Trái đất bao giờ sạch thế này chưa?

TP - Rốt cuộc, sau mấy tuần “cách ly xã hội”, ở nhà, sống tối giản, ta mới nhận ra rằng nhu cầu của mình cũng chẳng nhiều nhặn gì. Ít lang thang ngoài đường, không la cà quán xá, hạn chế tối đa mua sắm, bớt họp hành, mọi thứ bỗng trở nên nhẹ nhõm hẳn.

Dịch bệnh khốc liệt lại chính là cơ hội để trái đất nghỉ ngơi, và giúp con người lấy lại khả năng nghĩ ngợi.  

Lần đầu tiên sau 30 năm, giữa đại dịch Vũ Hán người dân bang Punjab Ấn Độ mới có thể nhìn thấy lại đỉnh núi Himalaya tuyết phủ sát bên cạnh mình. Đến như dãy núi được coi là cao nhất hành tinh cũng nằm ngoài tầm nhìn của con người dù ở cách đó không xa. Bởi ô nhiễm khói bụi, bởi hơi hám và những hệ lụy mà đám đông thải ra. Đủ hiểu rằng chỉ trong vòng 30 năm, trái đất có hơn 4 tỷ năm tuổi này bị cưỡng bức, bị hủy hoại đến mức nào!

Bầu trời Hà Nội những ngày cách ly đại dịch này trở nên quang đãng, mọi chỉ số ô nhiễm “khủng” trước đó không lâu dường như biến mất. Từng bầy cá heo tung tăng đùa giỡn trên vịnh Nha Trang, điều chỉ xảy ra khi những đám đông khổng lồ và ồn ào đã nấp hết ở nhà trốn dịch.

Sau đại dịch “Cái chết đen” từng giết chết một nửa dân số châu Âu và một phần loài người khắp thế giới ở thế kỷ XIV, các nhà khoa học đã đúc kết được, rằng tuổi thọ con người sau đó tăng lên đáng kể với hệ miễn dịch mạnh mẽ hơn nhiều. Nhưng điều quan trọng hơn, con vi khuẩn dịch hạch “Cái chết đen” tạo cú huých đẩy loài người mau chóng bước những bước cuối cùng khỏi đêm trường Trung cổ, để mở ra một thời đại Phục hưng huy hoàng của chủ nghĩa nhân văn…

“Thực tế là thế giới sẽ không bao giờ còn như cũ sau đại dịch COVID-19”, không chỉ ngoại trưởng kỳ cựu của Mỹ gốc Do Thái Henry Kissinger nhận thấy điều đó, trong những ngày lịch sử này.

Thế giới cũ ấy là gì? Là toàn cầu hóa và vòng quay điên cuồng của xã hội tiêu dùng (bầu sữa sản sinh ra biết bao khối lợi nhuận khổng lồ) đã kích hoạt và tạo ra nhu cầu cũng điên cuồng của con người, từ mua sắm, tiêu dùng, xe cộ, đi lại, hưởng thụ ngoài nhu cầu thực sự? Từ mỗi cá nhân chen nhau mua vét từng lô đất mà sẽ chẳng bao giờ để ở, cho đến những đại gia tìm cách sở hữu hàng ngàn, hàng chục ngàn héc ta rừng, biển, đất đai công thổ thông qua mỗi siêu dự án?

Trước cảnh tượng thế giới hàng ngàn người đang chết vì dịch COVID-19 mỗi ngày mà không kịp chôn, thiếu đất để chôn, thiếu lò để thiêu xác, thì hình dung lại những chùa chiền, những đền, điện bóng bẩy sáng choang, khổng lồ “nhất nhì thế giới” thật mong manh và vô nghĩa, thật lạnh lẽo và vô hồn.

Trái đất cả thế kỷ qua có lẽ chưa bao giờ có được bầu không khí trong lành như những ngày này. Khi virus corona đủ sức khiến con người phải chùn tay, tạm hoãn mọi tham vọng.

Nhưng liệu thứ virus chết chóc ấy có lặp lại được lịch sử hơn 700 năm trước, là cú huých giúp mở ra một thời đại ấm áp và nhân văn hơn?

Chưa chắc! Bởi có lẽ tiện nghi cùng khoái lạc hưởng thụ bằng mọi giá đã gần như trở thành một thứ chủ nghĩa, đã lậm sâu vào căn cốt con người hiện đại.

Nhưng dù sao vẫn hy vọng về bước quá độ bất khả kháng của loài người, giữa thời khắc lịch sử này. 

MỚI - NÓNG