Từ 5h sáng nay, 19/2, người dân, du khách đã túc trực đông đúc tại đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) để lấy ấn. Tuy nhiên, không hề xuất hiện cảnh chén lấn, xô đẩy nhau để mua được lá ấn như nhiều năm trước. Dòng người xếp hàng nối đuôi nhau trước của nhà Giải vũ và nhà trưng bày của cung Trùng Hoa để đợi đến lượt mình mua ấn.
Trước đó, đêm 18.2, rạng sáng 19.2 (tức đêm 14, rạng sáng 15 tháng Giêng Âm lịch lễ khai ấn đền Trần đã diễn ra tại đền Trần phường Lộc Vượng, TP. Nam Định. Bắt đầu từ 20h tối ngày 18.2, từng dòng người nối đuôi nhau đổ về khu vực đền Trần. Theo Ban tổ chức lễ hội, dù lễ khai ấn diễn ra vào ngày đi làm, nhưng số lượng người đổ về đền Trần năm nay không kém mọi năm, vẫn đạt 2-3 vạn người.
Từ 22h 15 phút, hơn 1,1 nghìn đại biểu có thẻ dự khai ấn được mời vào đền Trần. Lễ khai ấn bắt đầu với nghi lễ dâng hương tới các vị vua Trần. Tiếp đó là lễ rước kiệu ấn từ đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường. Đến 23 giờ, lãnh đạo tỉnh Nam Định và các vị cao niên đại diện dòng họ Trần thực hiện nghi thức đóng ấn. Lúc 23h30 phút, sau khi lễ khai ấn diễn ra, Ban tổ chức phát lệnh mở cửa đền để người dân, du khác đang tập trung ở đường Trần Thừa trước của đền có thể vào đền làm lễ.
Từng có mặt ở lễ khai ấn đền Trần gần 20 năm liền, PV ghi nhận năm nay, lễ khai ấn đền Trần diễn ra khá trật tự, an toàn, giảm hẳn các vấn nạn thường thấy của các lễ hội. Suốt từ thời điểm khai hội trước đó 3 ngày, tại đền Trần không hề thấy xuất hiện độị ngũ “cái bang” lê lết trên đường, trước cổng đền, níu tay người đi lễ xin tiền như các năm trước. Nạn xe ôm tung hoành trong khu vực trung tâm lễ hội, đổi tiền lẻ, hàng quán lấn chiếm lòng đường, chặt chém du khách cũng giảm hẳn. Thống kê của Ban tổ chức cho thấy có gần 300 cuộc gọi vào đường dây nóng của Ban tổ chức đều được “cứu viện” kịp thời, không để du khách, người đi lễ đền Trần uất ức vì bị chèn ép.
Theo ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng Nam Định, người được xem là có bề dày nghiên cứu cũng như có nhiều am hiểu về lịch sử nhà Trần nói chung, lễ hội đền Trần nói chung thì “lễ hội thì phải tả tơi”, một lễ hội lớn, tập trung số lượng lên tới hàng vạn người đổ về cùng lúc như lễ khai ấn đền Trần thì khó tránh được việc chen lấn và các vấn nạn ăn theo lễ hội. “Tuy nhiên, đối chiếu với các lễ hội có quy mô tương đương thì phải thừa nhận là lễ khai ấn đền Trần các năm vừa qua có chuyển biến rõ rệt theo hướng giảm thiểu các vấn nạn phản cảm”, ông Thư nói.
Điểm nổi bật nhất của lễ khai ấn đền Trần năm nay là đã cơ bản hạn chế được nạn cướp lộc, ném tiền khi rước kiệu ấn từ đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường vẫn xảy ra trong các năm trước. Trao đổi với PV sáng nay, 19.2, bà Phạm Thị Oanh, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Nam Định, Trưởng ban tổ chức lễ hội đền Trần 2019 thừa nhận vẫn có một số đại biểu vẫn ném tiền vào kiệu lộc khi rước kiệu và làm lễ khai ấn. Tuy nhiên, hiện tượng “mưa tiền” bay vào kiệu ấn, đặc biệt là việc đại biểu được mời dự lễ tranh nhau cướp lộc trên mâm lễ, trên bàn thờ đã hoàn toàn chấm dứt.
Theo bà Oanh, nguyên nhân của sự “tiến bộ” này là xuất phát từ việc ban tổ chức đã lắp 16 camera giám sát trong khu vực hành lễ, đồng thời thông báo sẽ xử lý các đại biểu có hành vi phản cảm này khiến phần lớn các đại biểu đều e dè, “vừa đi lê vừa trông chừng camera”.
Nguyên nhân quan trọng hơn, với gần 10 năm thành phố Nam Định phối hợp với Viện Văn hoá nghệ thuật dân gian thực hiện đề án “khôi phục lễ hội đền Trần”, lễ hội đền Trần đã khắc phục được “khủng hoảng giá trị”.
Cụ thể là đã dần làm sáng tỏ giá trị lễ khai ấn đền Trần và lá ấn đền Trần không phải là bùa hộ mệnh để “cầu quan, tiến chức” như nhiều người nhầm tưởng để đưa lễ hội về với giá trị thực chỉ là một hoạt động văn hoá nhằm tưởng nhớ về vương triều Trần, lá ấn đền Trần chỉ mang tính cầu chúc cho một năm mới bình an, thuận buồm xuôi gió.
Cũng theo bà Oanh, từ 5h sáng nay, việc phát ấn sẽ được thực hiện đến hết tháng Giêng để phục vụ du khách, người dân về đi lễ đền Trần.
Một số hình ảnh tại lễ khai ấn đền Trần 2019: