Trần Ly Ly: Múa chảy trong máu

​Vở múa “Có có, không không” do Trần Ly Ly biên đạo đã nhận được đánh giá cao của giới chuyên môn và khán giả Ảnh: Nhã Khanh ​
​Vở múa “Có có, không không” do Trần Ly Ly biên đạo đã nhận được đánh giá cao của giới chuyên môn và khán giả Ảnh: Nhã Khanh ​
TP - Từ khi Trần Ly Ly “lên sếp”, không còn “bay nhảy” như trước, thì gặp chị cũng dễ hơn. Chỉ cần đến thẳng Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam sẽ thấy Ly, không lu bù trong phòng làm việc với giấy tờ thì cũng đang hò hét trên sân khấu để chỉ đạo vở diễn. Thỉnh thoảng rảnh rỗi, ngồi nhìn lên trần nhà, khuôn mặt bình yên như mặt hồ nhưng trong đầu đang quay cuồng với các ý tưởng.

Muốn tạo lại “hệ sinh thái” cho múa Việt

Tối 27/3, dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của NSƯT - Quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam Trần Ly Ly và nhạc trưởng Martín García Léon, hai đêm “Dạ tiệc âm nhạc” tại Nhà hát Lớn đã khép lại với nhiều dư âm trong lòng công chúng thủ đô. Chương trình là sự pha trộn độc đáo giữa nghệ thuật cổ điển và sân khấu hiện đại cùng những màn múa đầy chất thơ. “Dạ tiệc âm nhạc” là chương trình mở màn trong chuỗi chương trình hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam. 

“Tôi muốn chứng minh với mọi người, rằng múa không phải chỉ là câu chuyện của cơ bắp, mà là câu chuyện của cái đầu, của tư duy. Vở múa thực sự đối với tôi phải cực đoan, gai góc và đầy ám ảnh, đào sâu được đến tận cùng của vấn đề, với những thân phận nghiệt ngã để mang đến những cảm nhận mới mẻ về cuộc sống rồi nhận ra cái đẹp từ gốc rễ của nỗi đau. Đã làm là phải mới mẻ và tạo hiệu ứng”, Trần Ly Ly nói.

Trần Ly Ly: Múa chảy trong máu ảnh 1 Niềm đam mê với nghệ thuật múa luôn chảy trong huyết mạch Trần Ly Ly

Còn nhớ, năm 2006, sau thời gian học tập ở nước ngoài, Trần Ly Ly về nước ra mắt bằng tác phẩm đầu tay “Một ngày” khiến công chúng không khỏi ngỡ ngàng vì sự khác biệt. Vở múa là sự pha trộn của nhiều ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại: múa, video, sắp đặt, âm nhạc, ánh sáng, những mẩu truyện 100 chữ, tất cả diễn ra trong khoảng một tiếng đồng hồ, mà hấp dẫn và mới mẻ nhất là sự hiện diện câm lặng của các manơcanh trên sân khấu tương phản với những xúc cảm phức tạp, những va chạm, sự tranh đấu nội tâm, cảm giác cô đơn, các mối quan hệ người - người... qua động tác diễn viên múa.

Hai năm sau, “Living in the box” tiếp tục gây ấn tượng khi thể hiện suy nghĩ nội tâm của nhưng người mắc bệnh nan y trong khi chiến đấu với bệnh tật. Vở “7x” (2014) nói về một thế hệ người trẻ cứ loay hoay, chật vật giữa những ngã rẽ, những sự lựa chọn. Đây là dự án múa đương đại duy nhất ở Việt Nam lúc bấy giờ được làm hoàn toàn bởi những nghệ sỹ người Việt.

“Có có không không- Lạc giới” (2016) nói về những người sinh ra không đúng giới tính thật của mình và khao khát được sống thực với bản thể… Thay vì lựa chọn dàn diễn viên được đào tạo bài bản, có tên tuổi thì Trần Ly Ly đi tìm những gương mặt mới của múa đương đại.

Không chỉ làm mới, làm lạ mà Trần Ly Ly còn kéo khán giả đến gần hơn những tác phẩm kinh điển vốn quá quen thuộc. Năm 2018, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam công chiếu vở “Kẹp hạt dẻ: Giấc mơ thần tiên”. Cả 2 đêm diễn đều “cháy vé” dù trùng với ngày đội tuyển bóng đá Việt Nam có trận cầu quan trọng để bước vào chung kết AFF Cup. Sự thành công này không phải ngẫu nhiên, khi biên đạo múa Trần Ly Ly đã “mix” hơn 100 con người, gồm 60 diễn viên và 60 nhạc công của dàn nhạc giao hưởng lên sân khấu. Với vũ kịch, việc có nhạc sống là món quà lớn nhất, mang cảm xúc cộng hưởng giữa người múa lẫn người chơi nhạc và khán giả. Điều đó mang lại thành công và tạo ra dấu ấn cho “Kẹp hạt dẻ” phiên bản Trần Ly Ly.

