Tràn lan mua bán rác thải y tế nguy hại

Ngang nhiên thu gom nhựa thải y tế ngay trước cổng phụ Bệnh viện Nhi T.Ư - Ảnh: Hà An
Ngang nhiên thu gom nhựa thải y tế ngay trước cổng phụ Bệnh viện Nhi T.Ư - Ảnh: Hà An
Thay vì phải thu gom, tiêu hủy theo đúng quy định, nhưng rác thải y tế có yếu tố nguy hại ở nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn thủ đô Hà Nội vẫn được tuồn bán ra ngoài.

Sau nhiều ngày thâm nhập, đeo bám, chúng tôi không khỏi giật mình khi tận mắt chứng kiến cảnh tượng rác thải y tế nguy hại (RTYTNH) chưa hề qua xử lý được tuồn bán ra ngoài cho các cơ sở thu gom rác thải trôi nổi trên thị trường. Loại rác này gồm bơm tiêm, dây truyền dịch, ống thở và găng tay cao su, chai lọ đựng thuốc… được các đầu nậu tái chế nhựa thu mua, đem về xay nhỏ rồi bán lại cho những cơ sở sản xuất nhựa khác trên khắp tỉnh thành trong cả nước.

Bơm tiêm dính máu giá 12.000 đồng/kg

Trên địa bàn Hà Nội, khu vực tập kết rác thải y tế của Bệnh viện (BV) Quân đội 108 có vị trí biệt lập, đặt khá xa với các khu điều trị, phòng ban chức năng. Do vậy, toàn bộ quá trình phân loại, “xử lý” RTYTNH chỉ có các nhân viên tạp vụ, vệ sinh biết với nhau.

Ông H. thuê nhân viên thu gom trong bệnh viện hàng triệu đồng mỗi chuyến, ngoài ra ông này lại thuê cả người bốc lên xe và trả cho họ 100.000 đồng/chuyến. Còn giá bán nhựa là 16.000 đồng/kg, bao gồm cả bơm kim tiêm và chai truyền

T., một nhân viên thu dọn rác tại BV Nhi T.Ư 

Trong vai một chủ cơ sở đi thu gom rác thải y tế, chúng tôi được một số nhân viên BV Quân đội 108 chỉ gặp chị N. Họ còn nhiệt tình cho cả số ĐTDĐ, chỉ đường tới nơi chị N. làm. Đó là khu tập kết rác thải y tế của BV. Khi chúng tôi tới, chị N. cùng vài nhân viên tạp vụ, vệ sinh khác đang khẩn trương phân loại rác thải y tế. Biết rõ ý định của tôi, chị N. thản nhiên cho biết: “Mối của tôi thì đã có người thu mua rồi. Họ thu mua từ nhiều năm nay nên tôi cũng không nỡ ngắt cầu, nhưng nếu trả giá được cao hơn thì tôi có thể để lại cho anh hoặc giới thiệu các mối thu gom khác”. Được biết, chị N. bán vỏ nhựa chai truyền dịch với giá 15.000 đồng/kg, bơm tiêm có giá 12.000 đồng/kg, dây truyền dịch và ống thở có giá từ 6.000 - 8.000 đồng/kg.

Bà H., một đầu mối thu gom khác, cho hay hiện ở BV Quân đội 108 có không dưới 5 đầu mối chuyên thu gom dây truyền, ống thở và bơm tiêm từ các khoa. “Theo tôi được biết thì viện có hợp đồng thu gom, xử lý rác thải y tế với một công ty nào đó ở Hải Dương và một tuần công ty này thu gom làm hai lần. Tuy nhiên, công ty này chỉ thu gom phần rác thải y tế thông thường là chai truyền dịch. Nên gần như toàn bộ phần bơm tiêm, dây truyền, ống thở, chai lọ đựng thuốc thủy tinh… là các mối chia nhau thu gom. Ngày đông bệnh nhân chúng tôi thu gom được hàng chục cân bơm tiêm và ống thở, dây truyền”, bà H. tiết lộ. Qua tìm hiểu, số đầu mối thu gom này đều có “tay trong” làm lao công, vệ sinh tại các khoa trong BV. Chính vì vậy mà dây truyền, ống thở vừa dùng xong còn dính nguyên dịch, bơm tiêm còn đọng máu đỏ… đã được họ thu gom, phân loại thật gọn gàng trước khi đưa khỏi BV.

