Ngày 17/12, trao đổi với PV, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) nhận định, những ngày qua tình hình dịch tăng nhanh, tử vong cũng tăng. Biến chủng Omicron đã lan trên 57 quốc gia, khó lường trước sự nguy hiểm. “Đã có 8 ca F0 xuất hiện trong 4 ngày đi học ở các trường trong thành phố, cho thấy sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường chưa chặt chẽ. Sở GD&ĐT và Sở Y tế quy định nếu lớp có F0 xuất hiện thì cả lớp sẽ được dạy và học qua internet”, ông Phú nói.
Theo ông Phú, Trường Nguyễn Du đến nay chưa phát hiện F0 nào và hiện vẫn đang thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định của ngành y tế. Ông Phú cho rằng, thời điểm này, vai trò của phụ huynh, học sinh là rất quan trọng và đề nghị phụ huynh tầm soát, ngăn chặn bệnh từ xa.
“Các em học sinh cũng tự kiểm tra và lắng nghe cơ thể của mình, nếu có những biểu hiện lạ thì báo cho ba mẹ, thầy cô chủ nhiệm trước khi đến lớp. Đừng bao giờ vào lớp bị mỏi mệt gục xuống bàn, sốt, ho, rát họng, hay cả nhà F0... rồi cho bạn bè biết, khi đó quá muộn!”, ông Phú khuyên.
Tương tự, ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4) cho biết, ngay khi có thông tin xuất hiện F0 trong trường học, nhiều phụ huynh của trường cũng xôn xao và lo lắng. Ông Đảo cho biết, Trường Nguyễn Hữu Thọ nằm ở địa bàn có mức độ dịch cấp 3 (vùng cam) nên nguy cơ cao hơn các vùng khác, do đó phụ huynh lo lắng là điều khó tránh khỏi kể cả khi trường chưa có F0 nào.
“Tối 12/12 (ngay trước ngày đón học sinh trở lại trường 13/12), một em học sinh báo bị F0 nên ngay lập tức nhà trường chuyển em sang học trực tuyến. Cũng thời điểm này, nhà trường có 5 giáo viên khác cũng đang trong thời gian cách ly y tế nên rất vất vả để xây dựng kịch bản đón học sinh đi học cũng như vận động phụ huynh học sinh”, ông Đảo nói.
Theo ông Đảo, để phụ huynh an tâm cho con đến trường, nhà trường đã thực hiện các biện pháp chống dịch một cách bài bản, công khai, minh bạch thông tin tình hình dịch bệnh đến phụ huynh hàng ngày. Giáo viên ngoài nhiệm vụ chuyên môn còn kiêm thêm việc quan sát, nắm bắt tình hình sức khỏe các em học sinh trên lớp để xử lý khi có biểu hiện bệnh; giờ ra chơi, nhà trường liên tục phát loa nhắc nhở học sinh giữ khoảng cách; chuẩn bị đầy đủ các bộ test nhanh COVID-19 và sẵn sàng lấy mẫu xét nghiệm nếu có nghi vấn học sinh, giáo viên nhiễm bệnh…
Trước đó, trong buổi họp báo thông tin về tình hình phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM chiều 16/12, ông Trịnh Duy Trọng- Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, sau 4 ngày đi học trực tiếp đã phát hiện 8 ca F0 trong trường học, trong đó có 6 học sinh và 2 giáo viên.
Theo ông Trọng, số ca F0 xuất hiện trong trường học đã được lãnh đạo Sở GD&ĐT, Sở Y tế báo cáo UBND TP. Do đã nằm trong các kịch bản ứng phó nên việc phối hợp xử lý các tình huống giữa cơ sở giáo dục và trung tâm y tế địa phương thực hiện rất tốt. “Việc dạy và học ở các lớp có xuất hiện F0 vẫn diễn ra bình thường”, ông Trọng khẳng định.
Thông tin thêm về tình hình học sinh khối 9 và 12 đi học lại từ ngày 13/12, ông Trọng cho biết, theo số liệu khảo sát ban đầu chỉ có khoảng 80% phụ huynh học sinh đồng thuận cho con em trở lại trường nhưng khi học sinh đi học trực tiếp thì con số này lên đến trên 90%. Số liệu học sinh đi học trực tiếp cũng được Sở GD&ĐT cập nhật hàng ngày, tổng hợp theo tuần để báo cáo lãnh đạo TP.
“Có thể nói, hiện nay các trường đã thực hiện rất tốt các kế hoạch đã ban hành, các tình huống xảy ra đều trong kịch bản diễn tập trước và có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục và trạm y tế, trung tâm y tế địa phương xử lý các tình huống xuất hiện F0 trong trường. Học sinh khối 9, 12 đi học trực tiếp trở lại trên địa bàn thành phố đang diễn ra rất tốt”, ông Trịnh Duy Trọng nhìn nhận.