TPHCM tiếp tục đề xuất chọn ngoại ngữ là môn thứ 3 thi vào lớp 10

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng việc lựa chọn ngẫu nhiên những môn không thuộc định hướng sẽ gây ra sốc tâm lý, căng thẳng trước kỳ thi. Môn ngoại ngữ làm môn thứ 3 thi lớp 10 giúp học sinh ổn định tâm lý, phù hợp với mục tiêu định hướng nghề nghiệp.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TPHCM vừa có văn bản góp ý lần 2 về một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT của Bộ GD&ĐT.

Đảm bảo không gây sốc cho học sinh

Sở GD&ĐT TPHCM dẫn chứng, quy chế quy định môn thứ 3 thi lớp 10 do Sở GD&ĐT và cơ sở giáo dục đại học lựa chọn. Việc lựa chọn môn thứ 3 thi lớp 10 có sự thay đổi qua các năm và công bố trước ngày 31/3.

Sở cho rằng, việc quyết định môn thứ 3 thi vào lớp 10 phải đảm bảo không ảnh hưởng đến các vấn đề liên quan tâm lý, quá trình ôn tập và việc lựa chọn môn ở cấp THPT của học sinh.

Sở dẫn chứng, với Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, cấp THPT có 6 môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng - an ninh, Lịch sử. Trong đó, môn ngoại ngữ bắt buộc học sinh phải học xuyên suốt từ năm lớp 3 đến hết lớp 12.

TPHCM tiếp tục đề xuất chọn ngoại ngữ là môn thứ 3 thi vào lớp 10 ảnh 1

Học sinh thi vào lớp 10 tại TPHCM. Ảnh: Duy Anh

Với các môn học còn lại gồm nhóm Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), Lịch sử, Địa lý, Công nghệ và Tin học, khi lên THPT học sinh có thể không lựa chọn học trong suốt 3 năm học, tùy vào định hướng nghề nghiệp của các em.

Vì vậy, việc lựa chọn ngẫu nhiên các môn ngoài toán, văn dẫn đến việc học sinh phải thi những môn không thuộc định hướng, từ đó gây ra "sốc" tâm lý, căng thẳng trước kỳ thi cho các em.

Theo Sở GD&ĐT TPHCM, việc lựa chọn môn ngoại ngữ làm môn thứ 3 đảm bảo được vấn đề giữ ổn định tâm lý, phù hợp với mục tiêu định hướng nghề nghiệp của tất cả học sinh. Đồng thời, việc lựa chọn môn ngoại ngữ đáp ứng đúng với mục tiêu đưa tiếng Anh từng bước trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Giao quyền chủ động cho Sở tổ chức thi

Sở GD&ĐT TPHCM cũng góp ý nên cho phép mỗi địa phương được quyền quyết định thời điểm công bố điểm chuẩn dựa trên đặc điểm tuyển sinh của địa phương, đảm bảo quyền lợi thí sinh và phù hợp với lịch khai giảng của Bộ GD&ĐT.

Việc này giúp địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế của khu vực. Tránh tình trạng một thí sinh trúng tuyển nhiều trường, nhiều loại hình cùng lúc, gây mất cân đối chỉ tiêu tuyển sinh của các trường.

TPHCM tiếp tục đề xuất chọn ngoại ngữ là môn thứ 3 thi vào lớp 10 ảnh 2

Sở GD&ĐT TPHCM góp ý Bộ GD&ĐT nên giao quyền chủ động cho các sở tổ chức thi lớp 10. Ảnh: Duy Anh

Đồng thời, việc này cũng tạo điều kiện cho các trường THPT chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất và nhân sự phù hợp với số lượng học sinh thực tế. Đảm bảo công bằng trong tuyển sinh và tối ưu hóa việc phân bổ học sinh theo đúng nguyện vọng và năng lực.

Sở GD&ĐT TPHCM cũng kiến nghị việc ban hành một quy chế tuyển sinh THCS và THPT thống nhất trên toàn quốc là cần thiết. Quy chế này sẽ là cơ sở để các Sở GD&ĐT xây dựng quy định tuyển sinh phù hợp với địa phương mình.

Điều này giúp công tác tuyển sinh THCS và THPT ngày càng công khai, minh bạch và đáp ứng được yêu cầu của xã hội; đặc biệt trong năm học 2025-2026, năm đầu tiên tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 theo chương trình GDPT 2018.

MỚI - NÓNG
Truyền cảm hứng về nỗ lực vượt lên giới hạn bản thân
Truyền cảm hứng về nỗ lực vượt lên giới hạn bản thân
TPO - Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024 - 2029, anh Nguyễn Khắc Cường và anh Phạm Quang Khoát là hai trong số nhiều đại biểu mang đến những câu chuyện truyền cảm hứng về hành trình nỗ lực vươn lên vượt qua giới hạn của bản thân, để cống hiến cho cộng đồng những giá trị tích cực.