Trẻ nhỏ, chó con và gió nam cồ

Trẻ nhỏ, chó con và gió nam cồ
TP - Trẻ nhỏ thôn quê thích gió mạnh. Chó con thôn quê cũng thích gió mạnh. Sở dĩ tôi biết được chuyện này, vì thời trẻ nhỏ, tôi có nuôi một chú chó con. Cả hai đứa đều thích gió mạnh. Gió mạnh đó là cái gió nam cồ.

Nơi tôi ở là một làng quê của Tuy Hoà - thuộc miền Nam Trung Bộ- có đặc sản gió nam cồ mà nhà thơ Trần Mai Ninh đã mô tả trong bài thơ “Nhớ máu”: Ơ cái gió Tuy Hoà/Cái gió chuyên cần/Và phóng túng/Gió đi ngang đi dọc/Gió trẻ lại lưng chừng/Gió nghĩ/Gió cười/Gió reo lên lồng lộng... Gió nam cồ ở quê tôi thổi dữ dội lắm.

Thổi chuyên cần cả tháng trời. Người lớn thì trốn, nhưng trẻ nhỏ lại khoái vô cùng. Và trong đám trẻ nhỏ ấy, có tôi hồi đó tung tăng.

Có lần tôi hỏi cụ Hiền láng giềng:

“Thời trẻ con của cụ, gió nam cồ có dữ dội như thế này không?”.

Cụ đáp:

“Gió nam cồ lúc nào mà chẳng thế. Đi học vỡ lòng, gió hất tôi xuống mương nước là chuyện thường. Vì dùng mực viên hoà với nước lã để viết, nên khi vở bị nhúng nước, chữ liền nhoè nhoẹt”.

Tôi cười:

“Có lẽ cụ cố ý cho gió xô xuống mương”.

“Đúng thế. Đúng thế. Trẻ con giống như nòng nọc, luôn mọc cái đuôi ngỗ nghịch bé xíu sau đít. Nay lớn rồi, cũng như ếch đã rụng đuôi. Thích ở trong hang, sợ gió, sợ nước, sợ cả hạnh phúc, sợ cả niềm vui. Buồn thật”.

Qua trả lời của cụ, tôi biết tuổi nhỏ của cụ cũng thấm đẫm gió nam cồ. Gió nam cồ đã thổi mát mẻ qua biết bao thế hệ trẻ thơ.

Còn nhớ, bọn trẻ nhỏ chúng tôi luôn luôn đi ngược gió nam cồ. Đến và tan trường bọn chúng tôi cũng vẫn đi ngược gió. Phi lý chăng? Xin thưa, không phi lý chút nào cả. Nếu gió thổi theo chiều từ nhà tôi đến trường làng, chúng tôi sẽ đi giật lùi đến trường. Đi giật lùi cứ như loài tôm ấy, thế là vẫn ngược gió nam cồ. Nếu gió thổi ngang, chúng tôi xoay người đón gió và đi ngang như loài cua.

Tại sao bọn thò lò mũi xanh chúng tôi phải đi ngược gió nam cồ? Tại vì, nếu chúng tôi đi theo chiều gió, gió sẽ xô chúng tôi té sấp. Mà đã té sấp thì chúng tôi ăn đất là cái chắc. Như thế đủ biết cái gió nam cồ ấy mạnh biết chừng nào.

Trong bọn tôi, có thằng Nịnh bị gió nam cồ hốt lăn tròn trên đường, và tước mất chiếc quần đùi cũ, đã giãn dây thun. Quần đùi thằng Nịnh phất phơ nơi ngọn tre xơ xác lá. Nó cười toe toét, liền bứt dây chuối buộc quanh bụng, rồi giắt lá môn vào làm váy, đi cà phẹp cà phẹp. Đi nửa đường lại bị gió nam cồ thổi rách váy. Hôm đó nó nghỉ học luôn.

Dưới sự vùng vẫy triền miên của gió nam cồ, không có bụi tre nào đủ sức còn lá. Những thân tre cúi mình rồi vùng dậy đủ bốn phương tám hướng, nhưng chúng không gãy bao giờ, thật kiên cường. Những cây tre phẫn nộ nghiến răng ken két. Những mái tranh bị gió xốc, dựng đứng lên như lông nhím.

Đặc biệt, chú chó con của tôi cũng thích đùa giỡn với gió nam cồ. Chú tha chiếc hũ nhựa ra giữa sân xi măng, rồi chun nằm vào bên trong. Gió thổi lăn chiếc hũ lông lốc, tông vào bờ sân. Chú hốt hoảng phóng ra khỏi hũ, sủa vang trời, làm ai cũng phì cười... Tiếc quá! Tôi không có chiếc hũ nhựa nào đủ lớn chun vào lọt, để thi tài với chú chó con yêu quí mà ngỗ nghịch một phen...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG