Dự án BOT xong gần 1 năm không được thu phí:

Trái đắng BOT, bộ ngành dùng dằng không quyết

Ngày 26/10, Báo Tiền Phong có “Dự án BOT xong gần 1 năm không được thu phí” phản ánh về những ách tắc tại dự án BOT Thái Nguyên – Chợ Mới. Bộ GTVT và tỉnh Thái Nguyên đã họp bàn nhưng sự việc chưa có lối ra. Bên cạnh sự phản ứng gay gắt của người dân về BOT, sự chán nản của giới đầu tư BOT cũng ngày một nặng nề hơn với sự chậm trễ của cơ quan chức năng.

Trong xu thế người dân phản ứng về các trạm thu phí, dự án BOT Thái Nguyên – Chợ Mới cũng chịu chung hoàn cảnh. Như Tiền phong phản ánh, dù chưa tiến hành thu phí nhưng thỉ thoảng, một số đoàn xe của người dân địa phương, và nhiều nhất là các đoàn xe mang biển số Hà Nội trưng biển phản đối trạm thu phí. 

Như một số dự án khác, sự phức tạp của dự án này là làm đường mới (Thái Nguyên – Chợ Mới) và nâng cấp một phần QL 3 (25 km qua huyện Phú Lương – Thái Nguyên) và thu phí cả hai tuyến để đảm bảo khả năng thu hồi vốn. Cái nữa, vị trí trạm thu phí trên QL 3 được dùng để xây dựng phương án thu hồi vốn được định gần thành phố Thái Nguyên nên dễ gây bức xúc.

Tuy nhiên, dự án gần 2.700 tỷ đồng này đã hoàn thành và không thể xúc bỏ; vấn đề là cần tìm hướng giải quyết. Sau hơn chục cuộc họp không đi đến thống nhất, nhà đầu tư (Liên danh Cienco 4 – Tuấn Lộc – Trường Lộc) buộc phải kêu cứu Thủ tướng để được thu phí vì phải trả tiền lãi 16 tỷ đồng/tháng, tiền vận hành bảo trì tuyến 700 triệu đồng/tháng. Sau đó, Văn phòng Chính phủ chuyển nội dung đề nghị Bộ GTVT.

Ngày 25/10 vừa qua, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Văn Công đã chủ trì cuộc họp với tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn và nhà đầu tư. Tuy nhiên, cuộc họp chưa đi đến thống nhất.

Sau đó, liên danh này tiếp tục gửi văn bản báo cáo, “khẩn cầu” để được Bộ GTVT ra quyết định cho thu phí. Trong văn bản này, nhà đầu tư tường trình lại toàn bộ quá trình được kêu gọi và thực hiện dự án.

Trong đó, nhà đầu tư dẫn các văn bản cho thấy Bộ GTVT, Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận vị trí thu phí trên QL 3 tại xã Sơn Cẩm, huyện Phú Lương. Do gần Thành phố Thái Nguyên, gần khu đông dân cư, chợ và trường học, nhà đầu tư thống nhất với tỉnh Thái Nguyên dời trạm cách vị trí cũ 2 km vế phía Bắc Kạn.

Ngoài ra, trong báo cáo, nhà đầu tư cũng đã chấp thuận phương án giảm giá của tỉnh Thái Nguyên. Cụ thể, phương án đưa ra 3 phân vùng: Cách trạm thu phí 10 km, từ 10-20 km và hơn 20 km (thuộc địa bàn tỉnh Thái Nguyên). Các chủ xe trong phân vùng tuỳ theo loại phương tiện được miễn giảm từ 50- 100% mức phí. Đây là mức giảm giá lớn chưa từng thấy tại bất cứ trạm thu phí BOT nào trên toàn quốc.

Ngoài ra, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị nhà đầu tư, Bộ GTVT đưa vào hợp đồng BOT hạng mục cải tạo QL 37. Điều kiện này, nhà đầu tư cũng chấp thuận với điều kiện tính lại phương án tài chính (kéo dài thời gian thu phí).

Trước tình thế phải chi trả tiền lãi, tiền vận hành, bảo trì dự án và bắt đầu phải trả tiền gốc từ tháng 11 này, trong văn bản gửi Bộ GTVT, nhà đầu tư đề nghị “bằng thẩm quyền của mình” Bộ GTVT xem xét quyết định phương án giảm giá và cho phép dự án thu phí để thu hồi vốn trong tháng 11 để doanh nghiệp tránh khỏi tinh trạng phá sản.

Trao đổi với Tiền phong ngày 11/8, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Văn Công cho hay, đến nay, nhà đầu tư (liên danh Cienco 4 – Tuấn Lộc – Trường Lộc) đã thống nhất được với UBND tỉnh Thái Nguyên về phương án giảm phí – vấn đề khúc mắc nhất hiện nay. Theo đánh giá của ông Công, phương án giảm phí tại dự án này là “giảm sâu” nhất trong các dự án BOT trên cả nước; trong đó chủ phương tiện ở cách trạm 20 km cũng được giảm giá.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Thái Nguyên vẫn đang xin phải xin ý kiến Thường vụ Tỉnh uỷ nhưng khoảng 2 tháng nay chưa có kết quả. “Việc thu phí phải có sự thống nhất của địa phương. Chúng tôi đang dự thảo văn bản gửi UBND, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh Thái Nguyên để có hướng giải quyết thống nhất” – Thứ trưởng Công cho hay.

