TPHCM lưu thông hàng hóa ra sao khi không còn chợ đầu mối?

0:00 / 0:00
0:00
Tính đến thời điểm hiện tại, 3 chợ đầu mối và trên 100 chợ dân sinh tại TPHCM tạm ngưng hoạt động.
Tính đến thời điểm hiện tại, 3 chợ đầu mối và trên 100 chợ dân sinh tại TPHCM tạm ngưng hoạt động.
TPO - Ba chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức đều tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19. TPHCM đang thiết lập vùng đệm nhận hàng, đưa hàng trực tiếp đến điểm bán không qua chợ đầu mối.

Thiết lập các vùng đệm

20 giờ tối ngày 7/7, tiểu thương chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP Thủ Đức) đã vận chuyển hầu hết hàng hóa ra khỏi chợ. Chợ sỉ nông sản lớn nhất Sài Gòn chính thức tạm ngưng hoạt động. Trước đó, Ban giám đốc chợ nông sản Thủ Đức đã yêu cầu các thương tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng, mua bán trực tiếp tại chợ.

Như vậy, cả ba chợ đầu mối nông sản thực phẩm lớn nhất TPHCM gồm Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức đã lần lượt tạm ngừng hoạt động. Trước tình hình này, Sở Công Thương TPHCM lên phương án chuẩn bị các vùng đệm bố trí tại 3 khu vực là huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi và TP Thủ Đức. Tại đây, các chành hàng, chủ hàng trao đổi tài xế, tiếp tục vận chuyển hàng hóa.

TPHCM lưu thông hàng hóa ra sao khi không còn chợ đầu mối? ảnh 1

Tiểu thương chợ đầu mối Thủ Đức tranh thủ "hốt cú chót" trước giờ đóng cửa

Trường hợp không tập kết hàng được thì sẽ thực hiện lên xuống hàng hóa tại khu vực không tiếp giáp với khu dân cư, thực hiện được các yêu cầu giãn cách.

Tại đây, cơ quan chức năng sẽ thực hiện khử khuẩn hàng hóa và phương tiện. Sau đó có các phương án bố trí, trung chuyển hàng hóa về các chợ truyền thống.

Sở Công Thương TP HCM cũng đã thống nhất với các sở, ngành tỉnh Tây Ninh về giải pháp bố trí vùng đệm trung chuyển để nối lại giao thương hàng hoá nông sản thực phẩm giữa Tây Ninh và TPHCM. Cụ thể, hàng hóa từ Tây Ninh đến TPHCM sẽ được tập kết tại một khu đất trống khoảng 1 ha gần cổng chào Suối Sâu, giáp ranh 2 huyện Củ Chi và Trảng Bàng, để thực hiện khử khuẩn hàng hóa và phương tiện; đồng thời đề xuất 3 phương án bố trí, trung chuyển hàng hóa.

TPHCM lưu thông hàng hóa ra sao khi không còn chợ đầu mối? ảnh 2

Khu nhà lồng chợ đầu mối Thủ Đức trống trơn

Phân phối online

Ông Phan Thành Tân - Giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền cho biết, sẽ phối hợp với Sở Công Thương TPHCM và các quận, huyện, TP Thủ Đức kết nối trực tuyến với các thương nhân, nhà cung cấp đang hoạt động tại chợ để cung ứng trực tiếp hàng hóa từ vùng nguyên liệu tới những khu vực có nhu cầu như các chợ truyền thống, khu công nghiệp, khu cách ly...

TPHCM lưu thông hàng hóa ra sao khi không còn chợ đầu mối? ảnh 3

Tiểu thương chợ đầu mối Hóc Môn tự thuê mặt bằng để tập kết hàng khi chợ đóng cửa

Cách thức này đã được thương nhân chợ đầu mối Hóc Môn áp dụng kể từ khi chợ tạm ngưng hoạt động hôm 28/6. Đến nay, việc mua bán hàng hóa vẫn khá thông suốt.

Ông Nguyễn Nhu - Phó tổng giám đốc Chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức cho biết, trước khi chợ đóng cửa, toàn bộ hàng đã được chuyển tới các chợ truyền thống và cửa hàng. Chợ cũng sẽ hỗ trợ tiểu thương bán hàng qua hình thức điện thoại. “Lượng hàng về chợ trong ngày 7/7 vẫn đạt hơn 3.100 tấn, chỉ giảm khoảng 2% so với trước đó. Sau khi đóng cửa, chợ sẽ phun khử khuẩn để tránh lây lan dịch bệnh” – ông Nhu thông tin.

Bên cạnh đó, ngoài việc tổ chức duy trì nguồn cung ứng hàng hóa từ các tỉnh - thành về TP.HCM thông suốt, ổn định, Sở Công thương tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, vận hành ổn định chuỗi cung ứng hàng hóa gồm các kênh phân phối hiện đại (như bán online) và truyền thống.

TPHCM lưu thông hàng hóa ra sao khi không còn chợ đầu mối? ảnh 4

Hiện tại, 3 chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức đều tạm ngưng hoạt động

Đặc biệt, tăng cường năng lực cung ứng của các chợ truyền thống, hệ thống phân phối hiện đại với quan điểm tăng cường bảo vệ các hệ thống này để giữ vững vai trò cốt yếu trong cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân; đồng thời siết chặt quản lý, đảm bảo các biện pháp an toàn trong phòng, chống dịch. Sở cũng đề nghị các DN phân phối hàng hóa, thương mại điện tử đẩy mạnh các hoạt động đặt hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà, thực hiện các biện pháp an toàn trong giao nhận hàng hóa.

