Trăn trở chính sách thu hút người giỏi theo ngành sư phạm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cô Lê Thị Na Sa, giáo viên Trường Tiểu học Nghĩa Dũng, quận Ba Đình, Hà Nội, là một trong 41 giáo viên được Sở GD&ĐT Hà Nội xét tặng giải thưởng nhà giáo tâm huyết, sáng tạo năm 2023. Cô trăn trở, phải có chính sách thu hút người trẻ giỏi theo ngành sư phạm, đặc biệt trong bối cảnh hàng nghìn nhà giáo rời bỏ ngành.
Trăn trở chính sách thu hút người giỏi theo ngành sư phạm ảnh 1
Cô giáo Lê Thị Na Sa, Trường Tiểu học Nghĩa Dũng, quận Ba Đình,Hà Nội trong giờ dạy. Ảnh: Quỳnh Anh

Thương yêu học sinh như con

Đầu giờ sáng, cả lớp học náo nhiệt tiếng cười nói của gần 40 học sinh bỗng yên lặng khi cô giáo Sa bước vào. Giờ học đầu tiên của ngày là môn Tiếng Việt. Sau màn chào hỏi, khởi động, cô nắn nót viết lên bảng tiêu đề bài đọc: “Gọi bạn” rồi tổ chức giờ dạy theo hướng học sinh chủ động đọc, các bạn nhận xét, trả lời câu hỏi và giáo viên bổ sung, nắn chỉnh những em còn sai lỗi chính tả.

Phó Hiệu trưởng nhà trường, bà Trương Thị Hiền Hoà, đánh giá, cô Sa luôn có phương pháp truyền thụ kiến thức một cách tự nhiên, khiến trẻ thích thú, hào hứng, không hề cảm thấy áp lực. Những em yếu kém được cô dành nhiều thời gian động viên, quan tâm nên kết thúc học kỳ, năm học luôn có sự tiến bộ rõ rệt.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm năm 2005, cô Sa học lên đại học rồi lấy bằng thạc sĩ và gắn bó với nghề gõ đầu trẻ ở bậc tiểu học đến nay. Chính cô cũng không thể nhớ mình yêu thích nghề giáo từ khi nào. Có lẽ, hình ảnh bố là một giáo viên dạy Văn cũng như các cô giáo đứng trên bục giảng thân thương đã khiến cô ấp ủ ước mơ lớn lên sẽ làm cô giáo. Gắn bó với nghề từ đó đến nay trọn 17 năm, công việc bộn bề, cô thú thật đã có lúc thấy mệt mỏi. Tuy nhiên, cô luôn nghĩ rằng, chỉ khi vượt qua áp lực mới trưởng thành nên chưa khi nào có ý định bỏ việc. “Mình đã chọn nghề, yêu nghề nên luôn ở tâm niệm sẽ cố gắng hết sức để học hỏi, hoàn thành công việc tốt nhất”, cô Sa nói.

Năm 2020-2021, năm đầu tiên Bộ GD&ĐT áp dụng đổi mới chương trình, SGK, ngoài việc tập huấn đổi mới SGK còn đòi hỏi giáo viên phải tự học, tự đổi mới chính mình. Cô Sa là giáo viên cốt cán của Phòng GD&ĐT quận Ba Đình và Sở GD&ĐT Hà Nội nên có mặt trong tất cả các kỳ cuộc học tập, dự giờ trường bạn, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ. “Dạy ngày 2 buổi trên lớp, về đến nhà chong đèn soạn giáo án, nghiên cứu tài liệu đến 12 giờ đêm, 1 giờ sáng là bình thường. Đợt cao điểm của chương trình có khi làm đến 2 giờ sáng. Cũng may mắn là có chồng thấu hiểu và chia sẻ”, cô kể.

Cô đã dạy qua các lớp 1 đến lớp 5 và hiện là khối trưởng của khối 2. Lớp chừng 40 học sinh và năm học nào cũng có những em có hoàn cảnh đặc biệt, được cô tận tâm dạy bảo, động viên. Thương nhất là những em học sinh nhỏ tuổi nhưng thiếu thốn tình cảm, sự quan tâm của cha mẹ. Năm học trước, có em ở với ông bà rất nghịch ngợm, hay đánh bạn, nói tục. Tìm hiểu thấy, ông bà làm nghề bán hàng đêm nên em cũng thức xuyên đêm, vạ vật đi theo ở hàng quán. Hôm sau lên lớp, em luôn trong tình trạng mệt mỏi, nằm úp xuống bàn ngủ. Thương xót học sinh, cô đến tận nhà nói chuyện với ông bà. Ban đầu, ông bà của học sinh không nghe vì còn phải bán hàng mưu sinh nhưng bằng sự tận tâm, kiên trì trò chuyện, cuối cùng gia đình phải sắp xếp để cháu ở nhà học bài và đi ngủ đúng giờ. Phía cô giáo mỗi ngày cũng dành ít thời gian hướng dẫn con ôn bài, dần giúp con tiến bộ.