Tương tự, trong nhiều ngày thâm nhập, chúng tôi còn phát hiện tình trạng thu gom, buôn bán RTYTNH ra ngoài tại các BV K, Phụ sản T.Ư, Phụ sản Hà Nội, Đa khoa Hà Đông, GTVT… rồi cả một loạt các phòng khám tư nằm trên đường Giải Phóng. Như tại BV K, số lần đi thu gom rác từ 3 - 4 lần/ngày, vào khoảng 8 - 9 giờ và 16 giờ. Sau khi thu gom tại các phòng bệnh, các chai truyền, ống thở, bơm tiêm được tập trung tại chân cầu thang nhà D và được phân loại ngay tại đây. Số khác được phân loại tại cửa vào khu vệ sinh, cũng là lối đi ra khu tập kết rác. Rác y tế tại BV K được mặc định chia làm 2 loại. Loại không thể bán thành tiền, gồm bông gạc dính máu mủ, kim tiêm sắc nhọn sẽ được chất trong những thùng màu cam ở kho “chất thải nguy hại” và được thu gom, xử lý bởi Xí nghiệp Urenco 10 (Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội). Còn loại bán được tiền gồm chai lọ thủy tinh, bơm tiêm, ống thở, dây truyền… vốn là RTYTNH lại được cất riêng.

Cũng qua tìm hiểu, gần như toàn bộ lượng RTYTNH tại BV K, BV Phụ sản T.Ư đều được các chủ cơ sở tại Hưng Yên và Hải Dương thu mua về tái chế nhựa.

Tràn lan mua bán rác thải y tế nguy hại ảnh 1 Thu gom rác thải y tế nguy hại tại Bệnh viện Quân đội 108 - Ảnh: Hà An

Có hay không sự tiếp tay

Là một trong những BV đứng đầu bảng về lượng rác thải ra mỗi ngày, do vậy chẳng có gì ngạc nhiên khi con số RTYTNH của BV Nhi T.Ư được tuồn ra ngoài, bán cho chủ cơ sở quê ở Hưng Yên, lên tới hàng tạ trong một tuần. Tuy nhiên, khác với BV Quân đội 108, Phụ sản hay K…, việc thu gom RTYTNH ở BV Nhi T.Ư diễn ra một cách bài bản và khó bị phát hiện.

Theo đó, có từ 3 - 4 nhân viên chuyên đi thu gom rác thải y tế từ các khoa, sau đó kéo về kho tập kết được phân chia thành nhiều khu, nằm tách biệt phía cuối viện. Rác sau khi được tập kết về kho sẽ có 2 người chuyên làm nhiệm vụ phân loại. Những chai truyền nhựa, bơm tiêm, ống thở, dây truyền… được tách riêng, đóng túi ni lông, trước khi bỏ vào khu nhà có biển đề “Rác thải y tế nguy hại” và được khóa cẩn thận. Một nhân viên thu dọn rác tại BV Nhi, tên T. cho biết: “Ở đây có cửa thu gom rồi. Trước đây có đợt bọn tôi cũng đi bán nhưng không đáng bao nhiêu và phải bán trộm, không để người của Khoa Nhiễm khuẩn phát hiện. Bây giờ bên Khoa Nhiễm khuẩn người ta quản lý hết. Những bơm tiêm, chai nhựa, ống thở, dây truyền… người ta thu hết về kho rồi có người chuyên chọn riêng ra, đến khi đủ một chuyến ô tô thì họ mới gọi điện để chủ cơ sở tái chế nhựa điều xe tới chở hàng về”.

