Trẻ suýt mất mạng vì lang băm
> Bài thuốc chống tai biến: hết sức phi lý!
Sáng 19-2, bác sĩ Trần Văn Dễ, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, cho biết sức khỏe cháu Võ Tuấn Anh (6 tháng tuổi, đang điều trị tại bệnh viện này) đã ổn định và qua cơn nguy kịch.
Nhiều vết đốt gây phỏng da cháu Tuấn Anh. Ảnh: M.T. |
Theo chị Trương Thị Ngọc Phương (29 tuổi, mẹ cháu Tuấn Anh, ngụ xã Hồ Đắc Kiện, H.Châu Thành, Sóc Trăng), ngày 14-2 cháu Anh có biểu hiện đau bụng, liên tục khóc thét và tiêu chảy ra máu.
Thay vì đến cơ sở y tế khám bệnh, gia đình lại nghe lời người quen đưa cháu đến nhà một lang vườn tên “cô Ba” (cách nhà khoảng 20 km). Tại đây, cháu Tuấn Anh được “cô Ba” chữa bệnh bằng cách đốt tim đèn, rồi hơ vào bụng cháu nhiều lần.
Mỗi lần hơ 7 đốt, gây nhiều vết bỏng ngoài da. Đến trưa 18-2, cháu Tuấn Anh lại lên cơn đau bụng dữ dội, liên tục đi tiêu ra máu và ói nhiều lần. Lúc này gia đình mới đưa cháu vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng điều trị.
Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị bệnh lồng ruột, xử lý tháo lồng ruột bằng hơi nhưng thất bại nên chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ trong tình trạng mất sức. Sau khi hồi sức cấp cứu, cháu Tuấn Anh được phẫu thuật thành công.
Theo bác sĩ Tạ Vũ Quỳnh (Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ), bệnh lồng ruột trẻ 3 đến 12 tháng tuổi dễ mắc. Biểu hiện là trẻ đau bụng, khóc thét từng cơn, nôn ói và tiêu chảy ra máu.
Nếu phát hiện sớm, việc điều trị sẽ nhẹ nhàng hơn, chỉ cần tháo lồng bằng hơi mà không cần phẫu thuật. Phát hiện trễ dẫn đến biến chứng hoại tử gây thủng ruột, có thể dẫn đến tử vong...
Theo Thanh Niên