‘Trả đũa’ vụ tấn công sân bay Kabul, Mỹ không kích nhầm vào thường dân

Cột khói bốc lên từ khu vực sân bay quốc tế Kabul ngày 27/9. Ảnh: Reuters
Cột khói bốc lên từ khu vực sân bay quốc tế Kabul ngày 27/9. Ảnh: Reuters
TPO - Theo một quan chức giấu tên, quân đội Mỹ đã tiến hành không kích nhằm trả đũa vụ khủng bố ném rocket vào sân bay Kabul sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đến Afghanistan ngày hôm qua (27/9). Tuy nhiên, một tên lửa đã bay lạc, khiến một thường dân chết và nhiều người khác bị thương.

Vài giờ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đến thăm Afghanistan cùng với Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg hôm 27/9, một vụ tấn công bằng rocket đã xảy ra tại sân bay quốc tế ở thủ đô Kabul.

Dù chuyến đi không được công bố, hai chỉ huy giấu tên của Taliban tiết lộ trên NBC News, nhóm khủng bố biết trước lịch trình bay của ông Mattis nhờ nội gián ở cơ quan an ninh Afghanistan và sân bay Kabul.

“Chúng tôi đã phóng 6 rocket và lên kế hoạch tấn công máy bay chở Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và các quan chức quân sự khác của Mỹ và NATO”, một chỉ huy Taliban nói.

Theo nguồn tin, vụ tấn công đã gây ra một số thiệt hại về người, nhưng Taliban không chắc về tình hình của ông Mattis.

Trước đó, Zabihullah Mujahid, phát ngôn viên của Taliban, đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công, đồng thời khẳng định, ông Mattis và các quan chức Mỹ khác là mục tiêu.

‘Trả đũa’ vụ tấn công sân bay Kabul, Mỹ không kích nhầm vào thường dân ảnh 1 Lực lượng an ninh canh gác ngoài sân bay Kabul sau vụ tấn công rocket. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, ABC News dẫn lời một quan chức quân đội Mỹ cho hay, 40 “vật thể lạ” đã tấn công xuống khu vực sân bay Kabul, trong đó có 29 quả rocket.

Theo vị quan chức, ông Mattis và ông Stoltenberg không bị thương trong vụ tấn công, vì họ đã rời sân bay trước đó vài giờ; ngoài ra, không có báo cáo thương vong về thiệt hại cho liên quân hay máy bay quân sự Afghanistan.

Để “trả đũa”, Mỹ tiến hành một cuộc không kích để hỗ trợ đơn vị chống khủng bố Afghanistan trên mặt đất.

Cụ thể, theo quan chức Mỹ, trực thăng Apache đã ném hai tên lửa Hellfire. Tuy nhiên, một trong số đó đã “bay lạc”, gây ra thương tích cho thường dân Afghanistan.

Phát ngôn bộ Nội vụ Afghanistan Najib Danish thông tin, một phụ nữ thiệt mạng và 11 thường dân khác bị thương trong vụ việc, ngoài ra hai ngôi nhà dân gần sân bay bị phá hủy.

Ông Danish cho biết thêm, bốn người bị cáo buộc tham gia vụ tấn công nhắm vào ông Mattis đã bị tiêu diệt bởi lực lượng đặc biệt Afghanistan trong một hoạt động gần sân bay.

Đáng nói, các thông tin do Mỹ cung cấp lại khá trùng khớp với tuyên bố của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên kênh truyền thông chính thức Amaq để bác bỏ phát ngôn của Taliban.

Theo Amaq, IS đã tấn công sân bay Kabul vào ngày 27/9, với sự tham gia hàng chục chiến binh đánh bom tự sát. Nhóm này nhắm vào trung tâm huấn luyện lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ, văn phòng của LHQ và khu huấn luyện quân đội Mỹ trong sân bay Kabul.

Ngoài ra, IS còn nhắm mục tiêu vào một chiếc máy bay Mỹ trên đường băng bằng khẩu SPG-9, lựu đạn và lựu đạn RPG-7.

‘Trả đũa’ vụ tấn công sân bay Kabul, Mỹ không kích nhầm vào thường dân ảnh 2  Ông Mattis không bị ảnh hưởng gì vì đã rời khỏi hiện trường từ trước đó. Ảnh: EPA

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis sau đó lên án vụ tấn công là “hành động tội ác của những kẻ khủng bố”.

“Nếu đây là những gì họ (Taliban) đã làm trên thực tế. Họ sẽ phải chịu hình phạt thích đáng từ lực lượng an ninh Afghanistan”, ông Mattis nhấn mạnh.

Ông Stoltenberg nói thêm: “một vụ tấn công vào sân bay dân dụng là dấu hiệu của sự yếu đuối, không phải sức mạnh”.

Được biết, đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Mattis đến quốc gia bị chiến tranh tàn phá kể từ khi Tổng thống Donald Trump quyết định tăng cường sự can thiệp của Mỹ vào Afghanistan.

Lầu năm góc chính thức thừa nhận 8.400 binh sĩ Mỹ đang ở tại Afghanistan, nhưng theo tiết lộ của các quan chức quốc phòng trên NBC News hồi tháng trước, con số thực sự dao động 11.000 -12.000 người.

Ông Mattis cho biết hồi đầu tháng này, Mỹ sẽ gửi thêm 3.000 quân tới đất nước Nam Á này.

Theo Theo NBC News, ABC News
MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.