TPHCM: Công nhân mong an cư

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 5/5, đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV TPHCM phối hợp Liên đoàn Lao động TPHCM tiếp xúc với 300 cử tri là công nhân lao động đang làm việc ở quận Bình Tân, huyện Củ Chi, góp ý dự án Luật BHXH (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi).

Ưu đãi nhà ở

Rời quê lên thành phố làm công nhân, chị Lê Thị Mỹ Kha (công nhân Công ty TNHH Lạc Tỷ, quận Bình Tân) vẫn mong mỏi mua được căn nhà nhỏ để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, công việc khó khăn, đồng lương eo hẹp, trong khi nhà ở xã hội giá vẫn “chót vót” khiến giấc mơ của chị thêm xa vời. “Tôi mong Chính phủ có chính sách ưu đãi cho công nhân, nhất là công nhân ngoại tỉnh được mua nhà ở xã hội” - chị Kha nói.

TPHCM: Công nhân mong an cư ảnh 1

Công việc không ổn định, công nhân khó thực hiện giấc mơ an cư. Ảnh: U.P

Liên quan gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, anh Hoàng Văn Dũng - Công ty Cổ phần nhựa Minh Hùng cho rằng, Chính phủ cần có những giải pháp để công nhân lao động dễ dàng tiếp cận nguồn vốn; tạo cơ chế, chính sách, nguồn vốn vay lãi suất thấp cho các doanh nghiệp (DN) thực hiện chương trình nhà ở xã hội cho người lao động.

Trong khi đó, nhiều công nhân kiến nghị không nên phân biệt nơi làm việc. Chị Võ Thị Trúc Mai (công nhân Công ty Quảng Việt, huyện Củ Chi) cho rằng, tại mục Phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp (phần bổ sung) có quy định, đối tượng thụ hưởng chính sách nhà lưu trú công nhân là người làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN)... “Không nên phân biệt giữa công nhân bên trong và ngoài KCN. Những người công nhân làm việc xa quê cuộc sống còn nhiều khó khăn nên phải thuê trọ, họ có nhu cầu lớn với nhà lưu trú” - chị Mai nói.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, quận có hơn 318.000 công nhân, trong đó 70% đến từ các tỉnh thành khác và đa số đều thuê trọ. Thu nhập bình quân của công nhân khoảng 7 triệu đồng/tháng; sau khi trừ chi phí, nếu không gửi về quê sẽ còn dư khoảng 2 triệu đồng. Công nhân muốn có được khoảng 1 tỷ đồng để mua nhà thì phải tích lũy 50 năm. Do đó, vấn đề sửa đổi Luật Nhà ở rất được công nhân quan tâm, chờ đợi. “Rất mong đại biểu Quốc hội có ý kiến với Chính phủ để cho công nhân được tiếp cận vay vốn ưu đãi và mua nhà ở xã hội, cũng như có sự công bằng trong tiếp cận nhà lưu trú và nhà ở xã hội giữa công nhân trong và ngoài KCN” - ông Hải kiến nghị.

“Nóng” bảo hiểm xã hội

Chị Trần Thị Hạnh - công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam kiến nghị, quy định về mức hưởng lương hưu tại Điều 73 của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) chỉ 75% là thấp. Mức lương hưu phải đảm bảo mức sống tối thiểu. BHXH không thể áp dụng mức trích nộp lúc ban đầu tham gia để tính bình quân cho mức đóng hiện tại. BHXH nên quan tâm người lao động áp dụng mức sống lúc về hưu là đảm bảo đời sống cơ bản để tính toán. Không thể áp dụng mức đóng của năm 2000 để tính mức sống của năm 2023.

Nhiều cử tri kiến nghị giữ nguyên mức rút BHXH một lần như cũ, lý do nhiều công nhân làm việc trong môi trường độc hại, nặng nhọc khó có thể làm đến tuổi nghỉ hưu. Bên cạnh đó, có trường hợp trên 45 tuổi bị mất việc, đi xin việc thì không có ai nhận vì lớn tuổi… Đây là lý do khiến họ muốn rút BHXH một lần vì gặp khó khăn thật sự.

Ông Nguyễn Thanh An - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi) cho rằng, giảm số năm đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống còn 15 năm của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) nhằm mục đích tăng số lượng người được hưởng chế độ hưu trí và giảm số lao động rút BHXH một lần. “Tuy nhiên, đa phần người lao động hiện nay xem khoản đóng BHXH là khoản tích lũy và sẽ rút ra bằng mọi giá. Do vậy, dù giảm số năm đóng BHXH xuống còn 10 năm thì khi làm việc được 9 năm người lao động cũng sẽ nghỉ việc và rút BHXH một lần. Nên việc giảm số năm đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí nhằm hạn chế người lao động rút BHXH một lần là không khả thi” - ông An nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, đoàn ghi nhận đầy đủ ý kiến của các cử tri và kiến nghị lên cấp cao hơn. Liên quan về nhà ở xã hội và những góp ý cho Luật Nhà ở (sửa đổi), ông Nhân cho biết, sẽ đề xuất để người lao động từ 35 tuổi trở xuống có nhà, thuê được nhà ở với giá hợp lý, hoặc sẽ có chính sách cho người lao động vay mức tối thiểu để trả tiền nhà.

Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM khẳng định, việc rút BHXH một lần chỉ có lợi trước mắt, song về lâu dài, điều đó không có lợi. “Sở cũng đề xuất có cơ chế hỗ trợ cho công nhân gặp trường hợp khó khăn về tài chính. Như ở TPHCM là có các quỹ như CEP, khi người lao động cần thì cấp quản lý, công đoàn có biện pháp, chứ không để họ rút BHXH một lần hoặc vay tín dụng đen” - ông Lâm nói.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.