Nóng nhất vẫn là đoàn kiểm tra, xử lý của ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, khi tiếp tục chỉ đạo “giải cứu” vỉa hè. Hàng loạt ô tô đậu lấn chiếm vỉa hè trên địa bàn quận 1, TPHCM bị đoàn xử phạt và cẩu về trụ sở công an. Chỉ trong buổi sáng 28/2, đoàn liên ngành đã lập biên bản xử phạt hơn 10 xe ô tô đậu trên vỉa hè các tuyến đường Nguyễn Du, Sương Nguyệt Ánh, Cách Mạng Tháng Tám, Bùi Thị Xuân... Trong khi đó, lực lượng Cảnh sát trật tự quận 3 và Quản lý đô thị đã kiểm tra hai tuyến đường Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng lập biên bản xử phạt 25 trường hợp lấn chiếm vỉa hè. Trong đó có 7 trường hợp xe ô tô đậu trên vỉa hè, 5 trường hợp xe máy leo vỉa hè.
Cùng ngày, ông Nguyễn Quốc Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú cũng xuống đường chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự lòng lề đường. Theo ông Thái, quận Tân Phú có gần 50% là dân tạm trú, do đó nhiều gánh hàng rong là cả nguồn nuôi sống gia đình người vi phạm nên trong quá trình làm, quận chủ trương sắp xếp lại trật tự kinh doanh trên các tuyến đường đủ điều kiện kinh doanh để người dân buôn bán.
Tương tự, ông Nguyễn Thành Phương, Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận đã trực tiếp xuống đường đòi lại vỉa hè. Đoàn đã lập biên bản xử phạt 4 cửa hàng kinh doanh cho xe đậu chiếm vỉa hè với tổng số tiền 49 triệu đồng, lập biên bản xử phạt 23 xe máy đậu sai quy định.
Sau hơn 10 ngày ra quân “giải cứu” vỉa hè cho người đi bộ ghi nhận của phóng viên chiều 28/2, cho thấy dọc tuyến đường Trần Quang Khải (phường Tân Định, quận 1), Hai Bà Trưng, Đinh Tiên Hoàng,… vỉa hè thông thoáng hơn trước. Người dân đã tự giác tháo dỡ các công trình lấn chiếm vỉa hè như bậc thang trước cửa nhà; những bậc thềm xây dựng chiếm ra vỉa hè, nhiều hộ dân kinh doanh cũng đã đập bỏ.
Tương tự ở các tuyến đường trung tâm quận như đường Nguyễn Huệ, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Đồng Khởi, Tôn Thất Hiệp,….vỉa hè cũng đã trở nên thông thoáng. Các điểm kinh doanh cũng không còn đậu xe lấn chiếm vỉa hè.
Không ngại đụng chạm
Trao đổi với Tiền Phong, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 nhấn mạnh, quận sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp tái phạm. Nếu đã vi phạm rồi mà tiếp tục tái phạm thì cứ căn cứ pháp luật mà xử lý, phải xử phạt mạnh tay theo quy định. Ông cho biết, dù là dân hay cơ quan nhà nước, nếu vi phạm thì phải xử lý như nhau, công bằng trước pháp luật.
“Về phạt nguội thì hiện nay các cơ quan chức năng như ngành công an thì đã có rồi, nhưng hoạt động chưa đi vào ổn định. Nên bây giờ vẫn phải sử dụng phương án đi kiểm tra, xử phạt thường xuyên”- ông Hải nói và cho biết cương quyết cuối tháng 3 này phải xử lý xong các công trình nhà dân lấn chiếm vỉa hè. Đồng thời cuối năm 2017 phải trả lại hoàn toàn vỉa hè cho người đi bộ.
“Mình đã nói ngay từ đầu rồi, mình đâu có ngại đụng chạm, trong quá trình xử lý phải cố gắng làm sao cho hai bên cùng đồng thuận giải quyết”- Phó chủ tịch quận 1 nói và theo ông dù hơi mệt nhưng vẫn phải làm quyết liệt, vẫn liên tục đến khi nào có hiệu quả mới thôi.
Chốt công an tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM được quận 1 trả lại.
Quận 1 trả lại chốt gác cho ngân hàng
Trưa 28/2, trao đổi với Tiền Phong lúc đi kiểm tra xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè ở Ngân hàng Nhà nước, ông Đoàn Ngọc Hải khẳng định làm không sai, sự việc cũng đã báo cáo với lãnh đạo thành phố về việc tháo dỡ các chốt công an, hàng rào xích trước trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM. Trước câu hỏi vì sao ông cho trả lại chốt, ông Hải cho biết đây là việc làm linh động sau khi trao đổi với đại diện phía ngân hàng. Việc trả chốt để cho các anh em cảnh sát làm việc bảo vệ nơi trọng yếu.
Ông Hải cho rằng các quy định, văn bản mà phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tại TPHCM chưa đầy đủ và chính xác. Quận 1 đã hướng dẫn ngân hàng làm giấy phép chính xác hơn, phía ngân hàng có thời gian 1 tháng để hoàn thành các thủ tục, giấy phép đúng quy định. Trao đổi với Tiền Phong chiều 28/2, bà Nguyễn Thị Lành, Phó Trưởng Văn phòng đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại TPHCM cho biết: “Phía ngân hàng cũng đang tập trung hoàn thiện văn bản, hồ sơ. Có nhiều văn bản giao nhiệm vụ cho Bộ Công an, đơn vị bố trí mục tiêu chính là Bộ Công an”.
Còn ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM nói với Tiền Phong, hàng rào xích xung quanh trụ sở ngân hàng có từ trước giải phóng. Sau này phía ngân hàng có trách nhiệm sửa sang và xin ý kiến quận 1 để một phần vỉa hè để xe cho cán bộ ngân hàng, phần hàng rào cũng được dời vào một khoảng ở hai đường Tôn Thất Đạm, Pasteur. Thời điểm đó là năm 2014, quận 1 có văn bản chấp thuận đồng ý. Còn về các chốt, ông Minh cho biết trụ sở ngân hàng nằm trong danh mục được canh gác theo điều 6 của Nghị định 37/2009/NĐ-CP. Đồng thời, tại Thông tư 20/2010/TT-BCA quy định Tổng cục Cảnh sát chịu trách nhiệm bảo vệ trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cụ thể tại điều 8 của thông tư này công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm canh gác, bảo vệ.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết, việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, cán bộ, công chức chỉ được phép làm những gì pháp luật cho phép. Nên trong việc xử lý vi phạm về giao thông, về xây dựng phải đúng cả về nội dung lẫn hình thức. Trong quá trình xử lý vi phạm, các cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền phải chấp hành đúng quy định pháp luật hiện hành.