Bật mí kế hoạch năm nay, chị cũng cho biết nhà hát đang “chơi lớn” khi dựng lại toàn bộ vở “Hồ thiên nga” thay vì chỉ là những trích đoạn ngắn như trước đây. Và tất nhiên là cũng sẽ có cả dàn nhạc chơi “live”.

Việc Trần Ly Ly về làm Quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam được nhiều người ví von như thể mang đến “làn gió mới” cho nghệ thuật múa nước nhà. Ly nghe được, trầm ngâm: “Làn gió là gì, là thoảng qua, là không có cốt lõi”. Rồi Ly nhấn mạnh: “Tôi muốn tạo ra hệ sinh thái mới cho nghệ thuật múa ở Việt Nam”. Từ đào tạo diễn viên trẻ, ươm mầm, dạy dỗ, tạo ra một thế hệ mới với tinh thần chuyên nghiệp. Họ sẽ là nòng cốt cho nhà hát. Họ làm nên những vở múa chuyên nghiệp, để tìm đến một lớp người thưởng thức nghệ thuật chuyên nghiệp“.

Múa không phải là chuyện của cơ bắp

Bố là NGND Trần Quốc Cường, một trong những “cây đa cây đề” của ngành múa Việt Nam, còn mẹ là diễn viên múa ba lê nên con đường Trần Ly Ly đến với múa diễn biến một cách tự nhiên

18 tuổi, Ly tốt nghiệp với tấm bằng giỏi, bảng điểm đẹp. Một người bạn rủ rê thi học bổng của Úc. Nghe xong, bật cười xua tay, vì tự biết khả năng tiếng Anh chỉ đủ “hello”, “thank you”. Bạn nói “Thi đi, mất gì”. Ừ thì thi. Thế mà sau 6 tháng học tiếng, Ly đã dành được suất duy nhất cho lĩnh vực nghệ thuật của học bổng OZ (Úc). Cuộc đời cô bé có khuôn mặt cá tính Trần Ly Ly bắt đầu bước sang những trang mới.

Giọng của nữ biên đạo múa nổi tiếng nhất nhì showbiz Việt bỗng trầm xuống: “Nghề múa khổ lắm!”. Vì là “vô ngôn” nên người nghệ sĩ múa không chỉ cần tay dẻo chân mềm mà còn phải tập diễn tả cảm xúc trên gương mặt để bài múa thêm sống động. Để có một bài múa với thời lượng 3 phút, có khi diễn viên phải tập luyện cả tháng trời. Tập đến nỗi chân tứa máu, tập đến độ chân phải chống nạng, tập cả khi nước mắt đang chảy ròng ròng.

Trần Ly Ly: Múa chảy trong máu ảnh 2 Photo: .., NSƯT Trần Ly Ly vừa được tạp chí Forbes bình chọn Top 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019

Để theo đuổi nghề múa, Ly phải học từ khi lên 10 tuổi và liên tục trong vòng 8 năm đến khi tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp. “Hàng ngày, diễn viên như chúng tôi phải tuân thủ chế độ luyện tập khắc nghiệt từ 4 đến 10 giờ liên tục. Từ luyện độ dẻo của cơ bắp, gân cốt, cột trụ đến mu bàn chân, ngón chân. Không biết bao lần ứa nước mắt vì đau. Đôi chân thì càng ngày càng gân guốc và xấu đi. Chúng không mềm mại nõn nà như mọi người tưởng tượng mà đầy những vết chai, mòn, sẹo. Có những buổi sáng thức dậy, chúng tôi không thể bò ra khỏi giường và không thể đứng nổi. Để có thân hình mình hạc xương mai, chúng tôi cũng phải ăn uống với chế độ vô cùng khắc nghiệt. Hầu như nghệ sĩ múa không được ăn những đồ rán, nướng và tẩm ướp nhiều gia vị”, nữ nghệ sĩ nhớ lại.

Đến khi đã trở thành biên đạo múa, Trần Ly Ly vẫn chưa hết “tai nạn nghề nghiệp”. Năm 2016, khi tập cùng diễn viên, nữ biên đạo mải say lao lên sân khấu thị phạm và kết quả là bị đứt gân chân, phải nhập viện phẫu thuật. Thế mà hằng ngày, người ta vẫn thấy Ly miệt mài đi cà nhắc đến sân khấu tập cùng anh em diễn viên.

Nếu như với múa cổ điển, đôi khi các động tác được thực hiện, lặp lại như thói quen thì múa đương đại mà Trần Ly Ly theo đuổi hơn 20 năm qua lại đòi hỏi sự linh hoạt, sức sáng tạo và tưởng tượng không ngừng để biểu đạt được ý đồ tác phẩm. Chị kể: “Hồi mới theo học ở nước ngoài, có nhiều lần tôi đã bật khóc. Khóc vì ức tại sao mình không thể hiểu được ý của biên đạo. Có cái gì mà người ta kỳ vọng nhưng mình lại không thể biểu đạt được?”. Có lẽ chính những ngày tháng học tập miệt mài ở nước ngoài đó đã rèn luyện cho chị về chuyên môn và bản lĩnh làm nghề.

