Tranh cướp lộc ở đền Trần, vì đâu nên nỗi?

Cảnh trèo rào vào cướp lộc ở đền Thiên Trường. Ảnh: Trường Phong
Cảnh trèo rào vào cướp lộc ở đền Thiên Trường. Ảnh: Trường Phong
TPO - Sau lễ Khai ấn Đền Trần rạng sáng 22/2, hàng nghìn người dân địa phương và du khách vẫn chen lấn, xô đẩy, thậm chí nhảy lên bàn thờ để tranh cướp lộc. 

Như ong vỡ tổ

Ngay từ chiều 21/2, hàng nghìn người dân địa phương và du khách đã tụ tập trước cổng đền Trần đề chờ lễ Khai ấn. Dòng người hết đứng, ngồi, thậm chí trải bạt nằm ra bên đường trong thời gian chờ đợi. Dọc tuyến đường vào cổng đền, hàng chục người ăn xin, ăn mày mang theo con nhỏ trên tay, trên lưng lê lết ngược hướng di chuyển của du khách để xin tiền. Hàng chục tụ điểm trò chơi giải cờ thế ăn tiền thắp điện sáng trưng thu hút đông đảo người chơi bu quanh. Vài ba cửa hàng bán rượu ngâm tắc kè, ngâm rắn hổ mang chúa…

Tranh cướp lộc ở đền Trần, vì đâu nên nỗi? ảnh 1

  Ăn xin lê lết dọc đường vào đền Trần. Ảnh: Trường Phong

Đúng 23h30 ngày 21/2, sau lễ rước kiệu, dâng hương, khai ấn… cửa đền Trần được mở. Hàng nghìn người chen lấn, xô đẩy nhau tiến vào. Có người kêu như đang đi trên mây vì chân không cần chạm đất do bị ép chặt giữa dòng người đông nghịt. Dưới đất, vài ba chiếc giày phụ nữ bị rơi, vài chiếc gậy “tự sướng” gẫy nát trước sức di chuyển của hàng nghìn người. Đến sân đền Thiên Trường, hàng nghìn người chen lấn, đè lên nhau để trèo vào trong điện. Đường nhỏ, hẹp, người chồng lên nhau. Gặp rào sắt, nhiều người cố gắng hết sức để leo vào. Trong điện, khung cảnh hỗn loạn diễn ra. Mạnh ai nấy cướp, từ tiền lẻ, cây lộc, hoa... đến sờ vào tượng lấy may.

Ở lối vào, hàng rào sắt dù rất to, chắc chắn cũng bị nghiêng trước sức ép của hàng trăm người. Một vài thiếu nữ bị ép ngã, phải được sự trợ giúp và cố gắng lắm mới lách ra được chỗ thoáng để thở. Hàng chục người lại nhao nhao về phía trước.

Trao đổi với phóng viên, một nam thanh niên người địa phương cho biết, năm nào cũng vào đền Trần giờ này để tranh cướp lộc lấy may. Phải mất vài tiếng, đến rạng sáng 22/2, đám đông mới chịu dừng lại, ra về.

Tranh cướp lộc ở đền Trần, vì đâu nên nỗi? ảnh 2 Nhiều đồ thờ cúng bị bẻ gãy, biến dạng do du khách tranh cướp, chen lấn, xô đẩy. Ảnh: Trường Phong

Tranh cướp lộc ở đền Trần, vì đâu nên nỗi? ảnh 3 Lực lượng công an vất vả giữa biển người. Ảnh: Trường Phong
Tranh cướp lộc ở đền Trần, vì đâu nên nỗi? ảnh 4 Nhiều thiếu nữ cũng vượt rào vào điện Thiên Trường. Ảnh: Trường Phong
Du khách mê tín mù quáng

Khi được hỏi về tình trạng chen lấn, tranh cướp lộc ở đền Trần, chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình thở dài: “Năm nào cũng thế, chẳng khác gì đâu”. Theo ông Bình, mấy năm nay, nhiều lễ hội xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy, đánh nhau, tranh cướp lộc vì ai cũng muốn có nhiều, có đủ, thậm chí muốn là người đầu tiên có lộc.

“Đạo đức một bộ phận xuống cấp thì chúng ta nói nhiều rồi. Ở đây, cần phải nhấn mạnh đến việc họ sống vị kỷ, thực dụng và bị thị trường hóa”, ông Bình nói.

Giáo sư Trần Lâm Biền, chuyên gia nghiên cứu văn hóa lý giải, người dân địa phương, du khách ở đền Trần đang có dấu hiệu bị “hụt hẫng tinh thần”. Theo ông Biền, trước đây, khi người dân ăn chưa no, mặc chưa ấm thì người ta trước hết lo miếng cơm, manh áo. Sau này, khi điều kiện ăn ở được tốt đẹp hơn, họ có thời gian nghĩ và theo tín ngưỡng. Tuy nhiên, theo ông Biền, tín ngưỡng của họ không giống trước đây nữa. “Dường như họ không hiểu gì hết về tín ngưỡng. Trước đây tín ngưỡng luôn giáo dục con người làm điều thiện trên nền tảng trí tuệ. Bây giờ có ai nghĩ về điều đó, làm điều đó không? Không ai có trách nhiệm giải thích cho người dân về các nét đẹp cổ truyền của tín ngưỡng tôn giáo”, ông Biền nói.

Nhà nghiên cứu văn hóa chua xót cho rằng, ở các lễ hội bây giờ, người ta tìm đủ cách để lấy tiền của dân, mà đã muốn lấy tiền thì phải có những yếu tố “mê tín dị đoan”. “Họ bảo xin được ấn đền Trần thì sung sướng hơn, lên cao, phát lộc hơn. Đó không phải do nội lực tạo nên mà trông cậy vào thế lực siêu nhiên. Ngày xưa, lễ khai ấn đền Trần nhằm giáo dục tinh thần đoàn kết cộng đồng, giáo dục con người đoàn kết, nỗ lực xây dựng và giữ gìn đất nước. Nếu nói chuẩn như thế thì còn ai chen lấn xô đẩy, tranh cướp làm gì”, ông Biền chia sẻ.

MỚI - NÓNG