Phụ huynh lo lắng phương án thi môn thứ 3 vào lớp 10

TPO - Học sinh, phụ huynh cho rằng, môn thi thứ 3 kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đảm bảo tính luân phiên hằng năm buộc học sinh học đều tất cả các môn và gây nhiều áp lực hơn so với trước. 

Sau nhiều tranh cãi về việc bốc thăm môn thi thứ 3 Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT, Bộ GD&ĐT đã bỏ cụm từ này trong Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và THPT. Tuy nhiên, Dự thảo mới quy định, có 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.

Đối với thi tuyển, để đảm bảo thống nhất, Dự thảo quy định 3 môn thi gồm Toán, Văn và 1 môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp do Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố lựa chọn và được công bố trước 31/3 hằng năm.

Phụ huynh lo lắng phương án thi môn thứ 3 vào lớp 10 ảnh 1

Phụ huynh lo lắng về bài thi thứ 3 vào lớp 10 gây áp lực cho học sinh. (ảnh: Như Ý)

Chị Nguyễn Thu Nhung, có con năm nay học lớp 9, Trường THCS Đống Đa (Hà Nội) nói rằng, lo lắng cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 nên từ khi con học lớp 8 gia đình đã cho đi học thêm Toán, Văn, Ngoại ngữ. Đầu năm học này, lại có thông tin bốc thăm môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp do Sở GD&ĐT lựa chọn.

Như vậy, khả năng môn thi thứ 3 có thể rơi vào bất kỳ môn nào hoặc ghép các môn thành tổ hợp sẽ áp lực hơn trước rất nhiều.

“Khi có thông tin này, phụ huynh lo lắng hỏi nhau tìm lớp cho con học thêm những môn yếu. Ví dụ, con nhà mình học tốt các môn Khoa học tự nhiên, có định hướng lên lớp 10 cũng sẽ chọn tổ hợp này nhưng lại đuối về các môn xã hội nên vô cùng lo lắng. Nếu thi tổ hợp vào đúng các môn con học yếu sẽ rất áp lực”, chị Nhung nói.

Trên các diễn đàn, nhiều phụ huynh đồng tình với phương án thi 3 môn vào lớp 10 THPT tuy nhiên băn khoăn, lo lắng về môn thi thứ 3 bí mật được công bố sát kỳ thi là rất gấp gáp. Phụ huynh cho rằng, Bộ GD&ĐT nên điều chỉnh thời gian công bố môn thi sớm hơn để học sinh ôn tập.

Thi bao nhiêu môn cũng áp lực

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán ở Hà Nội nói rằng, Bộ GD&ĐT có định hướng chung đối với kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trên toàn quốc là nếu phương án thi sẽ thi 3 môn nhằm đảm bảo sự thống nhất, tránh mỗi địa phương làm một kiểu là đúng. Tuy nhiên, với môn thi thứ 3, nên để cho học sinh đăng ký môn thi tùy theo năng lực, sở trường của mình. Với phương án này, công tác tổ chức thi vất vả hơn nhưng học sinh sẽ thuận lợi hơn.

Còn bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình (Hà Nội) cho rằng, trước đây Hà Nội “chốt” 3 môn thi gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ và môn thi thứ 3 công bố vào tháng 3 hằng năm, với phương án mới Bộ GD&ĐT đưa ra trong dự thảo có thể thấy giảm 1 bài thi cho học sinh. Tuy nhiên, nếu tổ chức thi môn tổ hợp, học sinh có thể cùng lúc học và thi 4 môn hoặc 5 môn.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 hằng năm tại Hà Nội luôn căng thẳng, áp lực vì số học sinh được tuyển lên THPT chỉ khoảng 62%. Do đó, thi bao nhiêu môn, học sinh, phụ huynh vẫn cảm thấy áp lực. Nhất là kỳ thi tuyển sinh năm nay là năm đầu tiên theo chương trình Giáo dục phổ thông mới, học sinh sẽ có sự bỡ ngỡ nhất định. Sau 1-2 năm thầy trò sẽ dần quen nhịp sẽ không còn đáng lo.

“Muốn giải bài toán áp lực, học sinh không đi học thêm, đề thi cần ra bám sát chương trình và xây thêm trường ở bậc THPT”, bà Thủy nói.

Cũng theo bà Thủy, ở trường học, ngay từ đầu năm đã xác định sẽ thi 2 môn Toán, Ngữ văn, ngoại ngữ là công cụ để học sinh sử dụng lâu dài nên tập trung dạy học cẩn thận. Các môn còn lại, có thể thi bất cứ môn nào nên cũng quán triệt thầy cô dạy tới đâu đảm bảo học sinh nắm chắc kiến thức đến đó. “Mỗi tháng, nhà trường kiểm tra định kỳ tất cả các môn một lần để đánh giá chất lượng học sinh. Từ đó, giáo viên biết được học sinh đã nắm kiến thức hay chưa để dạy bổ trợ. Do đó, phụ huynh, học sinh không cần quá lo lắng, đi học thêm các môn”, bà Thủy khuyên.

Hiệu trưởng một trường THCS khác tại Hà Nội băn khoăn với nội dung: “bài thi tổ hợp các môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS” cần được làm rõ hơn, tránh việc, có địa phương sẽ tổ chức thi bài thi tổ hợp kiến thức 2 môn, 3 môn gây áp lực cho học sinh. Vì, bài tích hợp Khoa học tự nhiên hiện nay gồm 3 môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, cộng 2 môn Văn, Toán sẽ là 5 môn.

Dự thảo Quy chế quy định thời gian thi, trong đó Ngữ văn là 120 phút; Toán là 90 phút hoặc 120 phút; môn thi thứ ba là 60 phút hoặc 90 phút; bài thi tổ hợp là 90 phút hoặc 120 phút.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.