Ông Dục cũng cho biết, Sở vừa có hội thảo tiếp thu ý kiến các chuyên gia về việc thay thế cây xà cừ trên địa bàn thành phố.
Mới là đề xuất của tư vấn
Tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 6/6, lãnh đạo Sở Xây dựng thông tin liên quan việc dịch chuyển, giải tỏa cây xanh phục vụ thi công mở rộng đường Phạm Văn Đồng thuộc vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, theo phương án do đơn vị tư vấn lập, BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội thống nhất phương án dịch chuyển, giải tỏa và cắt tỉa cây xanh trên tuyến với tổng số 1.315 cây. Trong đó, giữ nguyên vị trí 142 cây, dịch chuyển 158 cây, phải giải tỏa, chặt hạ 1.015 cây gồm xà cừ, bàng, cau vua...”Nhu cầu, số liệu dịch chuyển, giải tỏa cây xanh trên tuyến đường đến nay mới là theo phương án đề xuất của đơn vị tư vấn và chủ đầu tư đưa ra”, ông Phong cho hay.
Cũng theo ông Phong, ưu tiên hàng đầu là bảo tồn, di chuyển dù có thể phát sinh chi phí. Trong điều kiện không thể dịch chuyển mới thực hiện giải pháp giải tỏa, chặt hạ cây. Đối với cây phải xử lý trong dự án này, thành phố giao các cơ quan, đơn vị liên quan lên danh sách, hồ sơ, phương án cụ thể với từng cây, có sự giám sát chặt chẽ việc xử lý cây xanh khi di dời hay chặt hạ.
Sau khi di dời hơn 1.300 cây kể trên, Hà Nội sẽ trồng thay thế 1.547 cây, gồm giáng hương, bàng Đài Loan, cọ dầu, ban hoàng hậu... Ngoài ra, còn có khoảng 4.600 cây bụi như đại sứ, tường vi, hoa giấy được trồng trên tuyến đường này. Gần 70.000 m2 thảm cỏ, cây thảm lá màu cũng được trồng.
Bất khả kháng mới chặt hạ cây
Tại cuộc họp, các phóng viên đặt hàng loạt câu hỏi: Dự án được phê duyệt năm 2013 nhưng việc chặt cây bây giờ mới là ý tưởng và đề xuất, vậy khi thành phố phê duyệt dự án có phương án xử lý cây xanh như thế nào? Khi BQL đưa ra các phương án thì có những phương án nào để lựa chọn, phương án nào giữ được nhiều cây nhất? Nếu thực hiện phương án dịch chuyển, chặt hơn 1.300 cây xanh, có đánh giá tác động môi trường chưa? Đến thời điểm này Hà Nội có văn bản nào quy định lúc nào thì chặt cây xanh?... Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, trong 1.300 cây xanh này thì chặt hạ không phải là ưu tiên.
“Không có gì là không công khai, minh bạch ở đây cả. Ưu tiên dịch chuyển, giữ nguyên vị trí, bất khả kháng mới chặt hạ để thi công, để thấy cái cây quý như thế nào, cho nên đến giờ chưa động gì ở đây cả”, ông Dục nói.
Theo ông Dục, trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, sau khi loại trừ cây dương dại, còn khoảng hơn 1.000 cây xanh, trong đó có hơn 90% là cây xà cừ (nhóm có đường kính 80cm - 1m, 50-60 tuổi chỉ chiếm 10%, còn lại là cây có tuổi đời 32 năm, trồng từ năm 1985). Ông Dục nhấn mạnh, nhóm ưu tiên đánh chuyển là cây tiếp tục sử dụng được, cây chặt hạ không nhiều. Từ thực tế, Sở Xây dựng khẳng định, đánh chuyển được và tỷ lệ sống cao.
