Trên 40% người nghiện bỏ trốn trước khi bản án có hiệu lực

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu làm việc với lãnh đạo các sở ban ngành chức năng sáng 6/5.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu làm việc với lãnh đạo các sở ban ngành chức năng sáng 6/5.
TPO - Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, chỉ có gần 40% người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định chấp hành đi cai nghiện và chữa bệnh tập theo phán quyết của tòa án, số còn lại trốn khỏi địa phương trong thời gian chờ phán quyết có hiệu lực (3 ngày kể từ khi tòa tuyên án).

Sáng nay (6/5), Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu đã làm việc với các sở ban ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đưa người nghiện có nơi cư trú ổn định vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, TPHCM có gần 12.000 người nghiện ma tuý có nơi cư trú ổn định trên địa bàn, trong đó có 841 người thực hiện cai nghiện tại gia đình và cộng đồng (485 người cai nghiện tự nguyện tại gia đình, 207 người cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng và 149 người cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng).

Ông Huỳnh Thanh Khiết cho biết từ khi thực hiện Nghị định 94 của Chính phủ về tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình, cai nghiện ma tuý tại cộng đồng, TPHCM gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều người trong thời gian 2 ngày làm việc không thể xác định được tình trạng nghiện nếu đối tượng sử dụng các loại ma tuý tổng hợp, trong khi pháp luật hiện hành không cho phép tạm giữ quá thời gian quy định để xác định tình trạng nghiện.

Ngoài ra, pháp luật hiện nay chưa quy định đối với các trường hợp nghiện hút là người nước ngoài. Quy định hiện nay chỉ cho phép thực hiện các biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện từ 18 tuổi trở lên. Tại cuộc họp, đại diện Công an TPHCM lo ngại nếu chờ đủ 18 tuổi để thực hiện các biện pháp cai nghiện bắt buộc thì hậu họa rất khó lường vì trên thực tế, người nghiện dưới 18 tuổi chiếm tỷ lệ khá lớn, có không ít trường hợp trẻ mới 10 -12 tuổi đã nghiện ma tuý.

Ông Khiết cho biết theo quy định, phán quyết của toà án chỉ có hiệu lực sai ba ngày kể từ lúc tuyên nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người nghiện (trong thời hạn ba ngày, người nghiện được quyền khiếu nại, kháng nghị bản án của toà). Sau thời gian này, chính quyền các quận huyện mới được phép đưa người nghiện đến các cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Điều đáng nói, cơ sở cai nghiện bắt buộc đặt ở tỉnh Đăk Lăk, cách TPHCM hàng trăm cây số, trong khi các quận huyện chưa đủ điều kiện về cơ sở, trang thiết bị y tế điều trị cắt cơn. Người nghiện chưa được điều trị cắt cơn tại TPHCM nên việc di chuyển xa không chỉ gây mệt mỏi mà còn khá nguy hiểm bởi người nghiện dễ bị sốc, lên cơn thèm thuốc…

Vì vậy, tính đến nay, toà án các quận huyện tuyên buộc đưa đi cai nghiện, chữa bệnh tập trung đối với 177 người nghiện có nơi cư trú ổn định ở TPHCM, trong đó có 131 người đang chấp hành, 3 người đang khiếu nại quyết định của tòa án, số còn lại (43 người, chiếm hơn 40%) bỏ trốn trước khi phán quyết của toà có hiệu lực.

Để khắc phục tình trạng trên, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thu yêu cầu các sở ban ngành chức năng và UBND các quận – huyện, phường – xã – thị trấn vận động các gia đình có người nghiện trong thời gian chờ bản án của tòa có hiệu lực đưa thân nhân vào cơ sở cai nghiện Bình Triệu (TPHCM) có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại để điều trị cắt cơn.

Biện pháp này vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, vừa đảm bảo sức khỏe cho người nghiện trước khi được địa phương đưa đi tập trung cai và chữa bệnh bắt buộc.

MỚI - NÓNG