Tranh luận nóng bãi cọc 'khủng 'và trận thủy chiến lịch sử Bạch Đằng

TPO - Niên đại bãi cọc, sự thực bãi cọc với các thân gỗ khủng phát lộ 1 năm trước ở Hải Phòng có liên quan đến trận chiến lịch sử Bạch Đằng...đang trở thành vấn đề nóng được giới khoa học thảo luận. 

Tranh luận về bãi cọc có liên quan trận thủy chiến Bạch Đằng?

Hội nghị thông báo khảo cổ học toàn quốc lần thứ 55 vừa được tổ chức tại TP Hải Phòng (từ ngày 29-30/9). Trong những ngày diễn ra hội nghị, xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về cách xác định niên đại các cọc gỗ phát lộ tại cánh đồng Cao Quỳ, thuộc xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng).

Trong cuộc thảo luận, PGS.TS Nguyễn Quang Miên, Trưởng phòng C14 (Viện Khảo cổ học) cho biết, đơn vị mới có kết quả một mẫu xét nghiệm để xác định niên đại cọc gỗ ở Cao Quỳ bằng phương pháp đồng vị carbon C14. Trong đó, có 1 mẫu do người dân tại địa phương gửi lên.

Tranh luận nóng bãi cọc 'khủng 'và trận thủy chiến lịch sử Bạch Đằng ảnh 1 Toàn cảnh Hội nghị thông báo khảo cổ học toàn quốc lần thứ 55.

Trong khi đó, một số nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng mẫu xét nghiệm do người dân đưa lên không đáng tin cậy. Đáng chú ý, TS Nguyễn Tiến Đông – Viện Khảo cổ học cho rằng, quy trình lấy mẫu C14 phức tạp, do đó nếu lấy mẫu không chính xác sẽ dẫn đến kết quả xét nghiệm sai.

Kết quả phương pháp đồng vị Carbon (C14) chỉ là một căn cứ để nghiên cứu, không phải là mấu chốt để kết luận niên đại bãi cọc.

Cũng trong cuộc thảo luận, TS Nguyễn Hồng Kiên – Viện Khảo cổ học nêu quan điểm, tiêu chuẩn lấy mẫu xét nghiệm như vậy là chưa được. Ông Kiên chưa tin đó là bãi cọc gỗ trong chiến trận.

Ông lý giải, nếu là cọc thì phải đóng xuống vũng lầy nhưng hình ảnh đưa ra hầu hết các cọc đều được chôn, tức là không phải ở dưới nước. TS Nguyễn Hồng Kiên cho rằng, cần phải xác định được niên đại của cổ vật vì điều đó sẽ khẳng định kết quả của cuộc khảo quật.

Tranh luận nóng bãi cọc 'khủng 'và trận thủy chiến lịch sử Bạch Đằng ảnh 2 Bãi cọc gỗ Cao Quỳ, tại xã Liên Khê (Thủy Nguyên, Hải Phòng) mới phát lộ.

Có cơ sở liên quan trận Bạch Đằng năm 1288

Trong khi đó, Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho rằng, có cơ sở để nói cọc gỗ Cao Quỳ liên quan đến trận Bạch Đằng năm 1288. Tuy nhiên, vẫn cần phải nghiên cứu đa ngành từ khảo cổ, địa mạo, địa chất để củng cố việc xuất lộ bãi cọc.

Cùng quan điểm này, GS Nguyễn Quang Ngọc - Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nêu quan điểm, bãi cọc Cao Quỳ nhiều khả năng thuộc trận địa Bạch Đằng năm 1288.

GS Ngọc cho rằng, xác định cọc gỗ bằng phương pháp đồng vị Carbon là khoa học nhưng ông đặt nghi vấn niên đại của cọc gỗ có phải là niên đại của bãi cọc hay không? Có thể cọc từ nhiều đời có chồng xếp lên nhau. Giống như các mẫu vật ở Hoàng thành Thăng Long. Vì vậy, nếu ai đó lấy kết quả C14 để kết luận niên đại bãi cọc Cao Quỳ thì tôi không đồng ý.

GS Nguyễn Quang Ngọc vẫn đề nghị đặt bãi cọc vào thế trận Bạch Đằng năm 1288 và tiếp tục nghiên cứu.

Tranh luận nóng bãi cọc 'khủng 'và trận thủy chiến lịch sử Bạch Đằng ảnh 3 GS Nguyễn Quang Ngọc nêu ý kiến tại hội nghị.

Trước những ý kiến khác nhau về bãi cọc Cao Quỳ, TS Bùi Văn Hiếu - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm nghiên cứu Khảo cổ học dưới nước (Viện Khảo cổ học), Trưởng tiểu ban khảo cổ học dưới nước, cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu liên ngành để có góc nhìn rõ ràng.

Năm 2019, trong quá trình lao động người dân xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) phát hiện nhiều cọc gỗ. Sau đó, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng khai quật 3 hố tại cánh đồng Cao Quỳ. Kết quả khai quật đến nay bước đầu phát hiện 37 cọc gỗ, 2 cụm gỗ, 22 hố cọc và 4 hố đất đen.

Qua kết quả khai quật, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học bước đầu đánh giá đây là di tích lịch sử quan trọng liên quan đến các trận chiến trên dòng sông Bạch Đằng vào năm 1288. 

MỚI - NÓNG