Mấy chục năm ăn ngủ với múa, xem múa như hơi thở nhưng cũng không ít lần Ly muốn bỏ nghề. Năm thứ 4 học múa, quá áp lực và mệt mỏi, Ly đã nghĩ đến việc từ bỏ để theo đuổi nghề luật sư hoặc bác sĩ. Nhưng rồi hết cuộc thi này đến liên hoan khác cứ cuốn cô gái trẻ miệt mài, cật lực suốt ngày trên sàn tập, sàn diễn. Cứ thế rồi quên mất “mưu đồ” bỏ múa lúc nào không hay.

Năm 2000, Trần Ly Ly lọt vào “mắt xanh” biên đạo múa đương đại nổi tiếng người Pháp, bà Régine Chopinot và được mời gia nhập đoàn ballet Atlantique, cùng Régine Chopinot rong ruổi nước Pháp suốt một năm. “Thời hạn một năm chấm dứt, tôi được Régine mời ở lại Pháp làm việc nhưng đã từ chối vì tôi muốn quay lại Úc hoàn tất bằng đại học về múa. Sau khi tốt nghiệp, mặc dù cơ hội ấy vẫn còn nhưng tôi vẫn quyết định về Việt Nam. Không hiểu sao lúc đó chỉ thấy thèm một bát phở và thèm được về với gia đình, thèm hít thở không khí của Hà Nội”, nữ biên đạo múa chia sẻ.

Nói về ước mơ, Trần Ly Ly luôn mong muốn có một sân khấu mà ở đó các vở múa khỏa thân được thực hiện. Bởi với chị, vẻ đẹp tối thượng là vẻ đẹp tự nhiên của cơ thể. “Bạn đừng nghĩ rằng chỉ có những cơ thể của nam thanh nữ tú với những đường cong, những cơ, những múi mới là đẹp. Tôi cho rằng bất cứ cơ thể nào cũng có vẻ đẹp riêng của nó, thậm chí cả với những cơ thể chảy xệ”, Ly nhấn mạnh.

Có thời gian dài học tập và làm việc tại nước ngoài, đến nay, bảng thành tích của Trần Ly Ly đã dày kín 2 trang A4 với các giải thưởng, học bổng, huy chương từ các hội diễn, liên hoan múa chuyên nghiệp. Không chỉ dừng lại ở một diễn viên, Trần Ly Ly còn thể hiện vai trò nữ biên đạo múa thành công, một giảng viên gắn bó, tâm huyết với múa đương đại. Bên cạnh đó, Ly còn tham dự nhiều chương trình với tư cách là chuyên gia, cố vấn nghệ thuật, đạo diễn, tổng đạo diễn cho nhiều chương trình lớn ở Việt Nam. Chị cũng đang làm nghiên cứu sinh về Nghệ thuật học.

Những người thuộc cung Bọ Cạp như Trần Ly Ly thường hội tụ đủ tính cách độc lập, mạnh mẽ và mưu cầu sự tự do. Họ thích tự đi trên con đường của mình, do chính mình tạo ra mà không dựa dẫm hay sao chép bất kỳ ai. Sáng tạo, nghĩ sâu, làm nhanh. Đó là những tố chất đưa Trần Ly Ly vào Top 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 do tạp chí Forbes vừa bình chọn mới đây. “Điểm chung của những người phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn tại Việt Nam trong danh sách năm 2019 là tinh thần dấn thân, dám nghĩ dám làm, bền bỉ, giúp họ vươn lên thành công trong lĩnh vực của mình, đồng thời xác lập và khẳng định những giá trị mới với người phụ nữ thời hiện đại”- ông Võ Quốc Khánh, Thư ký tòa soạn của Forbes Việt Nam nói. 

Đạo diễn Lê Hoàng nói về Trần Ly Ly: “Nghệ thuật Việt Nam có khá nhiều nghệ sĩ (và nửa nghệ sĩ), có khá nhiều giáo sư (và nửa giáo sư). Nhưng vừa nghệ sĩ vừa giáo sư như Trần Ly Ly thì khó vô cùng và hiếm vô cùng… Trần Ly Ly nhìn đâu cũng thấy múa. Đến mức độ một con dao hay một cái thớt muốn học ba lê hay học múa hiện đại, nàng cũng thấy bình thường. Tất cả mọi tình cảm, mọi suy nghĩ trong con người đều được Ly Ly quy ra động tác. Trong mắt nàng, mọi người đều chuyển động và nếu đứng im thì sắp sang bài múa khác mà thôi…”.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.