TPHCM 'biệt phái' giáo viên THCS xuống dạy tiểu học: Có dễ thực hiện?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trước tình trạng thiếu hụt giáo viên cho năm học mới 2022 - 2023, TPHCM vừa yêu cầu điều động, biệt phái giáo viên tiếng Anh, Tin học tại các trường THCS xuống dạy... tiểu học nhưng việc này không dễ thực hiện vì bậc THCS cũng thiếu giáo viên trầm trọng. 

Theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2022-2023 vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM (GD&ĐT) công bố, Phòng GD&ĐT các quận, huyện và TP Thủ Đức cùng hiệu trưởng các trường tiểu học phải đảm bảo dạy môn tiếng Anh, Tin học cho 100% học sinh lớp 3 từ năm học này theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

TPHCM 'biệt phái' giáo viên THCS xuống dạy tiểu học: Có dễ thực hiện? ảnh 1

TPHCM đang thiếu nhiều giáo viên tiếng Anh, Tin học ở cấp tiểu học

Với lớp 1, 2, các trường triển khai chương trình môn tiếng Anh tự chọn và tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận giáo dục Tin học. Với khối 4, 5, các trường tiếp tục dạy tiếng Anh tự chọn theo chương trình cũ và chương trình thí điểm tiếng Anh cấp tiểu học, tăng cường tổ chức dạy tiếng Anh 8 tiết/tuần.

Do thiếu giáo viên tiếng Anh và Tin học cấp tiểu học trong khi chương trình hai môn học này trở thành bắt buộc ở cấp tiểu học từ năm học này, TPHCM yêu cầu các Phòng GD&ĐT, các trường học có phương án bố trí giáo viên linh hoạt.

Cụ thể, các Phòng GD&ĐT có thể điều động giáo viên dạy liên trường trong cùng cấp học hay biệt phái, điều động giáo viên tiếng Anh, Tin học cấp THCS giảng dạy tại trường tiểu học. TPHCM yêu cầu tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên biệt phái về phương pháp giảng dạy, chương trình và sách giáo khoa khi dạy cấp tiểu học.

Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu, khi điều động, ngành giáo dục các địa phương và các nhà trường cần có phương án đảm bảo quyền lợi cho giáo viên sao cho phù hợp với thực tế của địa phương. Các trường gặp khó khăn trong việc bố trí giáo viên xây dựng kế hoạch thực hiện môn học linh hoạt, sắp xếp thời khóa biểu khoa học để giáo viên dạy được liên trường, dạy tại nhiều điểm trường. Ngoài ra, nhà trường phối hợp với các tổ chức, cá nhân có chức năng, năng lực cung cấp dịch vụ để tổ chức dạy môn Tiếng Anh, Tin học.

Cùng với giải pháp tạm thời về việc điều động giáo viên, Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu các Phòng GD&ĐT tham mưu UBND quận huyện và TP Thủ Đức có biện pháp lâu dài để quy hoạch, tuyển dụng đủ giáo viên dạy đúng và đủ các môn, khắc phục tình trạng thiếu hoặc bố trí giáo viên không đúng cơ cấu, không phù hợp chuyên ngành đào tạo; chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; ưu tiên biên chế tuyển dụng giáo viên cho những môn học mới theo chương trình giáo dục phổ thông mới...

Bậc THCS, THPT cũng thiếu

Ngay sau khi nhận được yêu cầu trên, Phòng GD&ĐT các quận, huyện ở TPHCM đang lên phương án rà soát, bố trí nhưng việc này không hề dễ dàng bởi tình trạng thiếu giáo viên diễn ra ở tất cả các bậc học.

Bà Phạm Thúy Hà - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT quận 4 cho biết, địa phương là một trong những nơi luôn trong tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh, điển hình là 2 trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh và tiểu học Đống Đa. Hiện, quận 4 đang thiếu 15 giáo viên tiếng Anh và Tin học nhưng 2 năm qua không tuyển dụng được giáo viên nào.

“Trước tình trạng thiếu giáo viên nhưng không tuyển được, các trường tiểu học phải xoay xở đủ kiểu, trong đó hợp đồng với các giáo viên bên ngoài để dạy tiếng Anh tự chọn, tăng cường. Ngoài ra, quận cũng thiếu giáo viên ở các bộ môn khác nhưng những bộ môn này dễ xoay xở hơn vì có thể hợp đồng với các giáo viên về hưu…”, bà Hà nói và cho biết, đây là phương án phổ biến nhiều nhà trường, địa phương tại TPHCM đang thực hiện để lấp chỗ trống.

Bà Hà cũng cho biết, theo chỉ đạo mới nhất từ Sở GD&ĐT, quận 4 đang cho các trường tiểu học, THCS rà soát việc thừa thiếu, sau đó sẽ tiến hành cho tập huấn cho giáo viên THCS trước khi phân về các trường tiểu học làm nhiệm vụ choàng vai.

Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp cho hay: “Cả bậc THCS, THPT trên địa bàn quận cũng đang thiếu giáo viên đủ các môn từ tiếng Anh, Tin học, đến các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, chuyên đề… nên không thể nào choàng vai nhau được. Trường nào phải tự chủ động trường đó".

Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp còn cho biết nhiều trường, nhiều bộ môn có rất ít, thậm chí không có người nào nộp đơn ứng tuyển, dù chỉ tiêu tuyển dụng từ vài chục đến cả trăm giáo viên. “Nguyên do sâu xa là do lương thấp nên giáo viên bỏ nghề hoặc từ chối không theo nghề sư phạm”, ông Thanh nói.

Năm học 2022-2023, TPHCM cần tuyển hơn 5.200 giáo viên, trong đó tiểu học hơn 2.300, THCS gần 1.700, mầm non gần 900 và THPT gần 300. Các môn thiếu giáo viên nhiều nhất là Tiếng Anh, Tin học.

Trong báo cáo về việc dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học, Sở GD&ĐT TPHCM nhìn nhận lương của giáo viên tiếng Anh còn thấp. “Nếu mới ra trường, các thầy cô chỉ được trả hơn 3 triệu đồng một tháng. Trong khi đó, số tiết dạy nghĩa vụ tương đối cao 23 tiết mỗi tuần…”

MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.