Tranh cãi chuyện Philippines 'viết hóa đơn' cho Mỹ

Lính Mỹ tham gia một đợt diễn tập ở Philippines. Ảnh: Reuters
Lính Mỹ tham gia một đợt diễn tập ở Philippines. Ảnh: Reuters
TP - Việc Philippines đòi Mỹ tăng gấp ba lần tiền viện trợ để được quyền đưa binh lính Mỹ đến hoạt động ở quốc gia Đông Nam Á này đang gây sốc cho Washington. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng vị trí chiến lược của Philippines trên Biển Đông xứng đáng với mức giá này. 

Sau cuộc đàm phán gần đây giữa quan chức hai nước nhằm duy trì Thỏa thuận các lực lượng viếng thăm (VFA), Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ phải trả tiền nếu muốn có thỏa thuận.

Ông Duterte nói rằng lý do đưa ra đòi hỏi này là Philippines “nằm gần nơi sẽ trở thành chiến trường nhất”, và rằng “tiền đồn thuận tiện nhất (cho lực lượng Mỹ) là ở Philippines”. Phát biểu của ông rõ ràng có ý nói đến tranh chấp giữa Trung Quốc với nhiều nước Đông Nam Á trên Biển Đông. Sau đó, phát ngôn viên của ông Duterte, ông Harry Roque, nêu rõ yêu cầu rằng viện trợ của Mỹ cho Manila nên gần mức 16,4 tỷ USD mà Mỹ viện trợ cho Pakistan từ năm 2002-2017, thay vì 3,9 tỷ “tiền xu” Manila nhận được trong cùng giai đoạn này. Ông Roque nói rằng ông đã lấy những số liệu này từ báo cáo năm 2018 của Trung tâm Stimson của Mỹ về viện trợ của Mỹ cho hoạt động chống khủng bố. “Sao chúng ta không viết hoá đơn cho họ để chúng ta có thể dùng tiền chi trả cho việc phòng chống Covid-19, chăm sóc y tế đại trà và hệ thống tưới tiêu miễn phí cho nông dân”, Philstar dẫn lời ông Roque.

Giao dịch nguy hiểm

Phó chủ tịch Leni Robredo của đảng Tự do đối lập, cho rằng những lời lẽ của ông Duterte “đáng xấu hổ, giống như chúng ta đang tống tiền họ”.

Quá trình đàm phán VFA diễn ra sau khi ông Duterte tuyên bố dừng thoả thuận này. Washington coi VFA là nền tảng quan trọng để đưa lực lượng quân sự đến Philippines nhằm hỗ trợ Hiệp định quốc phòng tương hỗ mà hai bên ký từ năm 1951. Mỹ hiện có chưa đầy 200 quân nhân ở Phlippines, chủ yếu làm công việc liên quan đến chống khủng bố. Con số này quá ít so với những năm Mỹ có cả căn cứ hải quân và không quân ở Philippines. Việc ông Duterte muốn dừng VFA được cho là một phần của nỗ lực nhằm xích lại gần Trung Quốc hơn đồng minh truyền thống. Giờ đây, những người chỉ trích cho rằng ông đang cố kiếm tiền trên cảm giác bất an của Washington đối với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực.

Chủ tịch Ủy ban quân vụ thượng viện Philippines Panfilo Lacson nói rằng ông Duterte “có thể gây ấn tượng rằng Philippines là nước của những kẻ tống tiền khi yêu cầu một đồng minh lâu năm bồi thường qua các kênh ngoại giao bình thường và vẫn thu được kết quả như mong muốn”. Còn ông Duterte nói những người chỉ trích ông là “không biết gì”.

Ông Greg Poling, một chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược, cho rằng tất nhiên Mỹ hiểu các yếu tố viện trợ kinh tế và an ninh trong đàm phán. Họ làm như vậy trong mọi đàm phán về Hiệp định phòng thủ tương hỗ và Thỏa thuận các căn cứ quân sự, nên VFA cũng không có gì khác. “Nhưng ông Duterte đang định hình liên minh thành quan hệ một chiều đơn thuần mà trong đó Mỹ phải trả tiền để có đặc quyền trở thành đồng minh của Philippines. Đó là một cách giao dịch nguy hiểm để định hình quan hệ, nhưng may là tôi không nghĩ không nhiều chia sẻ quan điểm đó”, ông Poling nói với báo SCMP.

Theo số liệu của chính phủ Mỹ, Philippines được viện trợ 428 triệu USD năm ngoái, nhiều nhất trong danh sách các nước nhận viện trợ ở Đông Á.

“Có nên tăng thêm 500 hay 600 triệu USD? Điều đó nên được xác định trong đàm phán. Nhưng một liên minh ổn định phải dựa trên sự thừa nhận lẫn nhau để phục vụ lợi ích quốc gia của cả hai. Nếu chỉ là chuyện đô la thì sẽ là rắc rối nghiêm trọng”, ông Poling đánh giá.

Ông Dereck Grossman, một nhà phân tích về an ninh quốc gia và Ấn Độ - Thái Bình Dương tại hãng tư vấn Rand Corp., không đồng ý như vậy.

“Tôi nghĩ ông Duterte nghiêm túc khi nhiều lần nói rằng Washington cần chuẩn bị cho việc nhượng bộ để đổi lấy quyền tiếp cận quân sự ở Philippines. Giờ đây, chưa biết con số 16 tỷ USD có phải đàm phán hay không, nhưng ít nhất đó là điểm khởi đầu”, ông Grossman nói. 

Ông Grosman nghi ngờ rằng chính quyền Biden sẽ “sử dụng chiến thuật đàm phán giống như tống tiền”, nhưng cho rằng “cơ hội để Manila ép Washington nhượng bộ khá là cao, vì sức mạnh của Trung Quốc trên Biển Đông ngày càng lớn”. 

MỚI - NÓNG