Siêu thị, chợ đẩy mạnh bán hàng online, giao hàng tại nhà mùa dịch COVID-19 (Video: Chang Chang)

Thuê mặt bằng tập kết hàng hóa

Gần đây, khi các chợ đầu mối đóng cửa, nhiều xe tải của các thương lái chở hàng tập kết bán rải rác xung quanh khu vực chợ đầu mối, đặc biệt là mặt hàng rau, củ quả.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn, hiện nay hoạt động buôn bán hàng hóa giữa các thương nhân và tiểu thương vẫn diễn ra suôn sẻ.

TPHCM lưu thông hàng hóa ra sao khi không còn chợ đầu mối? ảnh 5

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho tiểu thương chợ đầu mối tại TPHCM

Sau khi chợ này đóng cửa từ ngày 28/6, các tiểu thương vẫn giao dịch trực tiếp qua điện thoại và thuê mặt bằng dọc quốc lộ 22 để bán, rồi giao trực tiếp. Thay vì đưa hàng đi các tỉnh thì giờ tiểu thương tập trung cho các mối trong thành phố. Thịt heo chủ yếu nhập tại các lò mổ, lượng thịt về chợ vẫn ở mức bình thường. “Với cách vận hành này, lượng hàng hóa về thành phố có giảm nhưng không nhiều” - ông Dũng cho hay.

Hiện, lượng heo nhập về chợ đầu mối Hóc Môn ghi nhận khoảng 2.900 con. Trong đó, lượng heo về lò giết mổ Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) để cung cấp hàng cho thương nhân, công ty lấy sỉ khoảng 900-1.000 con/đêm (trọng lượng tương đương 65-70 tấn).

Còn lượng heo nhập về chợ Bình Điền khoảng 1.000 con. Giá heo móc hàm 90.000 đồng/kg, tăng 20.000-30.000 so với hôm qua, chợ tiêu thụ rất nhanh kể cả heo mỡ.

TPHCM lưu thông hàng hóa ra sao khi không còn chợ đầu mối? ảnh 6

Tiểu thương chợ Bình Điền được chích ngừa vắc-xin COVID-19

Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, lượng hàng đạt gần 3.100 tấn; trong đó rau củ đạt hơn 1.800 tấn, trái cây đạt gần 1.200 tấn…

Hiện, Sở Công Thương TPHCM đã thông tin đến Sở Công Thương 22 tỉnh, thành Nam bộ đề nghị hỗ trợ thông tin đến các thương nhân trên địa bàn đang kinh doanh hàng hóa tại ba chợ đầu mối này tạm ngưng vận chuyển hàng hóa vào chợ; tổ chức giao dịch, đưa hàng trực tiếp đến các chợ truyền thống.

Sở Công thương dự kiến vận hành bản đồ cung cấp thông tin những chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… an toàn tại từng quận, huyện, xã, phường để người dân đi chợ, mua sắm nhu yếu phẩm.

Đưa hàng vào siêu thị

Đại diện các siêu thị cho biết, sẽ thu mua nông sản, thực phẩm của tiểu thương khi các chợ đầu mối đóng cửa với mức giá hợp lý.

TPHCM lưu thông hàng hóa ra sao khi không còn chợ đầu mối? ảnh 7

Các siêu thị tại TPHCM sẽ thu mua nông sản, thực phẩm của tiểu thương khi chợ đầu mối đóng cửa

“Trong bối cảnh 3 chợ đầu mối tạm thời ngưng hoạt động, MM Mega Market đang phối hợp với Sở Công thương TPHCM để cung cấp đến các tiểu thương của chợ số hotline đặt hàng 1800 799998. Chúng tôi cam kết sẽ cung cấp hàng hóa với giá ưu đãi như một sự chung tay góp sức cho chuỗi cung ứng hàng hóa luôn được liên tục” - ông Đinh Quang Khôi – Phó Giám Đốc Marketing MM Mega Market Việt Nam cho hay.

Ngoài ra, theo đại diện Sở Công Thương thành phố, các hệ thống bán lẻ của Satra, Bách Hóa Xanh, Saigon Co.op... cũng sẽ tham gia đảm nhận việc tiêu thụ hàng tồn của tiểu thương chợ đầu mối, đồng thời tăng cường nguồn thiết yếu.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch COVID-19, việc tập trung mua bán đông người như mô hình của chợ đầu mối là không đảm bảo an toàn cho tiểu thương mà người mua hàng.

Do đó, TPHCM đã triển khai điều chỉnh lại, tạm thời không giao dịch tại chợ đầu mối, nhưng các tiểu thương vẫn tiến hành nhận hàng từ các tỉnh và phân phối cho các kênh khách hàng quen thông qua điện thoại, internet bằng những chuyến hàng đã được chia nhỏ. Do đó, chuỗi cung ứng của TPHCM trong điều kiện hiện nay vẫn đảm bảo tiếp nhận hàng và lưu thông bình thường, song điều kiện sẽ khó khăn hơn so với khi hàng được thông qua chợ đầu mối.

MỚI - NÓNG