TPHCM: 'Khám sức khỏe' cây xanh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau nhiều tháng liền nắng nóng kỷ lục, TPHCM đã xuất hiện những cơn mưa lớn kèm dông. Đề phòng mưa kèm gió lớn làm cây gãy đổ, bật gốc, gây mất an toàn cho học sinh, các trường học đã tiến hành “khám sức khỏe” cho cây.

Đốn cành chứ không cắt trụi

Trường THPT Marie Curie (quận 3) - một trong những ngôi trường cổ nhất TPHCM, hiện có 9 cây xà cừ trên 100 năm tuổi. trường được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố nên việc cắt tỉa, hạ đốn cây đều phải có sự đồng ý của Sở Xây dựng, Sở Văn hoá và Thể thao,...

Ông Báo Trung Thoảng, Tổ Trưởng Tổ văn phòng nhà trường nhìn nhận đây là khó khăn của đơn vị trong quản lý, khi cây xanh nằm trong khuôn viên nhà trường nhưng quyết định đốn bỏ hoặc trồng mới phải thông qua các đơn vị chuyên trách khác.

Mặt khác, nhân sự quản lý nhà trường chỉ làm chuyên môn giảng dạy chứ không thể biết cây nào có nguy cơ hư hại, gãy đổ. Hàng năm, nhà trường mời Cty Công viên cây xanh TPHCM khảo sát, đánh giá sức khỏe các cây trong khuôn viên.

Cận kề mùa mưa, trường phải thuê đơn vị tỉa những nhánh cây khô và trồng mới một số loại cây để tăng cường phủ bóng mát cho năm học tới. “Cây xanh tạo nên không gian cổ kính, che bóng mát khi học sinh hoạt động ngoài trời, học giáo dục thể chất. Do đó, nhà trường không vì lo sợ cây gãy đổ mà cắt trụi cành một cách thô bạo. Sân trường đã tráng bê tông nhưng vẫn dành khoảng thở cho cây”, ông Thoảng bày tỏ.

TPHCM: 'Khám sức khỏe' cây xanh ảnh 1

Thân cây phượng bị sâu và mục rỗng nghiêm trọng tại trường THPT Bùi Thị Xuân được phát hiện và cưa đổ hồi năm 2023

Ảnh: Nhàn Lê

Tại trường THPT Võ Trường Toản (quận 12) - một trường ở quận ngoại thành, 92 cây xanh được trồng khắp sân trường, cây lớn tuổi nhất đã được 25 năm. Hệ thống cây xanh này như máy điều hòa khổng lồ giúp sân trường mát mẻ. Trong những buổi hoạt động tập thể lên tới hơn 1.000 người, không gian tại sân trường này cũng không bị bức bối, oi nóng do bức xạ nhiệt. Theo bà Đỗ Thị Việt Phương, Phó Hiệu trưởng, cây xanh còn gắn liền với ký ức của bao thế hệ học trò, gắn liền với lịch sử nhà trường. Hiểu được vai trò của những tán cây, tới mùa mưa bão, nhà trường đã lên kế hoạch “thăm khám”, phòng tránh cây gãy đổ, bật gốc.

Theo bà Phương, “sức khỏe” của cây xanh không thể đánh giá bằng mắt thường mà phải có sự thẩm định từ đơn vị chuyên môn. Hiện mỗi tháng một lần, Cty cây xanh sẽ đến trường kiểm tra, bảo dưỡng cây. Ngoài ra, nhà trường cũng hợp đồng với một đơn vị để cắt lá, tỉa cành, đảm bảo an toàn cho học sinh và mỹ quan nhà trường. “Năm học trước, đơn vị cây xanh vào kiểm tra, phát hiện một cây phượng mục rỗng dù bề ngoài xanh tốt. Nếu không được đốn hạ kịp thời, một cơn mưa lớn xuất hiện là cây có thể bật gốc. Đốn cây đi thì rất tiếc nhưng không còn cách nào khác bởi tính mạng con người là trên hết”, bà Phương nói.

Nhiều sự cố liên quan đến cây xanh trường học

Đầu tháng 4/2023, cây xanh trong khuôn viên Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) bất ngờ bật gốc làm sập tường rào của trường. Vụ việc khiến 6 người bị thương, 9 xe máy bị hư hỏng.

Cuối tháng 5/2020, cây phượng trong sân trường THCS Bạch Đằng (quận 3) bật gốc đè nhiều học sinh. Sự việc khiến nhiều học sinh bị thương, trong đó một em tử vong.

Trong năm học trước, trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) cũng phát hiện một cây phượng mục rỗng gần hết phía trong khi mời chuyên gia đến “khám bệnh” cho cây. Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường thông tin, các cây mục rỗng, không đủ sức khỏe đã được cưa bỏ để đảm bảo an toàn cho học sinh.

Cưa trụi cành là đang hại cây

Theo ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TPHCM), trước mùa mưa hàng năm, Sở Xây dựng đều có văn bản hướng dẫn các đơn vị triển khai các nội dung về phòng tránh, ứng phó và khắc phục sự cố ngã đổ cây xanh trong mùa mưa bão. “Các trường học, công sở khi cần hỗ trợ, tham vấn ý kiến chuyên ngành, nên phối hợp cùng Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật trực thuộc Sở Xây dựng và Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh”, ông Điệp đưa ra lời khuyên.

PGS.TS.KTS Nguyên Hạnh Nguyên, Phó viện trưởng Viện Thiết kế và Kinh doanh sáng tạo (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành), cho rằng để đảm bảo cây xanh không bị gãy đổ, bật gốc, phải bắt đầu từ việc trồng cây và chăm sóc đúng kỹ thuật. Trước thời tiết ngày càng cực đoan, nếu không có sự hỗ trợ của con người thì cây sẽ không sống lâu.

Theo bà Nguyên, cây được chọn để trồng trong trường học phải đảm bảo ít sâu bệnh, ít rụng hoa, rụng trái, không thu hút ong, ruồi. Tiếp đó, muốn cây sinh trưởng tốt thì không nên cưa quá nhiều rễ và gốc trước khi trồng. Bồn cây phải đủ rộng, hố trồng đủ sâu để rễ cây cắm sâu xuống lòng đất. “Các trường học hiện nay bê tông hóa quá nhiều. Hơn nữa, bồn cây lại quá nhỏ nên cây khó vươn rễ ra xa, vì không bám đủ sâu dưới đất nên chỉ cần một cơn gió là cây bật gốc”, bà Nguyên chỉ ra nguyên nhân.

Chuyên gia này còn chỉ ra, việc các trường cưa trụi cây xanh trước mùa mưa bão là sai lầm. “Cưa quá sâu như vậy khiến lá không kịp ra, không thể quang hợp để nuôi thân cây. Mỗi lần cưa là mỗi lần cây giảm sức khỏe, khi ra cành cũng không ra tán dài để che bóng mát”, bà Nguyên nói.

MỚI - NÓNG
Hà Nội nắng hanh trước khi đón gió mùa
Hà Nội nắng hanh trước khi đón gió mùa
TPO - Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đầu tuần (5 - 7/1) thời tiết Thủ đô Hà Nội duy trì hình thái trời rét về đêm và sáng, ngày có nắng hanh. Dự kiến khoảng từ 8/1 khu vực đón đợt gió mùa đông bắc mới tràn về, Thủ đô có thể đón mưa.