Theo BS Trương Hữu Khanh bắt đầu từ tháng 6 số bệnh nhi nhập viện vì viêm não Nhật Bản tăng đột biến. “Trong 50 ca viêm não điều trị tại đây có đến 25 viêm não Nhật Bản. Hiện tại có 6 bé phải thở máy. Đây là căn bệnh theo mùa, ước tính sẽ kéo dài cho đến hết tháng 10”- bác sĩ Khanh thông tin.
Theo ghi nhận của phóng viên, do số trẻ nhập viện điều trị tại khoa Nhiễm đông, bệnh cảnh nặng lại không đủ máy thở nên nhiều bệnh nhi phải chuyển xuống nằm tạm ở khoa Cấp cứu để thở máy. Bác sĩ Khanh cho biết, đặc thù của bệnh viêm não Nhật Bản là đòi hỏi phải được điều trị ở tuyến tỉnh trở lên, vì nếu không có máy thở sẽ không thể can thiệp được tối đa tiến trình của bệnh.“Hiện tại có đến hai trường hợp viêm não Nhật Bảnnặng phải điều trị tại bệnh viện này gần một năm nay”- BS Khanh cho biết.
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm này cảnh báo, viêm não Nhật Bản dễ xảy ra ở các tỉnh ĐBSCL hơn là ở khu vực Đông Nam Bộ, do vi rút gây bệnh được lây qua muỗi ruộng- một loại muỗi sống ở ruộng lúa, chích heo, chim sau đó chích lại và truyền bệnh cho người. “Đây là một căn bệnh nguy hiểm đối với trẻ nhỏ, dễ gây tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề, bệnh nhân sẽ không có khả năng tự phục vụ bản thân; rơi vào đời sống thực vật; chậm phát triển trí tuệ; dễ mắc động kinh, trở thành gánh nặng cho cả gia đình và xã hội”- bác sĩ Khanh khuyến cáo. Theo ông, do bệnh diễn biến nhanh, khó chẩn đoán khi bệnh nhân chưa thay đổi tri giác, hôn mê nên bệnh nhi cần được theo dõi tích cực, cẩn trọng với những diễn biến bất thường có thể xảy ra.
Bác sĩ Khanh khuyên phụ huynh cần tiêm phòng đầy đủ cho trẻ nhỏ, diệt muỗi thường xuyên và nằm mùng. Khi trẻ có những dấu hiệu sốt, nhức đầu, nôn ói ngày càng nhiều cần nghĩ ngay đến bệnh lý não và nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời.