Phía sau HCV của Lê Văn Công: 32 năm nghịch cảnh và cú điện thoại tình yêu

Lê Văn Công giành Huy chương vàng Paralympic đầu tiên cho Việt Nam. Ảnh : Anh Tuấn (chụp lại clip)
Lê Văn Công giành Huy chương vàng Paralympic đầu tiên cho Việt Nam. Ảnh : Anh Tuấn (chụp lại clip)
TP - 32 năm sống trong cảnh liệt chân, thế nhưng, đô cử Lê Văn Công đã vượt lên số phận với một hành trình kỳ diệu khi giành HCV, phá kỷ lục Paralympic và thế giới tại Rio.

21 tuổi mới bắt đầu... sống và tin

Ngay từ khi chào đời, tai họa đã giáng xuống đầu cậu bé quê Hà Tĩnh Lê Văn Công khi với đôi chân bé tẹo, teo tóp, do di chứng để lại từ một trận sốt xuất huyết của mẹ. Công lớn lên trên đôi bàn tay, trên lưng của bố mẹ, để rồi sớm nhận ra sự thật quá phũ phàng với cuộc đời mình, khi chỉ có thể lê lết, và nhận những lời bình phẩm ác ý cùng sự xa lánh. Cuộc sống của anh kể từ khi nhận thức được nỗi bất hạnh của mình là những tháng ngày buồn dù anh luôn nhận được tình yêu vô bờ của người thân.

Với nỗ lực của bản thân, học xong phổ thông, Công thi đỗ đại học song không được học vì nhà trường không tuyển sinh viên khuyết tật. Sau này vào TPHCM lập nghiệp, dù Công có tấm bằng sửa đồ điện tử, là thợ có tay nghề, nhưng không thể xin được việc vì đến đâu người ta cũng nhìn vào đôi chân liệt của anh. Công rơi vào tình trạng bế tắc kéo dài suốt vài năm, làm đủ thứ việc vẫn không đủ nuôi mình qua ngày trong sự mặc cảm và chán nản ngày càng lớn.

Thế nên, như tâm sự của đô cử giờ vang danh khắp thế giới, phải đến năm 21 tuổi, anh mới bắt đầu biết thế nào là... sống và tin. Đó là thời điểm, Công bén duyên thể thao, với môn cử tạ tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Tân Bình. Dù khi đó chưa hiểu mình có thể làm được gì, song Công đã thực sự tìm thấy một “chỗ bấu víu” để có thể sống và tin vào một tương lai với sự đổi khác.

11 năm miệt mài khổ luyện 

Rất khó tin có nhiều tháng, ngày, Công đã phải nâng những quả tạ nặng trĩu trong tình trạng đói đến hoa cả mắt. Đơn giản vì khi đó, anh chưa có chế độ gì, vẫn phải vừa gồng mình gắng sức kiếm sống vừa tập luyện. Tuy nhiên, Công đã không bỏ một buổi tập, thậm chí bài tập nào, cho dù nó diễn ra vào buổi sáng sớm hay chiều muộn theo kiểu tranh thủ.

Càng tập Công càng máu, nhất là khi anh chứng tỏ tố chất và sự phù hợp đặc biệt với môn cử tạ. Chỉ đúng nửa năm, Công đã giành ngay tấm HCB tại giải thể thao người khuyết tật toàn quốc 2005. Tình thế đã thay đổi hoàn toàn ở ngay lần xuất ngoại đầu tiên khi lực sĩ sinh năm 1984 đoạt HCV ASEAN Para Games 2007, để có hơn chục triệu tiền thưởng và được đưa vào diện đầu tư tập trung.

Như lời của các HLV, điểm khác biệt lớn nhất ở Công, chính là ý chí thép cùng sự dấn thân cho việc tập luyện, thi đấu, đến mức quên thân. Để thực hiện một kế hoạch nâng cao mức tạ, hay sau những giải đấu thất bại, Công sẵn sàng bỏ cả việc mưu sinh để ở bên những quả tạ. Thậm chí, việc tự tập ở nhà vào các buổi với anh đã là một nếp quen. Năm 2010, Công gặp tai nạn xe máy, bị chấn thương nặng ở khớp vai, được các bác sĩ khuyến cáo tốt nhất nên giải nghệ. Dù vậy, trong suốt 3 năm phải ở nhà, Công đã làm tất cả để hồi phục không phải để giữ gìn sức khỏe, đôi vai cho mình mà chủ yếu để có thể trở lại với thể thao.

Văn Công là trường hợp hi hữu tái xuất được với môn cử tạ sau chấn thương vai, mà quan trọng hơn còn... lợi hại hơn cả trước. Kể từ 2013, Công đã vươn tới đẳng cấp của một đô cử hay nhất châu Á và hàng đầu thế giới ở hạng cân của mình. Và cuối cùng, anh đã làm nên kỳ tích lịch sử một cách... không bất ngờ. Hình ảnh đặc biệt ấn tượng... hôn tạ sau khi chinh phục thành công tấm HCV cùng kỷ lục thế giới là khoảnh khắc đẹp nhất của đời Công và thể thao người khuyết tật Việt Nam.

Cú điện thoại hạnh phúc nhất đời

Lần được hôn tạ Vàng trên đỉnh Paralympic có thể là khoảnh khắc ngoạn mục nhất, song một cú điện thoại vào dịp cuối năm 2008 mới là niềm hạnh phúc lớn nhất của Công. Đó là cú điện thoại từ người yêu Chu Thị Tám gọi từ Nghệ An vào TPHCM thông báo “gia đình đã đồng ý cho hai người nên duyên”.

Trước đó, tình yêu của chàng trai liệt chân và cô gái khỏe mạnh, xinh tươi ấy dù rất say đắm, lãng mạn song đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình Tám. Bố mẹ chị thậm chí còn vào tận nơi đưa con gái về quê để ngăn cách họ. Phải trải qua cả một năm trời, chính nhờ sự chân thành, giấc mơ xây dựng tổ ấm của hai người, nhất là mẫu hình vượt khó của Công đã khiến nhà gái cảm động và cảm phục.

Khi đó, Công đã lập tức ra bắt xe khách để về quê người yêu ra mắt chính thức và chuẩn bị cho lễ cưới. Tổ ấm của hai người đã được xây dựng ở nhà trọ 10m2 trong muôn bề gian khó, thiếu thốn. Để rồi qua 8 năm, đôi vợ chồng đặc biệt ấy đã tạo ra một mẫu hình hạnh phúc đáng mơ ước, với hai đứa con khỏe khoắn, thông minh, cậu con trai 6 tuổi còn cô con gái vừa tròn 1 tuổi. Nhờ những khoản thưởng huy chương quốc tế của Công cùng sự tháo vát của vợ, cách đây 2 năm, họ đã tậu được 200m2 đất tại Long An để xây căn nhà của riêng mình.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.