Trẻ Bồ Đề “vào” Quốc hội

ĐBQH Nguyễn Thanh Hải: "Trong vụ chùa Bồ Đề, 80 trẻ không được đăng ký giấy khai sinh thì ai chịu trách nhiệm?". Ảnh: Infonet.
ĐBQH Nguyễn Thanh Hải: "Trong vụ chùa Bồ Đề, 80 trẻ không được đăng ký giấy khai sinh thì ai chịu trách nhiệm?". Ảnh: Infonet.
TP - Thảo luận dự án Luật Hộ tịch sáng qua, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, việc đăng ký cấp khai sinh cho trẻ em là cần thiết vì đó là quyền công dân, thể hiện tính nhân văn, nhất là với trẻ lang thang, trẻ bị bỏ rơi.

Song vị Phó Chủ nhiệm cũng đặt câu hỏi, trách nhiệm của các cơ quan công quyền ở đâu, khi để hàng ngàn trẻ em chưa được cấp khai sinh thời gian qua, dẫn đến hệ lụy trẻ là nạn nhân?

Nhắc lại câu chuyện trẻ bị bỏ rơi ở chùa Bồ Đề (Hà Nội), ông Hải nói rằng, Luật Hộ tịch cần quy định cụ thể hơn thủ tục, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với việc đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi, kể cả trường hợp trẻ em ngoài giá thú hoặc sinh theo phương pháp khoa học.

Thậm chí, việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi, trẻ chưa xác định một bên cha, mẹ, trẻ sinh ra trong mang thai hộ cần quy định ngay vào luật, thay giao cho Chính phủ làm việc này.

Thêm nữa, tiếp nhận nuôi dưỡng trẻ em bị bỏ rơi, trẻ lang thang cơ nhỡ tại các nhà chùa thể hiện truyền thống văn hóa, nhân văn tốt đẹp. Tuy nhiên, nhiều nơi chưa đáp ứng được đầy đủ các điều kiện cần thiết của một cơ sở bảo trợ xã hội, thậm chí có thể dẫn đến việc xảy ra như tại chùa Bồ Đề. Khi đó chùa chăm sóc 112 trẻ em nhưng có tới 80 cháu chưa được đăng ký khai sinh, tức là chưa được thực hiện quyền công dân.

Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các thủ tục pháp lý quyền nhận làm con nuôi, quyền được có một mái ấm như bao trẻ em khác quy định tại Công ước về quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam tham gia. Khi phát hiện ra sự việc, UBND thành phố Hà Nội, quận Long Biên đã tích cực giải quyết. Nhưng câu hỏi đặt ra là cơ quan nào phải chịu trách nhiệm trước việc 80 trẻ em không được thực hiện quyền công dân của mình?

Theo thống kê chưa đầy đủ tại 32 tỉnh, thành phố, hiện có 1.133 trẻ em được nuôi dưỡng trong các cơ sở tôn giáo, duy nhất chỉ có Giáo xứ Hoàng Nguyên (Phú Xuyên, Hà Nội) có quyết định thành lập trung tâm nuôi dưỡng trẻ em. Vậy còn trẻ em ở những cơ sở khác chưa được đăng ký khai sinh, cơ quan nào, ai phải chịu trách nhiệm, cần xử phạt hành chính, bồi thường ra sao?

ĐB Hải kiến nghị, luật cần bổ sung quy định trách nhiệm, chế tài xử lý đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân buông lỏng quản lý, có sai phạm, để chấm dứt hiện tượng nói trên.

MỚI - NÓNG