Dự án BOT Thái Nguyên – Chợ Mới có tổng mức đầu tư 2.376 tỷ đồng (mức trình kiểm toán) bao gồm việc xây dựng tuyến mới từ TP Thái Nguyên đến huyện Chợ Mới (tỉnh Bắc Kạn) và nâng cấp 25 km trển QL 1A qua địa phận huyện Phú Lương (Thái Nguyên). Dự án đã hoàn thành, nghiệm thu từ tháng 3/2017 nhưng đến nay chưa thể thu phí.

Phương án giảm giá phí cụ thể của BOT Thái Nguyên – Chợ Mới

 UBND tỉnh Thái Nguyên và liên danh nhà đầu tư thống nhất giảm giá theo 3 phân vùng:

- Vùng 1: khoảng cách đến trạm 10 km (bao gồm các phường Tân Long, Quán Triều, Quang Vinh, Hoàng Văn Thụ, Tân Thịnh, Thịnh Đán, Trưng Vương và xã Cao Ngạn của TP Thái Nguyên; xã Sơn Cẩm, Cổ Lũng thuộc huyện Phú Lương và xã An Khánh, Cù Vân, Hà Thượng của huyện Đại Từ)

-  Vùng 2: khoảng cách đến trạm từ 10-20 km; bao gồm các phường Phan Đình Phùng, Quang Trung, Túc Duyên, Đồng Quang, Tân Lập, Gia Sàng, Tích Lương, Phúc Xá, Hương Sơn, Cam Giá, Trung Thành và các xã Đồng Bẩm, Quyết Thắng, Phúc Hà, Thịnh Đức, Phúc Trìu, Phúc Xuân, Tân Cương thuộc TP Thái Nguyên; các xã Phẫn Mễ, Vô Tranh, thị trấn Giang Tiên, thị trấn Đu của huyện Phú Lương; xã Phục Linh, Tân Linh, Tân Thái và thị trấn Hùng Sơn thuộc huyện Đại Từ.

- Vùng 3: khoảng cách đến trạm trên 20 km; bao gồm: Phường Tân Thành, TP Thái Nguyên; các xã thuộc huyện Phú Lương (Động Đạt, Yên Đổ, Yên Ninh, Yên Trạch, Phú Lý, Ôn Lương, Hợp Thành, Phú Đô, Yên Lạc); các xã thuộc huyện Đại Từ (Bình Thuận, Lục Ba, Vạn Thọ, Văn Yên, Kỹ Phú, Cát Nê, Quân Chu, Mỹ Yên, Tiên Hội, Hoàng Nông, Khôi Kỳ, Bản Ngoại, La Bằng, Phú Xuyên, Yên Lãng, Nam Mao, Phú Thịnh, Phú Lạc, Phú Cường, Minh Tiến, Đức Lương, Phúc Lương và thị trấn Quân Chu) và toàn bộ các xã huyện thị trấn của Huyện Định Hoá.

Phương án giảm giá:

- Giảm 100% đối với phương tiện nhóm 1,2 tại vùng 1; các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng, các phương tiện nhóm 1 của cán nộ công chức, viên chức hợp đồng lao động tại các cơ quan nhà nước có hộ khẩu phía Nam trạm thu phí đang công tác tại huyện Phú Lương, Đại Từ, Định Hoá và ngược lại.

- Giảm 70% đối với các phương tiện nhóm 1,2 tại vùng 2; các phương tiện nhóm 3,4,5 tại vùng 1 mua vé tháng, vé quý (không giảm giá với vé lượt)

- Giảm 50% đối với phương tiện nhóm 1,2 tại vùng 3; các phương tiện nhóm 3,4,5 tại vùng 2,3 mua vé tháng, vé quý (không giảm giá với vé lượt).

Vì sao không dùng quỹ bảo trì đường bộ nâng cấp QL 3 cũ ?

Nói về kết luận về kết luận của Thanh tra Chính phủ và nhiều ý kiến cho rằng, việc nâng cấp 25 km thuộc QL 3 (KM 75- km 100) phải dùng quỹ bảo trì đường bộ, không nên đưa vào dự án BOT để lập thêm 1 trạm thu phí, liên danh nhà đầu tư lý giải: Việc nâng cấp đoạn tuyến nhằm hoàn thiện QL 3 cũ từ TP Thái Nguyên đi ATK Định Hoá đảm bảo đồng bộ đường cấp 3 (km 75-km100 trước khi nâng cấp là đường cấp 4). Ngoài ra, trong danh mục chi của Quỹ bảo trì Đường bộ chỉ cho phép dùng để sửa chữa, không cho phép dùng để nâng cấp đường. Trong một văn bản chỉ đạo gần đây, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ xem xét lại kết luận nêu trên.

MỚI - NÓNG
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
TPO - Hiện nay dòng máy bay Airbus A321 Neo có phần linh kiện đang trong thời gian bảo trì bảo dưỡng. Theo yêu cầu của nhà chế tạo, hàng loạt máy bay đã phải triệu hồi, phải dừng các chuyến bay bằng dòng máy bay này. "Các hãng nội địa của chúng ta dùng dòng máy bay này là chính nên dẫn đến việc hạn chế, thiếu hụt máy bay. Đây là một tác nhân cho việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian qua" - Cục Hàng không thông tin tới lãnh đạo TP. Đà Nẵng. 
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.