Đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết, sau thời gian cách ly tập trung 7 ngày nói trên, bệnh nhân cần ở tại nhà và tự theo dõi, cách ly y tế tại nhà trong 7 ngày tiếp theo.
Trong thời gian cách ly tại nhà F0 sẽ phải đo thân nhiệt 2 lần mỗi ngày. Nếu thân nhiệt cao hơn 38 độ C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe cần báo cho y tế địa phương để thăm khám và xử trí kịp thời. Bên cạnh đó, F0 cần tuân thủ thông điệp 5K, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người khác.
Hà Nội chuẩn bị tình huống 3.000 ca COVID-19 mỗi ngày
Ngày 14/12, trao đổi với báo chí sau cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết dù số ca bệnh bình quân gia tăng mạnh, nhưng thành phố vẫn kiểm soát được tình hình. Hiện thành phố đã triển khai 32 bệnh viện, cơ sở thu dung và 27 cơ sở thu dung theo mô hình trạm y tế lưu động với năng lực điều trị cho 100.000 ca bệnh. Hà Nội cũng đã triển khai thi công xong hệ thống ô xy tại 25 bệnh viện với 3.200 đầu ra khí ô xy phục vụ người bệnh.Theo yêu cầu của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo xây dựng kịch bản, phương án ứng phó khi số ca F0 tăng lên 2.000 và 3.000 ca/ngày; tiếp tục huy động sự tham gia của các bệnh viện, cơ sở y tế của các bộ, ngành trung ương đóng trên địa bàn, các cơ sở y tế ngoài công lập; chỉ đạo hoàn thành ngay cơ chế, chính sách để huy động lực lượng y, bác sĩ đã nghỉ hưu, lực lượng sinh viên ngành y tham gia hỗ trợ y tế tuyến cơ sở.
Doanh nghiệp kêu bị thu nhiều loại phí
Đây là thông tin được các doanh nghiệp đưa ra tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021, do Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức ngày 14/12. Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam nhìn nhận, dịch COVID-19 làm hoạt động của không ít doanh nghiệp (DN) điêu đứng. Với ngành logistics, khó khăn lớn nhất chính là việc các DN phải đối phó với sự gián đoạn trong chuỗi cung cấp dịch vụ và giá tăng “phi mã” của cước vận tải biển cũng như sự thiếu hụt, mất cân bằng container trên toàn thế giới. “Các DN xuất nhập khẩu Việt Nam đang phải chịu hơn 10 loại phí các loại đối với một container hàng xuất khẩu như: Phí chứng từ, phí xếp dỡ, phí vệ sinh container, phí cân bằng container, phí khai trọng lượng…” , ông Trung nói.
Theo Báo cáo logistics Việt Nam 2021 tính đến hết quý 3/2021, dịch COVID-19 đã khiến 2.509 DN vận tải kho bãi phải tạm ngừng hoạt động, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2020. Có 571 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2020. Hiện các DN logistics Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với việc cạnh tranh gay gắt với các DN logistics nước ngoài.