Trần Đăng Khoa: Muốn làm quan thì phải thi tuyển

Trần Đăng Khoa: Muốn làm quan thì phải thi tuyển
Chúng ta sẽ chọn lựa được những cán bộ thực sự có tài và loại bỏ được những người không còn đủ năng lực và phẩm chất.

Trần Đăng Khoa: Muốn làm quan thì phải thi tuyển

> Trần Đăng Khoa: Đã làm thơ bái biệt

> Hà Nội 'nói không' với tại chức, dân lập

Chúng ta sẽ chọn lựa được những cán bộ thực sự có tài và loại bỏ được những người không còn đủ năng lực và phẩm chất.

Trần Đăng Khoa: Muốn làm quan thì phải thi tuyển ảnh 1
Ảnh: minh họa
 

Trong những ngày đầu năm mới 2013, đã có ngay một tín hiệu vui. Tín hiệu vui ấy là cuộc thi tuyển lãnh đạo vừa diễn ra mới đây ở tỉnh Quảng Ninh. Tất nhiên, Quảng Ninh không phải là tỉnh đầu tiên đưa ra mô hình đề bạt cán bộ theo phương thức thi tuyển.

Trước Quảng Ninh, Đà Nẵng cũng đã dùng phương thức thi tuyển này trước khi đề bạt cán bộ và rất hiệu quả. Cùng với việc tuyển thi, những người có học vị cao, có khả năng đích thực cũng đã được Đà Nẵng mở cửa đón nhận và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để họ sống và làm việc, như cấp nhà ở, tạo công ăn việc làm cho cả vợ con, hoặc chồng con. Đó là phương thức rất hay nhằm thu hút người tài. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên ở khu vực phía Bắc đề bạt cán bộ bằng thi tuyển. Cách làm lại rất bài bản.

Theo bà Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, trao đổi với các phóng viên báo chí, một số vị trí lãnh đạo ở các Sở, Ban, Ngành của tỉnh sắp tới cũng sẽ được thí điểm thi tuyển. Đến năm 2015, tất cả các chức vụ được bổ nhiệm tại Quảng Ninh đều qua thi tuyển. Và điều hay nhất, có lẽ là một đóng góp mới của Quảng Ninh trong việc nâng cao chất lượng cán bộ, là không phải người đã thi đỗ rồi, được bổ nhiệm rồi là có thể cứ yên tâm ngồi ghế lãnh đạo trong suốt cả nhiệm kỳ 5 năm.

Hằng năm, các cấp có thẩm quyền bổ nhiệm sẽ lấy phiếu tín nhiệm, đánh giá cán bộ. Nếu không đạt yêu cầu thì vẫn xem xét lại. Tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để những người được đề bạt thực hiện các đề án đã trình bày trước Hội đồng tuyển chọn và lấy chính những cam kết của ứng viên trúng tuyển để giám sát. Và như vậy, việc đề bạt cán bộ có năng lực, hay cách chức cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ sẽ trở nên bình thường. Bằng cách làm rất mới này, nhất định chúng ta sẽ chọn lựa được những cán bộ thực sự có tài và loại bỏ được những người không còn đủ năng lực và phẩm chất.

Cũng theo bà Đỗ Thị Hoàng, Hội đồng Chấm thi và Sát hạch là Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong Ban Thường vụ, mỗi người phụ trách một mảng khác nhau, để có được những đánh giá chuẩn xác, trước khi tổ chức thi, từng thành viên của Hội đồng cũng phải nghiên cứu, tìm hiểu và bổ sung thêm kiến thức về các lĩnh vực thi tuyển. Và rồi, chính các bài thi của các ứng viên cũng bổ sung lại kiến thức cho các đồng chí trong Ban Thường vụ.

Thí sinh không chỉ trình bày đề án, mà còn phải trả lời những câu hỏi không hề đơn giản và xử lý các tình huống mà Hội đồng tuyển chọn đưa ra. Sau đó mới lấy điểm trung bình của từng thành viên trong Hội đồng cộng lại. Ai có số điểm cao nhất sẽ trúng tuyển. Trong quá trình chấm thi, để tránh thiên vị, Hội đồng có quy định, nếu một giám khảo nào chấm điểm có dấu hiệu thiên vị, không khách quan thì điểm ấy bị loại. Nếu số điểm của thành viên nào chênh 20%, tương đương 20 điểm trong tổng điểm 100, cũng sẽ bị loại khỏi hội đồng chấm. Bảng điểm phải ký rõ họ tên. Người chấm phải chịu trách nhiệm về sự đánh giá của mình.

