Tránh những cú sốc lớn về dầu khí

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 15/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đề nghị có chiến lược về dầu khí như một công cụ hữu hiệu để bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước, tránh những cú sốc lớn về dầu khí khi năng lượng tái tạo chưa đủ năng lực để thay thế.

Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Văn An (Thái Bình), về vấn đề giá xăng dầu, Chính phủ đã có báo cáo tiếp thu, giải trình, nhưng cần làm rõ ràng, cụ thể hơn. Đồng thời cần bổ sung trách nhiệm của Bộ TN&MT trong thẩm định các loại kế hoạch, đi kèm việc kiểm tra, giám sát các mỏ.

Tránh những cú sốc lớn về dầu khí ảnh 1

Cần hỗ trợ để tài nguyên dầu khí được khai thác kịp thời. Nguồn: PV OiL

Theo ĐBQH Tạ Đình Thi (Hà Nội), trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra nhanh chóng, cần hỗ trợ để tài nguyên dầu khí được khai thác kịp thời và đưa vào sử dụng, bảo đảm giá trị vốn có. “Điều cần đặc biệt quan tâm là hoạt động dầu khí cần gắn liền với khẳng định chủ quyền biển đảo và đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước”, đại biểu lưu ý.

ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng việc bổ sung, sửa đổi Luật Dầu khí phải tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, hấp dẫn môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, đồng thời đáp ứng yêu cầu bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ chủ quyền dân tộc, đặc biệt là chủ quyền trên biển.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đề nghị tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia; làm sao khuyến khích được xã hội hóa, thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, thu hút được tư nhân nhưng vẫn đảm bảo được vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo được an ninh quốc phòng.

Cùng ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020.

MỚI - NÓNG