Tốt nghiệp đại học… về quê trồng cam sành thu tiền tỷ

Từ năm học thứ 3, anh Lộc đã "thử sức" với cây cam sành.
Từ năm học thứ 3, anh Lộc đã "thử sức" với cây cam sành.
Anh Phạm Hoàng Lộc (30 tuổi) ở ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành (Hậu Giang) sau khi tốt nghiệp ngành Sinh học, Đại học Cần Thơ, quyết định về quê trồng cam sành và thu nhập khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm.

"Xếp" bằng cử nhân… lấy vườn cam sành

Anh Lộc là người con thứ 2 trong gia đình có 3 anh em, sống với cha mẹ già nên mọi việc anh đều gánh vác. Sau khi tốt nghiệp có tấm bằng kỹ sư trong tay, anh Lộc không đi xin việc làm mà quyết định về quê gắn bó với cây cam sành.

Anh Lộc, cho biết: “Trước đây, cha mẹ tôi cầm chiếc ghe đi khắp nơi để mua bán củi. Do chạy theo phong trào nên 1 ha cam sành xen bưởi của gia đình trồng bỏ đó và chẳng thu hoạch được mấy mùa đã tàn lụi. Gia đình nghèo nên không dám xin tiền ba để hùn vốn làm ăn. Vì vậy, tôi mới đi hỏi mượn người anh bà con để kiếm lãi phục vụ cho việc học hành”.

Được biết, khi còn là sinh viên năm 3 thấy việc trồng cam sành mang lại lợi nhuận kinh tế cao nên anh Lộc cùng với một người thầy và một người bạn hùn vốn mua vườn cam lá của người dân với giá 75 triệu đồng để áp dụng những kiến thức, kinh nghiệm mà thầy trò đã dày công tích lũy về cây cam sành nhiều năm qua. Không ngờ trong “trận đánh” đầu tiên này, thầy trò anh Lộc thắng lớn, trừ đi chi phí còn lời hơn 200 triệu đồng.

Từ thắng lợi ban đầu này, chàng sinh viên trẻ tên Lộc đã xác định được công việc của anh sau khi ra trường chính là quyết gắn bó đời mình với cây cam sành. Anh Lộc chân tình: “Thật ra khi tốt nghiệp THPT, tôi quyết tâm thi đỗ đại học lấy kiến thức để đi xuất khẩu lao động. Vì khi đó, tôi thấy các anh em đi trước lấy tấm bằng đại học đã khó, đi tìm việc làm càng khó hơn và khi có việc làm phải chịu sự bó buộc mà lương chẳng được bao nhiêu.

Bởi vậy, trong thời gian đi học, tôi bắt đầu nghe ngóng để chọn cho mình một công việc riêng và công việc đó giúp ích cho bản thân, bà con quê nhà. Và sau bao nhiêu lựa chọn, tính toán, tôi thấy đời mình gắng bó với cây cam sành ngay tại quê nhà là thích hợp nhất”.

Theo lời anh Lộc, để có những kiến thức về cây cam sành như ngày hôm nay anh phải bỏ công sức tìm tòi, nghiên cứu và nhờ thầy cô giải đáp, hướng dẫn và không nhớ mình đã đọc không biết bao nhiêu tài liệu, nào là điều kiện khí hậu, đất đai, cách chọn cây giống, các loại bệnh cây cam sành thường gặp, cách xử lí trái nghịch vụ, phân bón…

Khi có kiến thức nền vững chắc về cây cam sành hoặc cây trồng vật nuôi mà mình muốn đầu tư thì việc thứ 2 là phải chú ý đến “túi tiền” để quyết định đầu tư. Nếu có vốn ít, mình làm ít và làm từ từ để tích lũy kinh nghiệm và cũng là cách tăng vốn để dồn sức “đánh trận” lớn hơn 

Từ thành công mùa cam sành đầu tiên, nhóm thầy trò anh Lộc tiếp tục “đánh” những trận nhỏ bằng cách đầu tư 1 ha cam sành đất nhà của anh Lộc và mua thêm 1 ha cam lá của những hộ dân lân cận để đầu tư.

Và với bộ 3 vườn cam của thầy trò anh Lộc tiếp tục trúng mùa, trúng giá nên đã trả được các khoản nợ hỏi vay ban đầu và mỗi người còn dư trong túi vài trăm triệu đồng.

Tốt nghiệp đại học… về quê trồng cam sành thu tiền tỷ ảnh 1

Từ những thành công ban đầu nên sau khi ra trường, anh Lộc quyết định về quê nhà đầu tư cây cam sành thay vì đi xin việc làm như những cử nhân khác.

… Trở thành tỷ phú cam sành

Năm 2011, anh Lộc ra trường. Thầy và người bạn có hướng đi khác, riêng anh Lộc thì vẫn kiên định với nghề trồng cam của mình. Khoảng giữa năm 2011, sau khi anh Lộc tính toán lại số tiền trong túi, anh Lộc còn thiếu nhiều để đầu tư 2 ha cam sành (1 ha của vườn nhà và 1 ha mua cam lá của hàng xóm với giá 500 triệu đồng - PV) nên anh Lộc mời anh Hiếu – người bạn cùng xóm góp vốn và bản thân anh vay thêm ngân hàng 200 triệu đồng để cùng bạn gầy dựng sự nghiệp…

Cam sành cho thu hoạch 3 – 4 đợt trái/năm, mùa thuận giá giảm hơn nên ở mức từ 12.000 – 20.000 đ/kg, còn mùa nghịch giá tăng lên 25.000 – 35.000 đ/kg. Để cây cam sành đạt hiệu quả thì khâu chọn giống  rất quan trọng.