Về các ứng viên tham gia dự thi, cũng có những điều rất mới. Theo bà Đỗ Thị Hoàng, Hội đồng tuyển chọn không phân biệt người trong Đảng hay ngoài Đảng, người trong tỉnh hay ngoài tỉnh, cũng không phân biệt bằng cấp loại gì, miễn là có trình độ từ Đại học trở lên, kể cả học tại chức, liên thông cũng đều được.

Thực tế trong đợt thi tuyển vừa rồi, người trúng tuyển chỉ có bằng Đại học tại chức. Và như thế, với Hội đồng tuyển chọn, bằng cấp chỉ là điều kiện vừa và đủ để xét chọn chứ không phải là yếu tố quyết định. Bởi trong thực tiễn, nhiều người có bằng cấp rất cao nhưng thực lực lại yếu kém. Nạn mua bằng, học hộ đã từng xảy ra trong giới công chức. Có người giả mà bằng thật. Có người thật mà bằng giả. Vì thế, mọi bằng cấp chỉ có giá trị như một điều kiện để xem xét.

Quan trọng nhất, mang yếu tố quyết định vẫn là thực lực tài năng, trình độ và khả năng xử lý của từng ứng viên qua cọ xát với Hội đồng tuyển chọn và sau đó là sự cọ xát với thực tiễn đời sống. Bằng việc làm rất mới mẻ này, chúng ta tin Quảng Ninh sẽ thu hút được hiền tài của cả nước.

Lãnh đạo tỉnh cũng rất có lý khi cho rằng, có những địa phương thu hút người tài bằng chính sách hỗ trợ thêm tiền. Nhưng tiền cũng không quan trọng bằng việc tạo điều kiện cho các bạn trẻ có trình độ, trí tuệ, nhiệt huyết, khát khao, một môi trường làm việc tốt để họ được cống hiến. Việc thi tuyển công khai minh bạch, công tâm sẽ là điều kiện tốt để người tài thực sự tìm về với Quảng Ninh.

Đó là một ý tưởng hay, một cách làm rất hay. Và sẽ còn hay hơn nữa, hoàn thiện hơn nữa, nếu Hội đồng tuyển chọn được mở rộng thêm. Ngoài các đồng chí trong ban Thường vụ, tỉnh có thể mời thêm những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực mình tuyển chọn để cùng tham gia thẩm định. Và hơn nữa, cuộc thi tuyển chọn cán bộ nên tường thuật trực tiếp trên các kênh phát thanh và truyền hình để cho toàn dân biết. Như vậy, ngoài các cơ quan chức năng còn có sự giám sát của đông đảo nhân dân.

Sự minh bạch trong cách làm mới sẽ càng được quảng bá rộng rãi. Người dân sẽ tin hơn vào các cấp chính quyền. Sẽ bớt đi những chuyện ì xèo không cần thiết, cả sự nghi ngờ việc thi cử chỉ là những hình thức nhằm công khai hóa, hợp thức hóa sự lựa chọn của một người, hay một nhóm người vì lợi ích nhóm đã được chuẩn bị trước.

Trong công tác cán bộ, chúng ta đã từng nếm trải những bài học cay đắng. Có người vừa được đề bạt ở vị trí rất cao đã phải ra tòa vì mất phẩm chất hay làm thất thoát của nhà nước hàng ngàn tỉ đồng. Khi bị chất vấn, có những đồng chí lãnh đạo ở vị trí khá cao vẫn khẳng định trước công chúng rằng, việc cất nhắc, đề bạt anh ta không có gì sai cả. Bởi khi đề bạt, Thanh tra đã có kết luận gì đâu (!).

Một lối biện hộ thật lạ kỳ. Làm một người lãnh đạo thì phải thấu đáo, biết rõ tường tận đến từng chân tơ kẽ tóc những cán bộ mình quản lý, chứ khi Thanh tra hay Tòa án đã kết luận rồi, thì còn có điều gì để nói nữa đây? Kỳ lạ hơn, có ông lại còn biện luận rằng, cũng có biết anh ta có những chuyện lình sình, mất đoàn kết nội bộ, nhưng để “cứu” đơn vị ấy, ông mới phải chuyển anh ta sang làm thủ trưởng đơn vị khác.

Có lẽ chỉ ở ta mới có chuyện ngược đời như thế. Nếu đã biết cán bộ không đủ khả năng và phẩm chất, thì phải loại khỏi đội ngũ lãnh đạo, chứ sao lại còn đề bạt ở những vị trí mới? Tương tự như vậy, trong công tác cán bộ, cũng đã từng có vị quản lý có khuyết điểm, nhưng lại được xử lý bằng cách chuyển ngang, hoặc “đá” hất lên một vị trí cao hơn.

