo.

“Trong lịch sử, chúng ta đã nhận được nhiều bài học về giữ nước như Mỵ Châu - Trọng Thủy, Nhà Hồ nghĩ thành cao có thể chống được giặc, và đặc biệt triều Nguyễn nhận thất bại vì sợ dân hơn sợ giặc”, ông Giang chia sẻ. Theo ông Giang, ở thời điểm này nên đề cao khối đoàn kết dân tộc vì lợi ích quốc gia, tuy nhiên, không tuyên truyền theo kiểu chủ nghĩa dân tộc cực đoan duy quốc gia, vì lợi ích ích kỷ.

“Chúng ta nên tranh thủ 1, 4 tỷ dân Trung Quốc. Nói những điều chính nghĩa của Việt Nam bằng tiếng Trung Quốc để họ đọc, để người ta hiểu rằng Việt Nam yêu hòa bình, không muốn chiến tranh. Việc này rất quan trọng”, ông Giang phân tích.

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Công an đồng tình với quan điểm “không kích động tinh thần dân tộc cực đoan chống Trung Quốc”. Theo ông Cương, có những thứ ngoại giao nhà nước không làm được thì cần đẩy mạnh ngoại giao nhân dân ở các cấp độ hội nghề nghiệp, hiệp hội… “Tuyên truyền hướng tới cho người dân Trung Quốc hiểu thêm về tính chính nghĩa của Việt Nam”, ông Cương nói.

Nhà ngoại giao kỳ cựu Nguyễn Khắc Huỳnh thì cho rằng, cùng với đó, trong tình hình căng thẳng như hiện nay, Việt Nam đang có rất nhiều thuận lợi để thiết lập quan hệ tốt hơn với các nước lớn. “Nếu chúng ta chuyển hướng khéo léo, có tính toán thì sẽ có những mối quan hệ thân thiết, gần gũi với các nước ở Đông Nam Á, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí cả Mỹ và Liên minh Châu Âu”, ông Huỳnh nói. Theo ông Huỳnh, chúng ta phải tập hợp được lực lượng quốc tế lớn ủng hộ chúng ta, để quan hệ Việt– Trung trở lại bình đẳng, không thiên lệch.

Đã đến lúc kiện Trung Quốc?

Giáo sư Vũ Minh Giang chia sẻ, theo một khảo sát trên báo điện tử, 98% người được hỏi ủng hộ quyết định kiện Trung Quốc. “Chuyện kiện hay không là do Chính phủ, nhưng tham khảo ý kiến người dân là rất quan trọng”, ông Giang nói. Theo ông Giang, để giải quyết vấn đề ở quần đảo Hoàng Sa và Gạc Ma (Trường Sa), từ lâu, Trung Quốc đã tập trung trên dưới 1.000 học giả tập hợp tư liệu từ những chi tiết nhỏ nhất, vụn vặt nhất liên quan. Thậm chí Trung Quốc làm một cách thiên lệch, bỏ qua ngữ cảnh lịch sử rồi tập hợp trong một bộ sách để làm cơ sở cho Bộ Ngoại giao của họ đấu tranh. “Tôi đã đề nghị dịch bộ sách này ra, đồng thời cho đông đảo người dân và bạn bè quốc tế biết được sự phi khoa học, xảo trá ở trong đó”, ông Giang nói.

Theo ông Giang, nhiều khi chúng ta còn đưa những cứ liệu một cách ngây thơ, hồn nhiên, đưa theo kiểu tùy tiện, ai thích nói gì thì nói mà không được chỉ đạo thống nhất, khiến đôi chỗ để lộ ra những sơ hở, bị mắc bẫy của Trung Quốc. “Chúng ta không được nói rằng quần đảo Hoàng Sa là vùng tranh chấp. Rõ ràng là Trung Quốc đi cướp đất, giết người. Không có tranh chấp ở đây”, ông Giang khẳng định. Cũng theo ông Giang, phải tuyên truyền những căn cứ pháp lý về chủ quyền, lẽ phải, chân lý của mình. “Tuyên truyền giản dị thôi, nói thuyết phục để cho người dân hiểu”, ông Giang nói.

Thiếu tướng Lê Văn Cương chia sẻ, có người nói, tại sao bây giờ chúng ta nắm chắc 100% thắng Trung Quốc mà không kiện? Theo tướng Cương, chúng ta vẫn đang cân nhắc việc có nên kiện Trung Quốc hay không, tuy nhiên, có lẽ chưa phải là lúc thích hợp. “Trong khi dư địa của chúng ta còn rộng chưa khai thác hết thì mình nên khai thác. Chính sách hiện nay là phối hợp giữa lý và tình. Lôi nhau ra tòa thì hết tình rồi. Một khi chúng ta kiện thì phải chắc thắng”, ông Cương nói. Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Khoa học Lương Văn Kế cho rằng, khi các biện pháp ngoại giao không còn tác dụng thì dù không muốn nhưng buộc lòng chúng ta phải kiện.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu khoa học Biển và Hải đảo cho rằng, từ lâu, Việt Nam đã chuẩn bị, đã có những cơ quan, nhà khoa học, những đề tài nghiên cứu về vấn đề này. Theo ông Diến, Trung Quốc có rất nhiều luật sư, chuyên gia tại các tòa án quốc tế, các tổ chức quốc tế, nhưng mỗi khi nói đến chuyện ra tòa đều né tránh vì họ đuối lý, không có lẽ phải, không có chính nghĩa.

Theo tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, nếu sử dụng vấn đề pháp lý và kiện Trung Quốc ra tòa, thì nên lập một ủy ban liên ngành gồm các luật sư và chuyên gia, không giao cho bất cứ bộ nào mà ủy ban này trực thuộc lãnh đạo cấp cao như Philippines có một ủy ban trực thuộc Tổng thống.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.