Ngày trở về nhà sau thành công ở kỳ thi Olympic toán quốc tế 2014 tại Nam Phi, Phạm Tuấn Huy lại tiếp tục hành trang để tháng 9 tới sang Mỹ nhập học ĐH Stanford.
Trong lịch sử dự thi Olympic toán quốc tế (IMO) của Việt Nam, Phạm Tuấn Huy là người thứ sáu đoạt hai huy chương vàng. Huy còn là học sinh miền Nam đầu tiên tham dự hai kỳ thi IMO liên tiếp. Huy nói: “Năm ngoái, em được 33 điểm, năm nay chỉ được 32. Trong hai ngày thi, em có nhiều sơ suất, nên kết quả cuối cùng chưa phải là tốt nhất”.
Khi được báo giới so sánh “giống” Ngô Bảo Châu bởi thành tích hai lần đoạt huy chương vàng IMO liên tiếp, Huy nhíu mày: “Không thể nào có một cái so sánh như thế được!”. Rồi Huy tiếp tục giải thích sau một thoáng ngập ngừng: “Với em, khi bước vào một kỳ thi thì đó chỉ đơn thuần bước vào một trải nghiệm, một cuộc thử sức. Em hoàn toàn không nghĩ rằng kết quả đó có bằng ai, hay mình có giống được ai hay không”.
Với thành tích huy chương vàng IMO năm 2013, Huy không phải dự thi kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2013 - 2014. Đây là một thuận lợi để Huy tập trung thời gian cho việc học tiếng Anh và tham dự các kỳ thi chuẩn hoá để làm hồ sơ xin học bổng học đại học ở Mỹ. Dù được ĐH Stanford đồng ý cấp học bổng toàn phần suốt bốn năm học đại học, nhưng Huy vẫn quyết định “khăn gói” lên đường ra Hà Nội dự lớp tập huấn để thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi toán quốc tế.
Huy chia sẻ: “Em muốn dự kỳ thi IMO thêm một lần nữa không phải để lấy thành tích. Động lực mà em tham gia thi là để được thử sức mình qua những bài toán; để được gặp nhiều bạn mới, đặc biệt là các bạn trong đội tuyển năm nay. Trong quá trình tập huấn ở Hà Nội, em học tập được rất nhiều điều để cải thiện khả năng và kiến thức của mình. Tất cả những cái đó khiến em cảm thấy những gì mình có được quý giá hơn là tấm huy chương”.
Thi không chỉ để lấy thành tích và việc xem thành tích không phải là dấu chấm hết cho một hành trình học hỏi của Huy là điều mà nhiều thầy giáo ở Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐH Quốc gia TPHCM tự hào về Huy. TS Trần Nam Dũng, Khoa Toán Tin, ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM, nhận xét: “Huy sẽ tiếp tục tiến xa nếu giữ được tinh thần học tập như vậy”.
Muốn mẹ được tự hào về mình
Huy là con út trong gia đình có hai chị em. Hoàn cảnh của em khá đặc biệt. Bố mẹ chia tay, Huy ở với bố và bà nội. “Em không nghĩ đó là điều cản trở việc học hành của mình, thậm chí nó còn là động lực để em cố gắng, để mẹ có thể tự hào về con mình, dù mẹ không luôn ở bên cạnh em”, Huy tâm sự. Bố mẹ Huy là những giáo viên dạy thể dục và âm nhạc, nên họ đều có chung định hướng để Huy phát triển toàn diện, đồng thời được tự do lựa chọn con đường học hành. Nhờ thế mà áp lực từ phía gia đình hầu như không có đối với Huy mỗi khi em bước chân vào các cuộc thi.
Năng khiếu toán học của Huy được đánh thức khi em bắt đầu học lớp 6 ở Trường THCS Trần Đại Nghĩa, bắt đầu từ những giờ học toán của cô Phượng. Về sau, sự khích lệ của các thầy cô giáo trực tiếp dạy Huy khiến em tiếp tục tìm được nhiều niềm vui, được sáng tạo, được phát hiện khả năng của bản thân mỗi khi làm toán. Việc thi vào Trường Phổ thông Năng khiếu là một lựa chọn hơi có chút cảm tính (vì thấy nhiều người quen thi vào), nhưng lại thành điều may mắn khi ở đó Huy gặp nhiều thầy giỏi, tận tâm.
“Em học mà không đặt vấn đề mình phải ở mức độ nào trên phương diện trình độ. Em chỉ theo đuổi toán như một đam mê, một niềm vui. Khi học thì cái cần tôn trọng nhiều nhất là sự sáng tạo và hình ảnh chính bản thân mình trong việc học đó. Khi hiểu được bản thân mình trong việc học thì mọi người sẽ hoạch định được phương hướng và tự cảm thấy niềm vui, sự đam mê khi học. Đó là động lực cho mình ngày càng học tốt hơn, tìm hiểu được nhiều hơn, không cảm thấy chán nản”.
Phạm Tuấn Huy
“Nỗ lực của bản thân rất quan trọng, nhưng khi học với các thầy, điều tốt nhất mà em có là sự định hướng. Các thầy không chỉ định hướng cho em trong việc thi cử mà còn định hướng cho các dự định trong tương lai, trong cách suy nghĩ nói chung”, Huy cho biết.
Em từng theo học đàn piano suốt 6 năm liền tại Nhạc viện TPHCM, giành một số giải thưởng trong các cuộc thi hát. “Con đường âm nhạc” của Huy tạm ngừng năm em vào học lớp 10, khi mà lịch học các môn văn hoá chiếm hầu hết thời gian của Huy. Nhưng Huy vẫn duy trì việc luyện đàn, dù không thật thường xuyên.
“Chơi piano là một hình thức vừa giúp em giải trí sau những giờ học căng thẳng, vừa giúp em có những suy nghĩ lãng mạn và sự sáng tạo có khả năng bay xa hơn”, Huy nói.
Khi được hỏi sang Mỹ rồi có trở về, Huy khẳng định: “Em chưa thể có những kế hoạch quá cụ thể cho tương lai xa. Nhưng quan điểm sống của em là cống hiến”.