“Thành phố không quyết chặt hạ 1.000 cây. Sở Xây dựng cùng các sở ngành, chuyên gia khi chặt hạ một cây thì cũng phải xem xét hết sức kỹ càng. Phương án di chuyển, chặt hạ 1.300 cây xanh mới là đề xuất của đơn vị tư vấn và chủ đầu tư. Sở Xây dựng có trách nhiệm nhận đề xuất đó, sau này sẽ tham mưu cho thành phố duyệt phương án tối ưu”, ông Dục nói. Giám đốc Sở Xây dựng cũng nói việc này phải xin ý kiến người dân. Ông cho hay, Sở sẽ xem phương án của 2 chủ đầu tư và tới hiện trường để quyết định, đồng thời chọn đơn vị đánh chuyển có kinh nghiệm để đảm bảo cây sống được.
Cũng tại đây, lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng: “Thành phố không có chủ trương về giải tỏa, thay thế 4.000 cây xà cừ mà báo chí đã nêu”. Tuy nhiên trước đó, ngày 31/5, chính Sở xây dựng Hà Nội đã tổ chức một hội thảo về chủ đề thay thế cây xà cừ. Về việc này, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, quy định của Bộ Xây dựng hiện nay không khuyến khích trồng xà cừ ở đô thị vì tại đô thị, mạch nước ngầm cao, gặp nước ngầm thì rễ xà cừ không mọc sâu xuống dưới; khi thi công các công trình ngầm phải chặt rễ thì rễ cây không phát triển thêm; cây xà cừ rễ chùm, không phải rễ cái nên dễ đổ vào mùa mưa bão…
Nên làm dải phân cách giữ lại cây
Theo chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường (Hội KHKT Lâm nghiệp Việt Nam), cây xà cừ được Pháp đưa vào trồng ở Hà Nội hơn 100 năm nay. Lịch sử đã chứng minh, loài cây này phát triển tốt ở điều kiện đất đai, khí hậu của Hà Nội. Sau đó, xà cừ còn được trồng nhiều lần từ sau 1954 ở các tuyến phố khác của Hà Nội. Đây là loài cây có giá trị sinh thái, môi trường rất lớn, đặc biệt là giá trị về bóng mát. “Tán xà cừ dày, rộng, giữ bóng tốt nên khả năng che mát tuyệt vời nhất, hơn hẳn một số loại cây mới được trồng sau này như phượng, bàng.
Cũng theo chuyên gia này, thời gian gần đây một số cây xà cừ bị đổ khi có gió bão. Tuy nhiên, không phải là lỗi của cây mà là lỗi của con người. Khi xây dựng cơ sở hạ tầng, nhiều nơi đã chặt rễ cây xà cừ hoặc làm hạ tầng ngầm cản lối phát triển của rễ khiến cho rễ cây không ăn sâu xuống đất được. “Xà cừ đứng vững nếu con người không chặt rễ cây đi”, ông Cường nói. Theo ông Cường, không một loại cây nào có thể thay thế được xà cừ. “Những cây trồng mới đây của Hà Nội như phượng, bàng Đài Loan có giá trị chủ yếu về mỹ quan, rất ít tác dụng che mát”, ông Cường nói.
Trước đề xuất trồng lại các cây xà cừ cần di dời, các chuyên gia cho rằng phương án này không khả thi. Theo ông Lê Huy Cường, cây xà cừ có kích thước lớn, nếu di chuyển đi nơi khác và trồng lại, cây khó sống và phát triển được, nguy cơ đổ cây càng cao. Vì vậy, phương án tốt nhất là quy hoạch, bảo tồn tại chỗ “có thể cân nhắc xây dải phân cách giữ lại cây xà cừ”, ông Cường chia sẻ.
GS Đặng Huy Huỳnh chia sẻ, “việc làm dự án đường trên cao là cần thiết nhưng tôi rất tiếc mỗi lần làm dự án Hà Nội lại chặt cây xanh”. Ông cho rằng, Hà Nội nên xem lại việc chặt loài cây giá trị này.
Nguyễn Hoài