Hay có em bị tự kỷ thể nhẹ vẫn nắm được bài nhưng khi lên lớp không có nhu cầu giao tiếp với các bạn và cô giáo. Khi nhận lớp, cô hỏi gì con cũng không trả lời. Đối với những trẻ như vậy, cô lại phải có phương án riêng, đó là động viên, khích lệ từng ngày, không đòi hỏi con phải viết đẹp, đọc rõ ràng như bạn khác. Chỉ cần con tiến bộ hơn hôm qua, con chịu viết bài cô đã khen, con đọc được ít dòng cô cũng khen để động viên học sinh tìm được niềm vui trong học tập. Cuối năm, học sinh tiến bộ, đạt điểm khá trong bài kiểm tra. Đối với cô Sa, đó chính là trái ngọt trong nghề và cũng nhờ điều đó cô thấy việc mình làm có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Ở lớp, để gần hơn và thấu hiểu nỗi niềm khó nói của học sinh, cô Sa đặt một chiếc hộp “thần kỳ” cạnh một hộp kẹo. Mỗi ngày lên lớp, học sinh nào có nỗi buồn, điều khó nói muốn chia sẻ cùng cô viết ra giấy thả vào chiếc hộp “thần kỳ” và lấy 1 chiếc kẹo. Hộp “thần kỳ” đã giúp cô nắm bắt được tâm tư của trẻ, kết nối với gia đình nhằm cùng tháo gỡ.

Trăn trở với nghề

Gần 20 năm gắn bó với nghề “bụi phấn bám đầy tay” đến giờ này cô Sa vẫn không thể quên tháng lương đầu tiên nhận được là 600.000 đồng. Và đến nay tổng số tiền hằng tháng cô nhận được là 8,5 triệu đồng (bao gồm 35% phụ cấp đứng lớp) vẫn rất khó khăn để trang trải cuộc sống của gia đình với 2 con đang tuổi ăn, tuổi học. Nếu đi thuê nhà đã hết khoảng 3 triệu đồng, tiền học của một con mỗi tháng cơ bản cũng hết gần 2 triệu đồng, trong khi còn chi tiêu cho bản thân và rất nhiều khoản cho một gia đình.

Cô Lê Thị Na Sa từng giành giải Nhì cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử, phần mềm dạy học năm 2022 cấp thành phố và đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở năm học 2021-2022 và nhiều giải thưởng cấp quận khác.

Cô nói rằng, mình đã chọn nghề nên dù vất vả, thu nhập thấp cũng không kêu ca, chưa từng có ý kiến trên các diễn đàn. Thế nhưng, cô rất đau lòng khi mỗi năm có thêm hàng chục nghìn đồng nghiệp rời bỏ nghề giáo và trăn trở Nhà nước phải có chính sách làm sao thu hút người trẻ, giỏi theo nghề sư phạm. Bởi vì các em nhìn thấy thực tế mức thu nhập không tương xứng sẽ không theo nghề trong khi nghề “trồng người” đòi hỏi phải có đội ngũ giỏi, nhận thức tốt. Cô quan niệm, dạy học sinh tiểu học không chỉ dạy các em biết đọc, biết viết mà còn dạy về lòng biết ơn, lẽ phải, việc tốt, việc xấu để các em có nhận thức đúng, hành xử đúng trong cuộc sống. Cô lập sổ theo dõi học sinh hằng ngày. Những tiến bộ của học sinh dù nhỏ nhất cũng được cô động viên, khích lệ và cuối tháng trẻ được nhận quà. Ngoài dạy chữ, cô dạy học sinh điều hay, lẽ phải và kỹ năng tự phục vụ. Ở độ tuổi tiểu học, học sinh không ỷ lại cha mẹ các việc trong gia đình. Trẻ được khuyến khích làm việc nhà như: gập quần áo, vào bếp cùng cha mẹ...

MỚI - NÓNG