Sợ chủ đầu tư trục lợi
Ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - vừa ký văn bản 1113/UBND-ĐT về góp ý Nghị quyết thí điểm nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng soạn thảo.
Theo đó, các quyền và ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội tại điểm d, khoản 2, điều 5 của dự thảo quy định: “Được dành một phần quỹ đất trong phạm vi dự án hoặc một phần diện tích sàn thuộc phần khối đế công trình theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại theo quy định của Chính phủ. Chủ đầu tư được hạch toán riêng và hưởng toàn bộ lợi nhuận đối với phần diện tích kinh doanh, dịch vụ thương mại này”.
Khu đất xây dựng nhà ở xã hội của Công ty Nguyên Sơn ở huyện Bình Chánh, TPHCM chỉ ép cọc xong rồi bỏ đó. |
UBND TPHCM cho rằng, việc hạch toán riêng và hưởng toàn bộ lợi nhuận đối với phần diện tích kinh doanh, dịch vụ thương mại này sẽ tạo điều kiện, khuyến khích chủ đầu tư tham gia đầu tư nhà ở xã hội. Tuy nhiên, dự thảo chưa quy định rõ tỷ lệ phần trăm quỹ đất hoặc tỷ lệ phần trăm diện tích sàn thuộc khối đế công trình để chủ đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại.
Do đó, UBND TPHCM đề nghị Bộ Xây dựng cần có quy định rõ tỷ lệ phần trăm này, tránh tình trạng chủ đầu tư lợi dụng chính sách để thiết kế phần diện tích kinh doanh thương mại có lợi về phần mình.
Theo UBND TPHCM, việc không hạch toán vào giá bán nhà ở xã hội sẽ đẩy giá thành nhà ở xã hội lên cao so với quy định hiện hành. Điều này dẫn đến các đối tượng thụ hưởng khó có cơ hội mua được nhà ở xã hội. Do đó, UBND TPHCM đề nghị Bộ Xây dựng cân nhắc thêm về nội dung này.
Ngoài ra, UBND TPHCM còn kiến nghị chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội xây dựng phương án giá bán, cho thuê, cho thuê mua được cơ quan thẩm quyền thẩm định trước thời điểm nhà ở đủ điều kiện giao dịch. Đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội là hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Chính phủ hoặc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc.
Nên áp dụng đấu thầu rút gọn
Về chính sách đất đai để xây dựng nhà ở xã hội tại khoản 3 điều 3 của dự thảo quy định “chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị không bắt buộc phải dành diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội”.
Góp ý về vấn đề này, UBND TPHCM cho rằng, quy định trên sẽ ảnh hưởng lớn đến chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của các địa phương có nhu cầu về nhà ở xã hội lớn như Hà Nội, TPHCM; ảnh hưởng đến đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030; không phát huy nghĩa vụ với xã hội của doanh nghiệp đầu tư dự án bất động sản thương mại.
Dự án nhà ở xã hội MR1 tại quận 7, TPHCM sau lễ khởi công biến thành bãi giữ xe và nơi tập kết vật liệu xây dựng. |
Do đó, nên quy định theo hướng giao UBND cấp tỉnh điều tiết nghĩa vụ nhà ở xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị theo hình thức nộp tiền mặt hoặc xây nhà ở xã hội tại vị trí khác.
Việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, tại điểm b, khoản 2, điều 4 của dự thảo quy định: “Trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên đăng ký làm chủ đầu tư thì thực hiện lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về nhà ở”.
UBND TPHCM cho rằng, vấn đề này là vướng mắc lâu nay bởi pháp luật về nhà ở không quy định cụ thể về đấu thầu. Việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội hiện vẫn phải thực hiện theo pháp luật đấu thầu.
Để đồng bộ với pháp luật đấu thầu và cắt giảm thủ tục và thời gian, UBND TPHCM đề nghị lựa chọn chủ đầu tư thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật đấu thầu và được phép áp dụng quy trình đấu thầu rút gọn, bỏ qua bước tổ chức đấu thầu quốc tế và bước sơ tuyển.