TPHCM đốn hạ 143 cây xanh đường Tôn Đức Thắng làm cầu Thủ Thiêm 2

Ngoài cây xanh, TPHCM sẽ tiến hành di dời hạ tầng kỹ thuật (như điện, điện thoại,…), 10 tổ chức, cá nhân (tổng diện tích 13.000 m2) với tổng kinh phí di dời khoảng 378 tỷ đồng.
Ngoài cây xanh, TPHCM sẽ tiến hành di dời hạ tầng kỹ thuật (như điện, điện thoại,…), 10 tổ chức, cá nhân (tổng diện tích 13.000 m2) với tổng kinh phí di dời khoảng 378 tỷ đồng.
TPO - Theo giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Bùi Xuân Cường, sẽ có 258 cây xanh phải di dời trong quá trình thực hiện công trình cầu Thủ Thiêm 2, trong đó có 143 cây cổ thụ sẽ bị đốn hạ.

Chiều 5/7, kỳ họp thứ 5 HĐND TPHCM đã dành thời gian để lãnh đạo Sở GTVT TPHCM báo cáo về việc thực hiện công trình cầu Thủ Thiêm 2.

Ông Bùi Xuân cường, Giám đốc Sở GTVT cho biết theo quy hoạch phát triển, TPHCM có hai hướng phát triển chính là về phía Nam và phía Đông.

Hướng phát triển về phía Đông có bán đảo Thủ Thiêm với việc triển khai thực hiện khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo quy hoạch, có 26 cây cầu bắt qua sông Sài Gòn nối khu trung tâm hiện hữu với khu đô thị mới Thủ Thiêm,

Cầu Thủ Thiêm 2 đã được phê duyệt theo quy hoạch của thành phố (theo Quyết định 24/QĐ-UB), Quyết định 101/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2001 và quy hoạch điều chỉnh vào năm 2013.

Ông Cường cho biết khi xây dựng cầu Thủ Thiêm 2, với chiều dài hơn 1440 m, công trình sẽ ảnh hưởng đến mảng xanh (chủ yếu là cây xà cừ, cây sọ khỉ…) trên trục đường Tôn Đức Thắng và Nguyễn Hữu Cảnh.

Tổng cộng sẽ có 258 cây xanh bị ảnh hưởng, trong đó có 196 cây sọ khỉ. Theo phân loại, có 21 cây loại 1; 99 cây loại 2, 13 cây loại 4, còn lại là cây loại 3 sẽ bị ảnh hưởng.

“Qua phản biện của Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, các chuyên gia thống nhất sẽ bứng dưỡng 115 cây xanh; đốn hạ 143 cây cổ thụ nếu bứng dưỡng sẽ tốn nhiều chi phí, khả năng sống của cây không cao. Số cây bứng dưỡng đưa về Đại học Nông Lâm nuôi dưỡng rồi đưa về nơi khác trồng. Gỗ thu hồi đưa vào các công trình công cộng phục vụ người dân”, ông Cường nói.

Lãnh đạo Sở GTVT cho biết phương án này là tối ưu, đã cố gắng hạn chế tối đa việc đốn hạ. Sau khi công trình cầu Thủ Thiêm 2 hoàn thành sẽ tái lập mảng xanh mới với số lượng cây trồng mới lớn hơn số cây di dời.

Ngoài cây xanh, TPHCM sẽ tiến hành di dời hạ tầng kỹ thuật (như điện, điện thoại,…), 10 tổ chức, cá nhân (tổng diện tích 13.000 m2) với tổng kinh phí di dời khoảng 378 tỷ đồng.

“Hàng cây cổ thụ đã lưu nhiều ký ức của người dân nhưng vì nhu cầu phát triển nên phải di dời, mong các đại biểu hiểu, chia sẻ để dự án triển khai, góp phần phục vụ nhu cầu phát triển của thành phố”, ông Cường nói..

Theo Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, phương án trên đã được lựa chọn, đã  báo cáo thường trực Thành uỷ.

 Tuy nhiên, do ảnh hưởng đến mảng xanh, lãnh đạo TPHCM rất cân nhắc, yêu cầu UBND TPHCM hạn chế tối đa việc xâm hại mảng xanh, báo cáo HĐND TPHCM để các đại biểu tuyên truyền vận động cử tri chia sẻ vì sự phát triển của thành phố.

MỚI - NÓNG