Vì thế anh Lộc không đặt mua giống ở các cơ sở khác mà tự đi xem những vườn cam tươi tốt, sạch bệnh trong vùng rồi mua hẳn một vài cây (tùy vào số lượng cần) sau đó thuê thợ đến ghép. Như vậy, cây giống sẽ được sạch bệnh và chi phí giảm hơn rất nhiều.

Ngoài ra, để cam đạt hiệu quả và năng suất cao, yếu tố rất quan trọng trong canh tác là nguồn nước không nhiễm phèn, thủy lợi thông thoáng, giao thông thuận lợi, chọn giống sạch bệnh và áp dụng khoa học kỹ thuật. Muốn ổn định lâu dài phải sử dụng nền phân hữu cơ để củng cố đất, sẽ giảm bênh hại trên cây trồng cũng như tăng năng suất. Đó là những cách thức anh Lộc áp dụng trong canh tác.

Để cây cam cho thu hoạch nhiều năm và giảm chi phí đầu tư, anh Lộc nói thêm:  “Nên trồng cỏ lá tre (1 lá mầm) trên vườn để giữ ẩm cho đất, làm cho đất tơi xốp, làm màng phủ tre chắn cho cây, từ 1 – 2 tháng nên phát cỏ trong vườn để hạn chế cỏ lấy chất dinh dưỡng của đất và cỏ phân hủy làm chất dinh dưỡng cho cây. Kết hợp trồng tràm 2 mé liếp với tỉ lệ trồng xen (liếp trồng liếp để trống) nhằm làm giảm nhiệt độ trong điều kiện nắng nóng, làm giá đỡ cho cam như một hệ thực vật che chắn, tránh nám trái vào mùa nghịch.

Tốt nghiệp đại học… về quê trồng cam sành thu tiền tỷ ảnh 2 Vụ mùa cam sành vừa rồi với 2 ha cam của anh Lộc cho thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi khoảng trên 1 tỷ đồng.
Với kinh nghiệm và kỹ thuật vững chắc vườn cam anh Lộc luôn trĩu quả. Anh Lộc, cho biết: Nếu thuận lợi cam đạt năng suất từ 50 - 70 kg/cây/năm, tính ra sản lượng từ 50 - 70 tấn trái/ha. Thường cam trồng khoảng 4 năm cây bị hư hại nhưng chăm sóc kỹ, đúng kỹ thuật có thể ăn tới hơn 10 năm.

Năm 2013,  vườn anh thu hoạch 2 ha được 60 tấn cam, bán với giá từ 15.000 – 18.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lãi gần 900 triệu đồng. Vừa rồi, 2 ha cam của anh Lộc cho thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi khoảng trên 1 tỷ đồng.

Không chỉ dừng lại ở đó, bằng sức trẻ và kinh nghiệm có được ngoài 2 ha đang thu hoạch, cuối năm 2013 anh thuê thêm 7,2 ha đất ở trị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành với chi phí đầu tư gần 1 tỷ đồng để mở rộng diện tích trồng cam.

Hướng tới anh Lộc sẽ lắp đặt hệ thống tưới nước bằng máy, phun thuốc bằng dụng cụ tự chế, thuốc sẽ pha chế trong một chiếc ghe, hệ thống cần phun sẽ được lắp theo hình chữ T chụp trên đầu ngọn cam, chiếc ghe sẽ được gắn động cơ chạy giữa mỗi liếp mà không cần người điều khiển. Đến khi hết thuốc lại tiếp tục pha chế, với việc canh tác thế này 2 người có thể làm đến 10 ha mà không khó khăn gì.

Trao đổi với PV ông Lê Việt Dũng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hữu cho biết: “Trước đây toàn xã có trên 700ha trồng cây cam sành, tuy nhiên hiện nay cây cam sành trên địa bàn Hậu Giang đang bị dịch vàng đầu, thối rễ mà nhiều nhà vườn phải đốn bỏ, trồng cây cam mới nên diện tích trồng cam có chút thay đổi.

Riêng trường hợp chỗ anh Lộc, do anh Lộc có kiến thức về khoa học kỹ thuật nên rất thành công với cây cam sành, đặc biệt là việc anh Lộc sử dụng nhiều phân hữu cơ, hạn chế tối đa dùng phân vô cơ, nhờ đó tuổi thọ, năng suất vườn cam em Lộc cao hơn các hộ khác.”

Điều kiện thời tiết nắng nóng và dịch bệnh bùng phát mạnh như vàng lá gân xanh, thối rễ… nên tỉ lệ thành công không nhiều, nhưng với niềm đam mê, nghị lực và khát vọng vươn lên đã giúp chàng cử nhân trụ vững trong thời buổi khó khăn đem lại nguồn thu nhập “khủng” và tự khẳng định mình.

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG