TPHCM phong tỏa hàng loạt khu dân cư

TP - Ngày 8/2, TPHCM phát hiện 25 ca mắc mới COVID-19. Các trường hợp này được phát hiện khi truy vết các 5 trường hợp nhiễm bệnh thuộc tổ bốc xếp hàng hoá các chuyến bay trong sân bay Tân Sơn Nhất (BN1979, BN2002, BN2003, BN2004, BN2005). Thành phố phong tỏa nhiều khu dân cư.
TPHCM phong tỏa hàng loạt khu dân cư ảnh 1

Quận Gò Vấp, TPHCM phong tỏa con hẻm với 720 nhân khẩu liên quan bệnh nhân COVID-19. Ảnh: Ngô Bình

Trưa 8/2, hàng ngàn hộ dân ở khu vực Mả Lạng (Q.1, TPHCM) vẫn chưa hết hụt hẫng, bất ngờ khi nhà mình bị phong tỏa vì liên quan bệnh nhân (BN) 2005 là nhân viên bốc xếp ở sân bay Tân Sơn Nhất. Khu vực bị phong tỏa, cách ly tạm thời kéo dài từ số 245 Nguyễn Trãi đến 168 Nguyễn Cư Trinh có gần 2.500 nhân khẩu sinh sống.

Buồn nhưng đa số hộ dân nơi này cho biết, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường, chỉ có thay đổi là không được đi ra ngoài. Anh Đỗ Phong (ngụ hẻm 168, Nguyễn Cư Trinh) chia sẻ, gia đình vẫn chuẩn bị mọi thứ để đón Tết ở nhà. “Hôm nay tôi vẫn chuẩn bị gói bánh chưng, dọn dẹp nhà cửa để đón Tết. Dù có đôi chút bất tiện nhưng để an toàn cho gia đình và xã hội thì chúng tôi tuân thủ nghiêm việc cách ly. Tết nay không được ra ngoài cũng có buồn đôi chút nhưng đổi lại mình có nhiều thời gian ở cùng gia đình hơn”, anh Phong chia sẻ.

Theo lãnh đạo UBND quận 1, BN 2005 sống cùng 3 người khác trong gia đình. Bệnh nhân đã được chuyển đến Bệnh viện dã chiến Củ Chi, 3 người thân là F1 cũng được chuyển đi Bệnh viện điều trị COVID-19 huyện Cần Giờ để cách ly tập trung. Lực lượng công an, dân quân túc trực 24/24h để đảm bảo an ninh trật tự, kiểm soát người ra vào khu cách ly. Nhiều người thân của những gia đình bị cách ly đem đồ tiếp tế đến nhờ lực lượng chức năng chuyển vào trong.

Trong ngày 8/2, nhiều khu dân cư khác tại TPHCM cũng bị phong tỏa tạm thời vì có liên quan đến các ca mắc COVID-19. Tại quận Gò Vấp, lực lượng chức năng đã phong tỏa con hẻm có 100 hộ dân với 720 nhân khẩu ở đường Quang Trung, phường 10 và 900 nhân khẩu ở chung cư số 44, Đặng Văn Trung, phường 6. Lực lượng chức năng đã lập rào chắn, nhân viên y tế đã lấy mẫu xét nghiệm và phun khử khuẩn toàn bộ khu vực cách ly.

Trung tâm Y tế quận Tân Bình cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin BN 2002 lưu trú tại khu trọ trên đường Nguyễn Phúc Chu (quận Tân Bình, TPHCM), đơn vị lập tức kích hoạt đội đáp ứng nhanh, triển khai những hoạt động khẩn cấp để điều tra truy vết, khoanh vùng.

BN 2002 sống trong cùng vợ và con trai 9 tuổi tại khu trọ có khoảng 36 phòng. Khu vực nhà bệnh nhân nằm khoảng giữa dãy phòng trọ. Trung tâm Y tế quận Tân Bình đã khẩn trương điều tra, truy vết lịch trình tiếp xúc của bệnh nhân. Có 77 trường hợp tiếp xúc gần đang cư trú trên địa bàn đã được lấy mẫu xét nghiệm ngay trong đêm.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh đã đề nghị Ban giám hiệu trường tiểu học nơi con trai bệnh nhân học thông báo cho phụ huynh có con học cùng lớp với con trai bệnh nhân thực hiện cách ly các bé tại nhà, chờ kết quả xét nghiệm của các trường hợp F1. Nhà trường cùng phối hợp Trung tâm Y tế để điều tra, giám sát tình trạng sức khỏe của học sinh đang học tại trường.

Cùng ngày, chính quyền quận 12 và quận Bình Thạnh phong tỏa khu vực liên quan các ca nghi mắc COVID-19. Các trường hợp này đều liên quan ca bệnh 1979 là nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất.

Xem xét áp dụng Chỉ thị 16

Tại cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM với các quận huyện theo hình thức trực tuyến ngày 8/2, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), cho biết, thành phố ghi nhận thêm 25 ca dương tính với SARS-CoV-2. Họ cư ngụ tại quận 9 (1 trường hợp), quận 12 (6 trường hợp), Gò Vấp (6 trường hợp), Bình Thạnh (5 trường hợp), Bình Tân (7 trường hợp).

Tại buổi họp trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề xuất TPHCM chọn địa điểm áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng, thay vì Chỉ thị 15 như hiện nay và quyền quyết định là của địa phương. Ông Long nói: “Nhóm công nhân bốc xếp hàng hoá (cả người nhiễm và chưa nhiễm) có thể không có điểm lây nhiễm từ khu vực bốc xếp vào khu hành khách, cũng như khu vực có người phục vụ trong Cảng Hàng không. Tuy nhiên, việc giao lưu của nhóm công nhân này đối với cộng đồng ở TPHCM rất lớn. Do vậy, số ca nhiễm có thể không dừng ở con số 29 mà có thể có thêm”.

Trước mắt truy vết 60 trường hợp công nhân liên quan đến các ca nhiễm, sau đó rộng ra các khu vực và công ty khác. “Việc truy vết rất lớn. Ngoài truy vết các ca ngoài cộng đồng thì cần phải truy vết lại bằng được tất cả công nhân làm việc cùng nhau trong khu vực đó, mặc dù họ có thể không nhiễm ở thời điểm này, nhưng chúng tôi cho rằng có thể họ đã nhiễm và đã khỏi”, ông Long nhận định.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng kiến nghị hướng dẫn TPHCM lấy mẫu theo cụm gia đình, có thể trộn mẫu lên đến 16 mẫu/lần trộn. Thay vì lấy mẫu từng người thì lần thứ nhất sẽ lấy gộp mẫu từng hộ dân. Nếu phát hiện nghi nhiễm thì sẽ đưa cả hộ gia đình đó đi cách ly và lấy mẫu lần hai. Riêng các trường hợp F1 phải thực hiện xét nghiệm đơn, còn tại cộng đồng thì xét nghiệm gộp mẫu.         

Chủ tịch quận, huyện không được rời TPHCM

Tại cuộc họp khẩn sáng 8/2, nhận định việc phòng chống dịch chậm trễ sẽ trả giá, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các chủ tịch quận, huyện không được rời thành phố, tập trung chống dịch. Đối với Đường hoa Nguyễn Huệ, Đường Sách, Hội Hoa Xuân… cần thực hiện nghiêm các giải pháp phòng dịch. Đồng thời, khi khai mạc Đường hoa Nguyễn Huệ, phải bố trí thêm cổng khử khuẩn để người dân khử khuẩn trước khi đi vào. Nếu người dân không mang khẩu trang, dứt khoát không cho vào xem và phải xử phạt hành chính những trường hợp này.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.