Theo ông Hiếu, trên địa bàn thành phố hiện nay, quỹ đất của các trường quy hoạch từ trước đã được sử dụng vào mục đích xây dựng trường lớp. Trước tình hình học sinh ngày càng gia tăng, các trường rất khó tìm được quỹ đất thay thế. Đặc biệt, hiện nay tại khu vực nội thành quỹ đất sạch có thể sử dụng cho việc xây dựng trường học với diện tích lớn đã không còn. Ở những khu vực các quận huyện ngoại thành có mật độ tập trung dân cư đông, quỹ đất xây dựng trường học cũng rất khó khăn.
Hầu hết các trường học ở nội thành TPHCM hiện đang rơi vào tình trạng quá tải |
Ông Hiếu cho biết, công tác quy hoạch, tổ chức mạng lưới trường lớp gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai lấy ý kiến người dân cũng như việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Hiện nay, thành phố đang ở giai đoạn đầu tư công giữa kỳ trung hạn giai đoạn 2021 -2025, nhiều dự án đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp trường học đang gặp khó khăn vướng mắc khi áp dụng chỉ tiêu định mức về diện tích đất bình quân trên mỗi học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (tối thiểu là 10 mét vuông trên mỗi học sinh - PV).
Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng trường học trên địa bàn thành phố phải phù hợp theo quy hoạch đô thị đã được phê duyệt về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và các quy định pháp luật liên quan. Đối với mô hình trường học đã quy định về số tầng cao tối đa.
Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM về việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc dự án cải tạo nâng cấp xây dựng mới thay thế các công trình trường học, Sở Xây dựng đang phối hợp với các sở ngành, quận huyện, tham mưu UBND TPHCM kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan xem xét thống nhất việc áp dụng định mức diện tích sàn xây dựng tối thiểu trên học sinh thay cho diện tích đất bình quân tối thiểu.
Giải pháp này cần được áp dụng đối với các khu đô thị đông dân cư, khó khăn về quỹ đất nhằm phù hợp với đặc thù của TPHCM từ đó có các quy định cụ thể về việc đầu tư, xây dựng trường học cao tầng nhằm đảm bảo về quy hoạch đô thị, an toàn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
TPHCM đề xuất phương án giao quyền chủ động cho thành phố được xem xét các trường hợp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai áp dụng quy định nhằm phù hợp với tính chất đặc thù của TPHCM.