Trả giá vì quên “quy tắc vàng”ở Trung Quốc

Nơi đáng lẽ diễn ra sự kiện dành cho người hâm mộ trước khi diễn ra trận đấu giữa 2 đội Brooklyn Nets và Los Angeles ở Thượng Hải ảnh: Reuters
Nơi đáng lẽ diễn ra sự kiện dành cho người hâm mộ trước khi diễn ra trận đấu giữa 2 đội Brooklyn Nets và Los Angeles ở Thượng Hải ảnh: Reuters
TP - Đối với các công ty nước ngoài muốn làm ăn ở Trung Quốc, có một quy tắc từng được cho là đơn giản. Đó là tránh các chủ đề chính trị nhạy cảm. Nhưng không phải họ lúc nào cũng nhớ. NBA (giải đấu bóng rổ chuyên nghiệp nhà nghề Bắc Mỹ) là ví dụ mới nhất. 

NBA đang nỗ lực cứu vãn tương lai của mình ở Trung Quốc bằng cách cử một quản lý cấp cao của bộ phận ở Trung Quốc và một người được ủy nhiệm từ Mỹ đến Thượng Hải để xử lý vụ bê bối liên quan đến đoạn tweet nói về biểu tình Hong Kong của quản lý một câu lạc bộ thuộc giải, SCMP đưa tin.

Ông Zhang Yujun, phó chủ tịch bộ phận truyền thông của NBA Trung Quốc, viết trên mạng xã hội Weibo tối 8/10 rằng vụ việc liên quan đến đoạn tweet của quản lý đội bóng rổ Houston Rockets, ông Dary Morey, với nội dung ủng hộ người biểu tình Hong Kong, có thể phá hủy tổ chức này.

“Gần đây, chúng tôi thấy rằng một quản lý đội bóng vẫn chưa xin lỗi vì những bình luận không phù hợp trên mạng xã hội làm tổn thương tình cảm của người Trung Quốc. Điều này sẽ là cú giáng tàn phá đối với thành tựu mà NBA và đối tác Trung Quốc đã phát triển trong 30 năm qua”, ông Zhang viết.

Nhưng ông Adam Silver, ủy viên của NBA, lên tiếng bảo vệ quyền phát biểu của ông Morey trước khi sang Thượng Hải hôm 9/10 để dự một trận đấu trước mùa giải và gặp gỡ các cổ đông Trung Quốc. Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc nhanh chóng đáp trả bằng cách hủy chiếu tất cả các trận đấu trước giải của NBA.

Những công ty Trung Quốc khác, trong đó có những hãng công nghệ lớn như Tencent và Vivo, và đối thủ của Starbucks là Lickin Coffee, đều đã tuyên bố sẽ cắt đứt quan hệ với NBA.

Hàng chục minh tinh đại lục, trong đó có diễn viên nổi lên từ phim Diên Hy Công Lược Ngô Cẩn Ngôn và ca sĩ Phạm Thừa Thừa, đều tuyên bố tẩy chay các trận đấu của NBA ở Trung Quốc vào cuối tuần này.

Một sự kiện cộng đồng liên quan đến đội bóng Brooklyn Nets của NBA đột ngột bị hủy chỉ vài giờ trước khi bắt đầu vào sáng 8/10, còn hai đội Brooklyn Nets và  Los Angeles Lakers hủy lịch tập giao lưu với công chúng mà không đưa ra lời giải thích nào.

Ông Morey và NBA đều đã đưa ra những phát biểu hòa giải nhằm cố cứu vãn tình hình. Dẫu vậy, CBA và ngân hàng phát triển Shanghai Pudong - nhà tài trợ chính của đội Houston Rockets, đều đã cắt quan hệ với đội. Tất cả sản phẩm của Houston Rockets đã bị gỡ khỏi nền tảng thương mại điện tử Taobao, thuộc sở hữu của tập đoàn công nghệ Alibaba.

Hôm qua, tờ Nhân dân Nhật báo thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng bài bình luận dài bằng tiếng Anh trên Facebook với tựa đề: “Ông Morey: nếu những kẻ bạo loạn đốt cháy tàu điện ngầm Houston, liệu ông có ủng hộ họ?” “Thể thao không phân biệt quốc tịch, nhưng người hâm mộ thì có”, Nhân dân nhật báo viết.

Liên tiếp sự cố

Đầu mùa hè này, sau khi vấp phải phản ứng của người Trung Quốc, các hãng Givenchy, Coach và Versace đều phải xin lỗi và dừng bán những chiếc áo phông in chữ Hong Kong cùng những tên địa điểm khác theo cách có thể khiến một số người hiểu Hong Kong là một nước độc lập.

Hôm 8/10, hãng video game Mỹ Blizzard đình chỉ một người chơi Hong Kong và hủy tiền thưởng của anh này sau khi anh ta đeo kính bảo hộ và mặt nạ phòng độc - những thứ đã trở thành biểu tượng của đợt biểu tình. Blizzard là một chi nhánh của Activision Blizzard, hãng được đồng sở hữu bởi Tencent.

Hãng trang sức xa xỉ Tiffany trở thành tâm điểm của một trận bão trên mạng xã hội vì bức ảnh người mẫu dùng tay che mắt phải. Đối với nhiều cư dân mạng Trung Quốc, hành động này gợi nhớ một biểu tượng của người biểu tình Hong Kong: người phụ nữ bị cảnh sát bắn đạn giả vào mắt trong lúc biểu tình.

MỚI - NÓNG