Transerco: Không để xe kém chất lượng ra đường

Transerco: Không để xe kém chất lượng ra đường
Tích cực đầu tư xe thân thiện môi trường, trang thiết bị, máy móc kiểm tra siết chặt quy trình sửa chữa, bảo dưỡng..., Tổng công ty Vận tải Hà Nội Transerco đã và đang nỗ lực xây dựng một hệ thống xe buýt văn minh, hiện đại, vì một môi trường xanh.

Khẳng định Transerco luôn dành sự quan tâm lớn tới việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới bảo vệ môi trường trong hoạt động VTHKCC bằng xe buýt, Phó Tổng Giám đốc Transerco Nguyễn Trọng Thông cho biết những năm vừa qua, đặc biệt trong năm 2012, Tổng công ty đã tập trung đầu tư thay mới nhằm từng bước nâng cao chất lượng đoàn phương tiện (trung bình mỗi năm thay từ 100 - 150 xe).

Thống kê cho thấy, hiện số lượng phương tiện buýt nội đô đạt tiêu chuẩn khí thải từ EURO II trở lên là 310 xe, chiếm 34%. Trong số này, xe đạt tiêu chuẩn khí thải từ EURO III là 94 xe, chiếm 10% tổng đoàn xe của Transerco. Cần phải nhấn mạnh rằng, nỗ lực thay mới đoàn phương tiện của Transerco được thực hiện trong bối cảnh vô cùng khó khăn, giá mua xe buýt tiêu chuẩn từ 2009 đã tăng cao nhưng đơn giá khấu hao phương tiện vẫn chỉ áp giá tại thời điểm năm 2002.

Cùng với tập trung thay mới đoàn phương tiện, Transerco cũng đã và đang nghiên cứu thử nghiệm nhiều công nghệ mới bảo vệ môi trường như thử nghiệm dung dịch phụ gia BorPower Nano cho động cơ (trộn dung dịch vào dầu bôi trơn giúp giảm thiểu phát thải CO2, tăng công suất động cơ, giảm tiếng ồn) hay thiết bị Kari (Ion hóa nhiêu liệu trước khi vào buồng đốt nhằm giảm đáng kể thành phần gây hại trong khí thải...). Ngoài ra, Tổng công ty cũng đã tiến hành ứng dụng vật liệu nano phủ kính xe để chống bám bụi...

Tại khu vực nhà xưởng, Depot xe buýt, Transerco đã nghiên cứu và triển khai hệ thống xử lý chất thải công nghiệp trong quá trình bảo dưỡng sửa chữa phương tiện; Xây dựng các Depot tiêu chuẩn có hệ thống xử lý chất thải công nghiệp đạt tiêu chuẩn môi trường; Đầu tư trang thiết bị kiểm tra khí xả xe buýt (máy đo nồng độ khí xả) và mời cán bộ của Cục Đăng kiểm Việt Nam về đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho toàn bộ đơn vị kinh doanh buýt...

Siết quy trình sửa chữa, bảo dưỡng

Ông Lê Anh Dũng, Giám đốc Xí nghiệp Trung đại tu, Transerco cho biết, việc bảo dưỡng sửa chữa được chia thành 2 loại, một là sửa chữa thường xuyên và 2 là sửa chữa lớn. Sửa chữa thường xuyên sẽ do đơn vị vận hành trực tiếp thực hiện. Phần sửa chữa lớn (đại tu) được thực hiện theo định ngạch (khoảng 200 nghìn km đại tu/lần).

Cũng theo ông Dũng thì trong điều kiện hiện nay, xe buýt Transerco nói riêng và xe buýt Hà Nội nói chung đều đang vận hành trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Thời gian vận hành một ngày rất lớn, từ 4h sáng xe đã lăn bánh rồi và khi về đến garage, vào bãi nghỉ là vào khoảng 11h đêm. Thậm chí có những tuyến còn muộn hơn. Trong quá trình vận hành, tải trọng không ổn định, người lên người xuống liên tục, không bao giờ đi hết số được. Vài trăm mét lại phải dừng đỗ một lần. Vào giờ cao điểm thì lại thường xuyên bị quá tải... Tất cả những yếu tố này khiến cho xe buýt nhanh bị xuống cấp.

“Bảo dưỡng định kỳ là các công việc bắt buộc phải thực hiện sau một chu kỳ vận hành phương tiện theo quy định của Tổng công ty. Để nâng cao chất lượng phương tiện, đảm bảo xe đã vận hành là phải trong điều kiện tốt nhất, cùng với việc đầu tư thay mới phương tiện thì việc tăng cường siết chặt quy trình sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ luôn được Transerco chú trọng“ - ông Dũng nhấn mạnh.

Theo GTVT

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG