Trái với vẻ lộng lẫy đầy sắc màu như sự kiện Olympic 2016 trước đó, lễ bế mạc Paralympic 2016 được tổ chức giản dị và diễn ra trong bầu không khí đầy xúc cảm tại SVĐ Maracana (Brazil) sáng qua. Đó là màn trình diễn của Johnatha Bastos- nghệ sĩ Brazil sinh ra không có tay song vẫn trở thành một tài năng guitar với đôi chân khéo léo. Đó là hình ảnh của Ricardinho-cầu thủ khiếm thị cùng đồng đội tại tuyển Brazil giành HCV môn bóng đá 5 người- dẫn đầu các đoàn thể thao diễu hành quanh SVĐ. Đó là không khí trầm mặc khi các đoàn thể thao dành 1 phút mặc niệm cho Bahman Golbarnezhad- VĐV đua xe đạp người Iran đã qua đời sau một tai nạn trên đường đua trong ngày thi đấu cuối cùng.
Paralympic 2016 khép lại 12 ngày tranh tài đáng nhớ với tổng cộng 210 kỷ lục thế giới và 396 kỷ lục bị phá vỡ hoặc thiết lập. Đây cũng là kỳ Paralympic thành công nhất trong lịch sử đối với đoàn thể thao khuyết tật Việt Nam khi giành được tổng cộng 4 huy chương, gồm 1 HCV của Lê Văn Công (cử tạ), 1 HCB Võ Thanh Tùng (bơi lội) và 2 HCĐ Cao Ngọc Hùng (ném lao), Đặng Thị Linh Phượng (cử tạ), xếp thứ 55/83 đoàn giành được huy chương trong tổng số 164 đoàn tham dự.
Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh- nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1- Tổng cục TDTT, những tấm huy chương mà các VĐV khuyết tật đoạt được tại Paralympic là vô cùng quý giá. Đằng sau mỗi tấm huy chương là câu chuyện về những mảnh đời bất hạnh, những tấm gương sáng về nghị lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống để mang vinh quang về cho Tổ quốc. Vì thế, chúng ta phải trân trọng thành tích và những nỗ lực phi thường ấy.
Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh cũng lưu ý rằng, cần phân biệt rõ thể thao thành tích cao và thể thao người khuyết tật bởi chúng khác nhau về bản chất. Ở thể thao thành tích cao là sáng tạo thành tích, có nghĩa là tìm kiếm, lựa chọn và phát triển những nhân tố tài năng của thể thao. Còn thể thao người khuyết tật thì mang ý nghĩa nhân đạo, nhằm khắc phục, cổ vũ, động viên tinh thần người khuyết tật vượt qua nghịch cảnh (chấn thương, khiếm khuyết cơ thể...) để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Chính vì lẽ đó, điều chúng ta hướng đến không phải là vấn đề đầu tư cho thể thao khuyết tật để mang về thành tích. Thay vào đó nên là sự quan tâm và hỗ trợ không chỉ cho VĐV khuyết tật mà còn cho toàn bộ người khuyết tật sinh sống ở khắp mọi miền đất nước; thúc đẩy xã hội chăm lo, giúp đỡ cho người khuyết tật; tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật hòa nhập với cuộc sống thường ngày (như ở các nước văn minh ở các địa điểm công cộng có đường riêng cho người khuyết tật nhưng ở Việt Nam thì rất hiếm). Đó mới là những điều quan trọng nhất.