Nhân viên tên T. này tiết lộ thêm: Những người tham gia thu gom RTYTNH tại đây đều có mối quan hệ thân tín với một người đàn ông tên H. làm việc tại Khoa Nhiễm khuẩn của BV Nhi. Và cũng chính người này làm quản lý việc thu gom cũng như bán cho các chủ cơ sở thu mua nhựa về tái chế. “Ông H. thuê nhân viên thu gom trong bệnh viện hàng triệu đồng mỗi chuyến, ngoài ra ông này lại thuê cả người bốc lên xe và trả cho họ 100.000 đồng/chuyến. Còn giá bán nhựa là 16.000 đồng/kg, bao gồm cả bơm kim tiêm và chai truyền”, T. tiết lộ.

Trong khi đó, ngay phía ngoài cổng phụ của BV này, trên hai chiếc xe cải tiến là những bao tải cáu bẩn chứa đầy bơm tiêm, dây thở, ống truyền… được bán cho các cơ sở nhỏ lẻ bên ngoài. Qua tìm hiểu, các chủ cơ sở thu mua này đều là người làng nghề tái chế nhựa Triều Khúc (xã Tân Triều, H.Thanh Trì, TP.Hà Nội) nổi tiếng đất bắc. Và cứ khoảng hai ngày họ lại tới khu vực BV Nhi thu gom nhựa một lần.

Chỉ thu gom được thứ không bán thành tiền

Trên giấy tờ, một loạt các phòng khám, BV kể trên đều ký kết hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý RTYTNH với Xí nghiệp Urenco 10. Tuy nhiên, trên thực tế phía Urenco 10 chỉ thu gom được những phần còn lại của RTYTNH mà “không thể bán được thành tiền”. Đó là kim tiêm bằng sắt, bông băng dính máu, dịch hay các mẫu bệnh phẩm. “Theo hợp đồng thì phía đơn vị chúng tôi đặt thùng thu gom RTYTNH tại nhà kho của các BV, trong khi đó chìa khóa cửa họ giữ. Do vậy việc thu gom, phân loại RTYTNH ra làm sao, chúng tôi cũng không được biết. Và khi xe thùng tới vận chuyển, phía BV giao như thế nào thì người của tôi nhận như thế”, Giám đốc Xí nghiệp Urenco 10 Ngô Xuân Hiếu cho biết.

Vẫn theo ông Hiếu, xí nghiệp của ông gần như chẳng bao giờ thu gom được các loại bơm tiêm, dây truyền, ống thở… từ những phòng khám, BV mà phía Urenco 10 đã ký kết hợp đồng xử lý. “Trên thực tế, bơm tiêm, dây truyền, ống thở đều được làm từ chất liệu nhựa tốt. Do vậy, dù biết bị cấm nhưng các chủ cơ sở tại làng nghề Triều Khúc và làng Khoai ở thị trấn Như Quỳnh, H.Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, vẫn tìm đủ mọi cách để thu gom các loại RTYTNH kể trên, về tái chế thành nhiều sản phẩm nhựa”, ông Hiếu tiết lộ.

Theo Hà An - Hạnh Hương

Theo Thanh Niên
MỚI - NÓNG
Xôn xao suất ăn cho học sinh tiểu học
Xôn xao suất ăn cho học sinh tiểu học
TP - Phụ huynh có con theo học khối Tiểu học tại Trường Phổ thông liên cấp Albert Einstein (phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) đăng tải hình ảnh suất ăn trưa tại trường chỉ có cơm trắng, vài miếng đậu phụ nhồi thịt, 2 miếng bắp luộc và ít canh. Đại diện nhà trường thừa nhận suất ăn chưa đảm bảo cả về chất lượng và hình thức.