Việc đề bạt cán bộ của ta qua một số vụ việc nổi cộm, khiến người dân vô tư nhất cũng phải nghi ngờ. Hình như chúng ta không lựa chọn cán bộ theo tiêu chí Tài, Đức, mà chỉ tìm những người “hợp cạ”, theo một lợi ích nhóm nào đó. Để thoát ra khỏi hiện trạng này, cần phải minh bạch hóa khâu tuyển chọn, đề bạt. Cần có tầm nhìn rộng, nhìn xa thoát ra khỏi tư duy nhiệm kỳ trong việc quy hoạch cán bộ. Khi đề bạt, cũng nên đưa ra nhiều ứng viên để bầu chọn. Tránh việc đề bạt một người, chỉ đưa ra một người để bầu như trước đây. Như thế, việc bầu chọn chỉ là hình thức.

Những người được bầu, không thể chỉ căn cứ theo mấy dòng tiểu sử sơ lược, khiến cho những người đi bầu luôn ở trong tình trạng lơ mơ, không biết thấu đáo người mình lựa chọn. Dù ủng hộ hay loại bỏ cũng đều vô trách nhiệm. Cần có cuộc đối thoại cởi mở giữa người được bầu chọn với đông đảo dân chúng để nhân dân và các cơ quan chức năng thấu hiểu tường tận.

Nếu Bộ trưởng hay ở cấp cao hơn thì cần có cuộc tiếp xúc rộng rãi trên các kênh truyền thông. Người được tuyển chọn phải đưa ra chương trình hoạt động trong cả khóa của mình. Cũng nên tổng kết xem khóa trước người tiền nhiệm đã làm được những gì. Ngành mình phụ trách hiện nay ra sao? Nó như thế nào nếu so với các nước trong khu vực hay trên thế giới. Rồi đến nhiệm kỳ mình, mình sẽ làm gì trong cả khóa? Rồi cụ thể hơn nữa là công việc trong từng năm? Cần minh bạch như thế cho dân biết. Rồi cũng lấy đó làm tiêu chí để bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ.

Nếu ai không đủ quá bán số phiếu tín nhiệm, hay những người đã quá mất uy tín, thành chuyện đàm tiếu trong dân thì cũng nên rời ngay khỏi chức vụ để người khác lên thay. Chỉ có minh bạch hóa như thế, chúng ta mới hy vọng thoát ra khỏi sự trì trệ, củng cố được niềm tin của dân và sử dụng được những người thực sự có tài. Và điều còn quan trọng hơn là khôi phục được niềm tin của dân đối với Đảng.

Việc làm của tỉnh Quảng Ninh là một sáng kiến hay. Sáng kiến này cũng đã được thử thách qua thực tiễn ở Đà Nẵng và có thể mở rộng ra toàn quốc, không chỉ dừng lại hay quẩn quanh trong việc thi tuyển chọn cán bộ cấp Vụ, mà cần nới ra ở những cấp cao hơn. Được biết, đến quý II năm 2013 này, Hà Nội cũng sẽ thi tuyển lãnh đạo như vậy. Chỉ có làm thế, chúng ta mới có được một đội ngũ cán bộ trong sạch, vừa có tâm lại vừa có tài, đủ sức đưa đất nước vượt qua cơn bĩ cực, để hòa nhập với khu vực và thế giới!

Theo Trần Đăng Khoa
VOV

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Ba tân Phó giáo sư 9X gồm: Nguyễn Hoàng Chung, Vũ Thu Trang và Trần Ngọc Mai (từ trái qua phải)
Chân dung các tân phó giáo sư 9X
TPO - Ngoài tân phó giáo sư (PGS) trẻ nhất năm 2024 Trần Ngọc Mai (sinh năm 1991, Hà Nam), còn 3 ứng viên khác trở thành PGS trẻ thuộc thế hệ 9X gồm: PGS Nguyễn Hoàng Chung (1990, Bình Định), công tác tại Trường ĐH Thủ Dầu Một; PGS Nguyễn Thị Hoa Hồng (1990, Hà Nam), công tác tại Trường ĐH Ngoại thương; PGS Vũ Thu Trang (1990, Hải Phòng), công tác Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Người Hà Nội chen chúc đi mua vàng
Người Hà Nội chen chúc đi mua vàng
TPO - Sáng 8/11, giá vàng trong nước đảo chiều tăng từ 1-1,8 triệu đồng/lượng. Trái ngược với hôm qua khi người dân ồ ạt bán ra, hôm nay nhiều người lại xếp hàng để mua, một số tiệm vàng phải treo biển thông báo hết hàng hoặc tạm ngừng bán.